.

Kỳ I: Hành trình đi tìm cảm xúc

Sau mỗi lần tham gia một đợt chấm thi môn văn trở về, tôi thấy mình già đi một tuổi với nặng trĩu suy tư, nụ cười khi những trang viết giàu cảm xúc với cảm nhận tinh tế quá ít ỏi để có thể khỏa lấp được vô số những giọt nước mắt chảy vào bên trong. Đó là tâm sự của một cô giáo dạy văn của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (xin được giấu tên).

Chào bạn trẻ tuần này muốn cùng các bạn đưa ra một góc nhìn thẳng thắn về vấn đề học văn hiện nay.

Những trang viết nhức nhối

Học trò hiện đại ôn văn qua sách giải, đạo văn từ máy tính, ghét văn bởi những giờ học dài lê thê, không thể thẩm thấu.

Một cô giáo khác của Trường THPT Phan Châu Trinh cất riêng một quyển nhật ký đặc biệt, trong đó ghi lại những câu văn “dở khóc, dở cười”, những “ý tưởng” đạo văn đến sửng sốt của học sinh, và quyển sổ ấy lại mỗi lúc một dày lên theo những nỗi buồn chất chồng của một người dạy văn tâm huyết với nghề. “Thi thoảng đọc được một bài văn rành mạch, giàu cảm xúc trên trang vở học trò, chúng tôi-những giáo viên văn cứ chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại không biết chán”, một cô giáo khác tâm sự niềm hân hoan hiếm hoi trong đời người đứng lớp.

Lấy người học làm trung tâm, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh qua những dạng đề mở, tổng hợp là tiêu chí giảng dạy của ngành giáo dục thành phố trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng chính từ những cánh cửa rộng mở ấy, đã xuất hiện không biết bao nhiêu bài văn “cười ra nước mắt”, những phép liên tưởng, so sánh, những nhận định khôi hài đến kỳ quặc theo kiểu nói sao viết vậy.
 
Dường như văn viết đang bị học trò đồng nhất với văn nói không thương tiếc. Với đề văn nêu cảm nhận của em trong ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường cấp 3, học trò tha hồ “Za! Za!”, “Ze! Ze! Một cảm giác thật Yomost”. Cô giáo dạy lớp này cho hay, các em biểu đạt cảm xúc bằng những từ thường được dùng trong truyện tranh như “Tăng! Tăng!, “Teng! Teng!”.

“Úm ba la vừng ơi, mở ra”

Soạn văn, có sách giải. Làm tập làm văn, có google, yahoo. Học sinh ngày nay có quá nhiều “bửu bối” để trả bài một cách tròn trịa.

Tại Nhà sách Fahasa (đường Lê Duẩn), riêng sách học tốt Ngữ văn, hướng dẫn ôn tập Ngữ văn lớp 11 đã có trên…72 đầu sách. Sách loại này cho lớp 7 có không dưới 56 đầu sách. Và dù hình thức làm bài trắc nghiệm ở môn văn đã được hạn chế vì những bất cập của nó, sách hướng dẫn làm bài trắc nghiệm vẫn còn bày bán la liệt tại nhiều nơi. Những câu hỏi và câu trả lời từ sách trắc nghiệm dễ khiến người khác bật cười vì… không hiểu nổi. “Trong truyện Cô bé bán diêm, tác giả cho cô bé quẹt diêm mấy lần. A. 1 lần; B.2 lần…”. Hay “Cô Tấm sinh ra từ quả gì. A.Quả Na; B.Quả Thị...”. Đó là một số ít trong hàng vạn câu hỏi mà người đọc không thể hiểu mục đích hỏi của người soạn sách.

Ngoài sách giải, những công cụ tìm kiếm trên mạng như yahoo, google trở thành người “chắp bút” cho không ít bài văn. Người viết từng chứng kiến việc một nhóm học sinh được giáo viên cho đề tài về nhà với nội dung: “Trình bày những hiểu biết của em về chiếc nón lá Việt Nam”. Học sinh ngay lập tức cầu cứu các công cụ tìm kiếm trên Internet và cứ thế chép lấy chép để những gì liên quan tới nón lá. Chép không hết, học sinh in luôn bản chính tải từ mạng để đính kèm vào bài cho cô giáo tham khảo!

H.L, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Phú nói: “Nhiều khi bài tự làm lại ít điểm hơn những bài “cóp” trên mạng xuống, lâu dần rồi cũng phải tìm đến máy tính, như vậy vừa được điểm cao lại đỡ mất thời gian”. Thậm chí, nhiều học sinh mải chép từ mạng mà quên “mã hóa” ngôn từ “chat chit”: “Người kon (con) ko (không) bùn (buồn) vì đã có tình iu (yêu) của người cha soi lối” (Trích từ một bài văn của học sinh lớp 9).

Thầy N.A, một giáo viên dạy văn ở trung tâm luyện thi cho biết: “Có những bài kiểm tra 15 phút, học sinh viết một trang giấy học trò khoảng 500 từ, tôi gạch bút đỏ lòe đến 400 chữ. Có những bài không đọc nổi vì không hiểu học sinh viết tiếng Việt hay tiếng nước nào?”

NGÔ ĐỒNG-HƯỚNG DƯƠNG

Kỳ tới: Môn văn đang được học trò đầu tư như thế nào? Những bạn theo đuổi môn văn có cảm thấy lạc lõng trong thế giới của những người cùng trang lứa coi môn văn đơn thuần là phương tiện kiếm điểm lên lớp?

;
.
.
.
.
.