“Kể từ Ông Bộ kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ, Chợ Vạn, Thầu Đâu/ Bước qua đường cái thấy cái lầu ông Tây/ Chiên Đàn, Chợ Mới, đâu đây?/ Kế Xuyên buôn bán đông tây rộn ràng…”. Một số địa danh trong câu ca (được cho là có xuất xứ từ đầu thế kỷ XX) ấy, từ 150 năm trước, đã được ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục (PBTL) của nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây là bộ sách đầu tiên ghi nhận địa danh Tam Kỳ (thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa), một cái tên mà các nhà biên soạn địa dư chí và bản đồ trước đó chưa nhắc đến.
Một làng quê ven sông xưa. (Ảnh tư liệu) |
PBTL còn ghi lại số tiền thuế của chợ Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) là 45 quan, của chợ Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam Đàn huyện Phú Ninh) là 48 quan mà chưa thấy ghi nhận có tên của chợ Tam Kỳ. Điều đó cho thấy sự trù mật của hai vùng đất nói trên so với vùng đất ven sông Tam Kỳ vốn đến lúc đó đã được “kiến lập xã hiệu” với tên “Tam Kỳ tân lập xã”.
Bên cạnh việc ghi nhận tên và tiền thuế các “chợ”, PBTL còn ghi tên các “quán” ở khu vực Tam Kỳ thời đó như “quán Tháp”, “quán Bà Dầu” (xã Tam An, huyện Phú Ninh hiện nay), “quán Suối Đá” (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh), quán “Phú Khang” (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), “quán Ông Bộ” (xã Tam Anh, huyện Núi Thành)... Đối chiếu với mô tả về “Chợ và Quán” trong sách Đại Nam nhất thống chí (mục viết về tỉnh Quảng Nam) ra đời về sau, tên và vị trí các địa điểm buôn bán trên gần như không đổi.
PBTL đã chỉ ra lộ trình và thời gian bộ hành vào phía nam Quảng Nam như sau: “(từ) Dinh Quảng Nam đi đến quán Hà Lam nửa ngày, lại đi tối đến quán Bà Dầu. Quán Bà Dầu đến quán Phú Khang nửa ngày, lại đi tối đến quán Ông Bộ...”. Dinh trấn Quảng Nam lúc ấy nằm ở khu vực Duy Xuyên - Điện Bàn hiện nay. Theo lời kể của nhiều thế hệ người Tam Kỳ xưa còn truyền lại thì địa mạo vùng đất này lúc đó khá hoang vu, đường đi khá trắc trở, phải qua nhiều cầu ván, đôi chỗ phải quành lên đường núi… Do đó, đối chiếu với đoạn nhật trình đã ghi trên, ta biết chắc chắn Lê Quý Đôn đã tổng hợp và so sánh lời kể của rất nhiều người ở vùng đất Hà Đông xưa để mô tả những chi tiết địa lý mà đến nay người địa phương am tường thấy vẫn còn phù hợp.
Lê Quý Đôn ghi theo lời kể của một ông Câu kê (một chức danh trong quân đội thời đó) thuộc đội Thuận Nhất là Long Đức Bá rằng, “nhật trình hành quân” từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi có một đoạn như sau “(từ) quán Tháp (có hai cầu ván) đến chợ Chiên Đàn hết một ngày; từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá (suối có cầu ván), sông Tam Kỳ, quán Phú Khang, đến sông Bầu Bầu hết một ngày”.
So sánh những “nhật trình” đã ghi trên cùng các ghi chú khác trong PBTL có thể thấy trước khi qua sông Tam Kỳ, đường vào phía nam rẽ làm 2 nhánh: một nhánh đi lên đến vùng Suối Đá (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh hiện nay) rồi quành xuống dùng cho đường hành quân; nhánh kia đi qua sông Tam Kỳ bằng đò dùng cho bộ hành bình thường. Còn một nhánh rẽ nữa chắc chắn phải đi về phía hạ bạc, theo các vệt nổng cát ven biển xuôi về phía nam. Địa hình đường chia ra “ba ngả rẽ” chẳng rõ có liên quan gì đến việc hình thành tên xứ đất Tam Kỳ (Tam = ba; Kỳ = ngả rẽ)?
Sách PBTL được học giả Lê Quý Đôn soạn vào năm 1776, trong khoảng 6 tháng ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ tại đất Thuận Hóa. Ông đã tỉ mỉ điều tra qua nhiều nguồn tư liệu về người và việc của xứ Đàng Trong đương thời nhằm giúp cho “…các bậc quân tử tại triều, có xét sự tích cõi Nam, muốn không ra khỏi sân mà biết việc ngoài nghìn dặm” (trích Lời tựa trong PBTL). Không có những nỗ lực tìm hiểu và phương pháp làm việc khoa học của học giả có hiệu là Quế Đường này người đời sau sẽ không có được một pho tư liệu lịch sử, địa lý, xã hội của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII… quý giá đến vậy!
Và đó cũng là duyên may mà diện mạo địa lý và xã hội của xứ Quảng nói chung, vùng đất Tam Kỳ nói riêng vào thời ấy được các thế hệ con cháu biết đến một cách chuẩn xác.
HƯƠNG TRÀ