.

Đóng góp nền tảng

Cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa biết nên gọi ông là nhà nghiên cứu sử học, địa phương học, hay gọi là nhà văn, nhà báo, nhà giáo thì chính xác với ông nhất.

Ở lĩnh vực nghiên cứu, với những công trình về lịch sử Nam tiến ở vùng Quảng Nam (tiền đề lịch sử Nam tiến của cả dân tộc), có thể nói ông đã đặt những nền móng cơ bản về nghiên cứu bản sắc văn hóa người Quảng Nam (cũng là tiền đề về bản sắc văn hóa của cả xứ Đàng Trong) để từ đó, bất cứ ai khi đề cập đến chuyện này đều phải có những trích dẫn từ các bài viết của ông. Cuốn Phong trào Duy Tân của ông là một trong những tiếng nói quan trọng trả lại cho phong trào này một ý nghĩa lịch sử mà càng ngày giới nghiên cứu càng đánh giá cao và luôn có giá trị thực tiễn về sự canh tân đất nước trong các giai đoạn, kể cả giai đoạn hiện nay.

Là nhà văn, ông có những tác phẩm không vang danh nhưng ai đọc rồi thì không thể quên được. Văn ông như giọng nói người Quảng, thô ráp, giản đơn, thậm chí cục hòn, nhưng bao giờ cũng ngồn ngộn sức sống với những chi tiết, sự kiện đầy khám phá.

Đọc ông nhiều mới thấy khi không có ý kiến gì mới, không có khám phá nào mới thì ông không viết. Ông chẳng bao giờ lặp lại ý của một ai đó, thậm chí trong cả những cuộc nói chuyện tầm phào hằng ngày. Một bài viết ngắn ông gửi cho một tờ tạp chí địa phương có số lượng in chừng một ngàn chữ cũng đầy những phát hiện mới.

Ngồi cạnh ông bao nhiêu năm tại một quán cà phê cóc ở góc đường Thái Phiên, nghe ông nói nhiều, nhưng lúc nào chúng tôi cũng ngạc nhiên trước sức nghĩ ngồn ngộn những khám phá, những ý tưởng không giống ai của con người này, cho dù đó là lúc ông đã không còn đi lại được nữa. Ví dụ như chuyện ông cứ tiếc hoài khi chúng ta cho những đứa con lai ra đi. Đó chính là nguồn vô tận của các hoa hậu, cũng là nguồn của các nhà vô địch thế giới trong các môn thể thao. Đúng sai không biết, nhưng cứ cảm thấy ông có lý và thầm tiếc cùng ông một cơ hội bị bỏ lỡ.

Thế mà ông là một người tự học đấy! Các câu chuyện phiếm của ông bao giờ cũng quay lại chuyện giáo dục. Ông cứ ngạc nhiên là không hiểu các trường Pháp ngày xưa đào tạo như thế nào mà chỉ cần tốt nghiệp trung học là bao nhiêu người đã trở thành những con chim đầu đàn của nhiều ngành học.
 
Hầu hết các nhà văn hóa lớn của nước ta đâu có mấy người lấy được bằng đại học! Thế mới biết cái học dưới mái trường trung học là vô cùng quan trọng của đời người. Vào đại học, bác sĩ thì học thuốc, kỹ sư thì học máy móc... Bao nhiêu kiến thức cơ bản của văn hóa, văn minh nhân loại đều có được là từ những ngày học trung học. Không hiểu điều này, chúng ta sẽ đào tạo ra những bác sĩ, kỹ sư què quặt về tâm hồn, xa lạ với văn hóa loài người.

Mất ông, những cuộc hội thảo về văn hóa, lịch sử ở Quảng Nam, Đà Nẵng như nhạt hẳn. Các thế hệ đi sau như chúng tôi học được từ ông nhiều lắm. Thế nhưng, chợt nhìn tới nhìn lui xem ai đủ sức làm tiếp những gì ông bỏ dở thì... khó lắm thay!

Hồ Trung Tú

;
.
.
.
.
.