.

Khao khát được nói bằng văn chương

.

Đọc tập truyện ngắn “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, không ai nghĩ rằng những câu chuyện mang đầy chất xã hội, những vấn đề thời sự nóng bỏng đã được cô gái tật nguyền Trần Trà My lặng lẽ viết nên, bằng sự quan sát cuộc sống, đọc sách báo, xem tivi…Chứ không có được đôi chân bình thường như mọi người để rong ruổi trong những chuyến đi của cuộc đời.

Cuốn sách được độc giả nhiệt tình đón nhận.

Đam mê đọc sách và với mong muốn lớn lên sẽ làm một con người có ích cho xã hội, được đi đây đi đó, cùng với niềm yêu thích viết văn, năm 14 tuổi Trà My bắt đầu sáng tác thơ. Đến năm 19 tuổi, Trà My đã được nhận vào làm cộng tác viên cho một chương trình của đài phát thanh ở tỉnh. Và trong một lần tình cờ tham dự cuộc thi viết truyện ngắn do trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị tổ chức, Trà My đã đoạt được giải B trước sự bất ngờ tất cả mọi người khi Trà My chưa từng một ngày ngồi trên ghế nhà trường. Năm nay, Trà My lại giành được giải khuyến khích thể loại tự truyện trong cuộc thi Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn do UNESCO tổ chức.

Tập truyện ngắn “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, gồm 20 truyện ngắn được cô đã “thai nghén” trong sáu năm trời. Người đọc cứ nghĩ rằng cô sẽ viết về chính cuộc đời cô, chính nỗi bất hạnh mà hàng ngày cô phải đối mặt. Nhưng không, cô viết bằng nỗi đau của xã hội, nỗi đau của nhiều người khác bằng một trái tim đầy yêu thương, và tin tưởng vào cuộc đời này.

Đến khi đọc tập sách thì mọi người lại không thể tưởng tượng rằng những câu chuyện trong tập sách này lại được viết từ một con người đã chịu đựng tận cùng sự đau khổ, mà hàng ngày đang viết bằng những ngón tay co quắp trên bàn phím máy vi tính. Với mong muốn đem đến cho độc giả của mình những khát khao cháy bỏng được sống, được yêu và hy vọng…

Đi bằng đôi chân nghị lực

Sinh ra và lớn lên tại Đông Hà, Quảng Trị, mới vài tháng tuổi, Trà My đã bị một trận sốt cao hành hạ, cô nhanh chóng được gia đình chuyển đến bệnh viện và thực hiện gấp một ca mổ. Nhưng đã quá muộn, cô bị liệt cả hai chân, những ngón tay cũng co quắp lại khiến cho việc cử động hết sức khó khăn. Đến ngay cả giọng nói cũng không thể phát âm tròn vành rõ tiếng.

Trà My chỉ có một ước mơ rất đỗi bình thường là được đến trường như những đứa trẻ khác mà cô cũng không có được. Trà My đã từng tâm sự với mọi người rằng "Năm tôi lên chín tuổi, em gái tôi đã học lớp một. Cứ mỗi chiều, khi em gái và mấy đứa trong xóm đi học về, tôi lại chạy ra hỏi: "Thế hôm ni học được bài chi? Cho chị xem với".

Em gái tôi và mấy đứa trong xóm lại kể cho tôi nghe về chuyện bài vở, bạn bè, trường lớp. Tối, khi em gái tôi ngồi học bài, tôi lại ngồi kế bên. Tôi bắt chước như một bản năng để sinh tồn. Và cứ bắt chước như thế cho tới khi có gì không hiểu thì hỏi đứa này đứa kia. Rất nhiều lần bị tụi nó đánh vì cái tội dạy mãi mà vẫn không hiểu. Biết chữ, biết viết, biết làm toán, với tôi và mọi người trong nhà đó là một kỳ tích. chỉ đơn giản vậy thôi chứ chả có ai nghĩ về tương lai sau này tôi sẽ...”.

Từ một cô bé tật nguyền không được đến trường, Trà My đã tự học chữ, tự giải toán, và rồi trong sự bất ngờ của mọi người Trà My đã viết văn, đã thế lại cho ra hẳn một tập sách mang tên mình. Đấy là một điều kỳ diệu mà cô đã ban tặng cho cuộc sống này, bởi đối với bất cứ một người viết văn nào đi nữa thì việc viết được một số lượng tác phẩm tương đối và có chất lượng để được in thành một cuốn sách riêng cũng là rất khó khăn rồi. Thế nhưng Trà My không dừng lại ở đó, cô còn có nguyện vọng muốn học và viết được kịch bản.

Khao khát được yêu thương

Trà My trò chuyện bằng cách gõ chữ trên máy tính. (Ảnh VietNamNet)

 

Trà My từng viết trong nhật kí của mình: "Tôi nhớ có lần vô tình nghe được ba và mẹ ngồi nói chuyện với nhau, rằng người ta khuyên ba mẹ nên đem tôi đi cắt buồng trứng để sau này lỡ tôi có bị ai đó quấy rối thì chẳng sợ để lại hậu quả gì. Tim tôi nhói đau khi vô tình nghe điều đó. Tôi biết rằng nếu chuyện đó xảy ra thì sau này sẽ không có khả năng làm mẹ, nếu tôi lấy chồng! Và tôi khóc... khóc nguyên một tối. Tôi luôn tự nhủ: Chẳng lẽ sau này mình sẽ không tìm được hạnh phúc như những người phụ nữ khác ư? Tôi hãi hùng! Hơn ai hết tôi vẫn muốn mình giống một cô gái bình thường. Tôi vẫn là một người con gái luôn khao khát được yêu thương chăm sóc, luôn muốn một bờ vai mạnh mẽ cho tôi dựa vào để khóc...".

Cầu mong sao Trà My sẽ tìm thấy một bờ vai cho mình và được sống trong tràn ngập yêu thương của mọi người. Đó là những người bạn luôn chung vai, sát cánh trong mọi khó khăn, đó là độc giả, là những người luôn khâm phục một nghị lực sống và nghị lực viết vững vàng của Trà My.

Vũ Thị Huyền Trang

;
.
.
.
.
.