.

Cứu hộ cứu nạn trên biển dưới triều Nguyễn

.

Việc đi biển gặp muôn vàn rủi ro, sóng gió nguy nan mà con người không thể lường trước được, chính vì thế có rất nhiều tàu thuyền gặp nạn. Dưới thời Nguyễn, đứng trước thực trạng này, Nhà nước đã có nhiều hoạt động cứu hộ cứu nạn như là việc thực thi về chủ quyền tất yếu trên vùng biển.

Ảnh tư liệu

Tháng 3 năm Gia Long thứ 7 (1808), thuyền buôn nước Anh chở hơn 500 khách buôn người Hoa bị bão đến đậu ở cửa Đà Nẵng, Gia Long sai cấp thuyền gạo cho thuyền buôn bị nạn rồi sai đưa theo đường bộ trở về nước. Lại còn thưởng cho tàu Anh 300 phương gạo về hành động cứu người. Tháng 8-1809 cứu hộ tàu buôn người Xiêm gặp gió bão dạt vào bến Đà Nẵng, cấp cho 200 phương gạo.

Đầu thời Minh Mạng đặt lại lệ cứu hộ cứu nạn. Trong đó, có đoạn giải thích rõ: “Nay đường biển gian nan hiểm nghèo, sóng gió nổi lên không lường được. Gần đây các quan quân và nhân dân, hoặc đi công tác hoặc đi buôn bán, mạo muội vào chỗ hiểm nghèo, nơi hiểm sâu đều là sự bất đắc dĩ. Hoặc ngẫu nhiên gặp nạn sóng gió, còn sống thì không nơi nương tựa, mà chết thì ai là người chôn cất... Truyền cho các quan địa phương giữ các cửa bể phải dự trữ tiền gạo phòng khi có người gặp nạn sóng gió, thì chiếu công tư phân hạng mà cấp phát” (1).

Việc cứu nạn vì thế mà được tiến hành tốt hơn. Trong những trường hợp đặc biệt, Minh Mạng đã đối xử rất chu đáo, tạo mọi điều kiện như cấp phát tiền gạo, chỗ lưu trú và thậm chí cử cả phái bộ đưa người bị nạn về như trường hợp cứu tàu buôn của Anh vào tháng 12-1836: "Tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa bị nạn, ghé vào bãi biển Bình Định hơn 90 người. Việc ấy tâu lên, ngài sai lựa nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo; người chủ tàu và mấy người đầu mục ngõ bộ cám ơn lắm. Ngài sắc phái bộ Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống tàu qua Hạ Châu đặng về Anh Cát Lợi (2).

Tháng Giêng 1833, “có một chiếc thuyền quân tuần dương Quảng Đông bị gió vào vũng Sơn Chà, tỉnh Quảng Nam. Quan tỉnh tâu lên, ngài ban rằng: “đó là thuyền công sai, không phải như thuyền buôn bị nạn”, khiến cấp cho 300 tiền, 300 phương gạo trắng, phái quan qua hỏi thăm và hậu đãi trâu rượu; thuyền có hư hỏng thì giúp cho, lại đem súng điểu thương, trường thương kiểu có máy tàu mỗi thứ 40 khẩu và thuốc đạn qua tuyên cấp cho” (3). Có thể nói đây là một sự quan tâm đặc biệt bởi là “thuyền công” của nhà Thanh, hơn nữa lại là thuyền tuần dương. Có thể cũng là một mối quan tâm chung trên biển.

Đến tháng Giêng năm Tự Đức thứ nhất (1848), có sự thay đổi: “Cấp cho thuyền buôn nước Tàu bị gió xiêu, mỗi người một phương gạo. Ngài truyền chỉ, từ nay về sau có thuyền bị nạn, đều chiếu lệ ấy chẩn cấp” (4).

Năm 1835, Thái Đình Lan, một nhà văn người Thanh đáp thuyền buôn từ Phúc Kiến đi Đài Loan, chẳng may gặp gió trôi dạt vào Lai Cần, thuộc bờ biển Quảng Ngãi vào ngày 13-10-1835. Đến ngày 5-11 năm đó thì có “châu phê” của Minh Mạng: "Người này xuất thân hàng văn sĩ, không may gặp bão lớn lâm nạn, tiền đi đường đã cạn... Lệnh cho tỉnh, ngoài việc cấp phát tiền gạo, còn gia ân ban cho 50 quan tiền, 20 phương gạo... Còn phát cho những người trong thuyền theo số mỗi người mỗi tháng cấp cho một phương gạo". Sau khi có "châu phê" của Minh Mạng, Thái Đình Lan được đối đãi tử tế, còn có ý giữ lại khi ông muốn về nước nhưng cuối cùng cũng "bịn rịn gạt lệ chia tay".

Trên chuyến hành trình ấy, ông đã cẩn thận ghi chép tất cả những gì ông gặp và sau đó được xuất bản với nhan đề "Hải Nam tạp trước". GS. Đới Khả Lai cho biết: "Trước và sau khi Thái Đình Lan phiêu dạt vào Việt Nam, còn nhiều văn nhân, thương nhân, binh sĩ, quan viên và họ hàng của họ cũng bị phiêu dạt, triều Nguyễn đều sắp đặt ổn thỏa. Thương nhân được đưa gửi về bằng đường bộ, còn quan viên, văn nhân và binh sĩ được hộ tống bằng đường biển về phía bắc. Những hiện tượng này có thể nói là một biểu hiện của chính sách hữu hảo đối với Trung Quốc của triều Nguyễn" (5).

Edward Brown, một thủy thủ Anh bị gió dạt vào mũi Varella (nay xác định là Vũng Rô, Khánh Hòa) nhưng không may bị hải tặc tấn công, bắt giữ. Ông trốn thoát, lạc vào Hòn Khói, nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhân dân. Trong hồi ký của mình, ông lấy làm hổ thẹn mà nghĩ rằng “Nếu như một thủy thủ người Việt chẳng may bị đắm tàu gần bờ biển Anh quốc thì chắc chắn là người đó không được giúp đỡ và ưu ái như người Việt Nam đã giúp đỡ và ưu ái ông" (6).

Ngoài việc chuẩn cấp lệ cứu nạn, nhà Nguyễn còn có chính sách đối với người đi biển, vì việc công nếu chẳng may bị chết trên biển thì đều chiếu cấp tiền "hậu tuất nạn gió". Các đồn biển ngoài nhiệm vụ quan sát, phòng thủ còn làm nhiệm vụ cứu nạn thuyền công gặp gió, tìm kiếm tàu thuyền, người gặp nạn (7).

Cứu hộ cứu nạn là hoạt động có nhiều đóng góp, hỗ trợ rất nhiều cho tàu thuyền gặp nạn. Nhà nước có quy định và dự trữ tiền gạo ở các cửa biển để dành riêng cho công tác nhân đạo này. Tàu thuyền gặp nạn đều được quan tâm giúp đỡ, cấp phát lương thực, tiền bạc, có khi còn cử người đưa về nước. Đối với thuyền công sai của nước ngoài gặp nạn luôn có sự chuẩn cấp đặc biệt. Điều đó có ý nghĩa lớn trong hoạt động ngoại giao. Bên cạnh đó, hoạt động cứu hộ của các địa phương có cửa biển cũng đã đóng góp không nhỏ cho công tác này bởi chính họ là tai mắt của Nhà nước có thể tiếp cận và ứng cứu nhanh nhất.

ThS. Lê Tiến Công (Đại học Phan Châu Trinh, Hội An)

Chú thích:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mạng chính yếu, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.232.

(2), (3), (4) Quốc triều sử toát yếu, tr. 264, 199, 354.

(5). Đới Khả Lai, “Hoa kiều và người Hoa ở Việt Nam trong Hải Nam tạp trước của Thái Đình Lan”, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất, Nxb Thế Giới, 2001, Tập 5, tr. 315-333.

(6). Patrick J. Honey, "Việt Nam vào thế kỷ XIX qua hồi ký của Edward Brown và Trương Vĩnh Ký", Trương Ngọc Phú giới thiệu và chú giải, Nghiên cứu Huế, tập 2, 2001, tr. 130-149.

(7). Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 585.

;
.
.
.
.
.