.

Một bản văn chưa công bố của Nguyễn Văn Xuân

Khúc Tiêu Đồng là hồi ký chưa in của cử nhân Hán học Hà Ngại do nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhuận tác và đề tựa. Ông Nguyễn Sinh Duy có nhã ý lục trao bài tựa để công bố khi nhà văn Nguyễn Văn Xuân từ giã cõi đời.

Trong những ngày rỗi rảnh, tôi thường đến hầu chuyện cụ cử Hà Ngại để học hỏi thêm ở một vị tiền bối nhiều điều mà thế hệ của tôi chưa lịch lãm. Tôi nhận thấy cụ biết lắm việc, lắm nhân vật, lắm hoàn cảnh mà văn học, nghệ thuật, sử học, hánh chánh học, phong tục học v.v…cần ghi lại, nếu không, khi cụ, thế hệ cụ đi qua- và phần đông đã đi qua- thì xem như bị bôi hẳn- xóa hẳn trên dĩ vãng Việt Nam, làm cho nghèo nàn thêm những ngàn năm văn hiến đã danh nhiều thực ít của ta.

Vì thế, có một hôm tôi đề nghị xin cụ nghi chép lại tất cả kiến văn của cụ qua thân thế cụ, như một hồi ký, để lưu lại đời sau, cụ không bằng lòng, bảo tôi:

- Đời tôi nào có gì là quý. Tôi sinh ra trên một đất nước nô lệ, đã từng làm việc nuôi sống dưới quyền thực dân, nhiều khi tâm hồn tôi không được yên ổn, nay còn phơi bày thân thế mình ra, e chỉ làm trò mỉa mai cho thiên hạ.

Tôi thưa với cụ đại khái những điều như sau:

-Nếu cụ viết đời cụ chỉ vì cụ thì quả không nên viết và tôi cũng không bao giờ đề nghị cụ viết. Nhưng tôi vẫn cùng một số bạn bè khác lục tìm hết chồng sách nọ đến chồng sách kia, nhận thấy sự ghi chép của các tiền bối ta hết sức thiếu sót về mọi phương diện. Thật là một cái may mắn lớn mà chúng ta còn lại dăm ba quyển sách của thời xưa như Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Thời Chí), Vũ Trung tùy bút (Phạm Đình Hổ, 2 quyển), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, 2 quyển), Kiến Văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) v.v… để mỗi khi tra cứu điều gì, lại dỡ ra rồi thì chép đi, chép lại một số chi tiết mà ai cũng hầu như thuộc lòng; muốn chép thêm điều gì thì không tìm ra sách nữa.

Thành ra một giai đoạn dài của lịch sử nước ta, muốn viết gì lại phải cầu cứu vào các nhà văn Trung Hoa hoặc Âu Mỹ, những người nếu không thiếu khách quan thì thiếu kiến thức, sự am hiểu, thông cảm chân thật, nên những điều họ ghi chép về nước ta, dân ta dễ sai lầm. Nhưng những thiếu sót đó của ta thời xưa khả dĩ còn tha thứ được vì nhiều phương diện.

Gần đây, ta đã học theo văn hóa Âu Mỹ, đã biết tổ chức thư viện, tập trung sách khảo cứu, biết khai thác tài liệu cổ, biết quý những hồi ký, thư từ, cả những loại văn chương bình dân tầm thường, thế mà sự thiếu sót ấy cũng chưa được bổ cứu bao nhiêu; là vì chúng ta còn thiếu rất nhiều những tập hồi ký chân thật để các nhà nghiên cứu căn học, sử học v.v…sau này căn cứ vào đó đi tìm hoặc minh họa sự thật. Một bại tướng không có hồi ký, một chính trị gia không có hồi ký, một nhà truyền giáo không có hồi ký, một nghệ sĩ không có hồi ký, một kẻ thù dân tộc không có hồi ký…

Họ quên rằng đúng hay sai, cái giai đoạn họ hoạt động cho dân tộc đã thuộc hẳn vào quá trình phát triển của dân tộc, gắn liền vào đau khổ hay hạnh phúc của dân tộc, nghĩa là đều phải ghi vào lịch sử của dân tộc, đất nước cả. Thành ra, rồi đây nếu ta muốn viết lại những trang sử, trang nghiên cứu bất kỳ phương diện nào một cách thấu đáo, rộng rãi ta cũng không có đủ tài liệu Việt Nam để kê cứu, so sánh. Rồi chúng ta phải mượn các hồi ký của Âu Mỹ để lại rơi vào đúng những sai lầm nghiêm trọng- như đã nói trên – cứ ngang nghiên tiếp diễn.

Vậy vấn đề không phải sĩ diện cá nhân mà vì nhu cầu của văn học, xin cụ nên thủ thảo. Tôi chắc những người đọc sách cụ, không ai nghĩ là một ông già gần tám mươi tuổi còn ham chút danh vọng hảo huyền mà họ sẽ xúc cảm vì họa động tri thức cần thiết đó. Biết đâu sau khi cụ đặt bút xuống, lại chẳng có cả trăm người khác vì thấy những ích lợi cụ đã nêu ra, sẽ nâng quản bút lên…Như thế, dù không ấn hành được, ta vẫn có hàng chục, hàng trăm hồi ký để rồi đây, khi hòa bình trở lại, khi vấn đề văn hóa được trả đúng địa vị của nó, chúng ta sẽ có một kho tàng đáng kể cung cấp sử liệu về mọi phương diện.

Cụ Hà Ngại đã vì nể lời tôi và một số bạn trẻ khác mà cầm bút năm 78 tuổi. Đầu năm tám mươi tuổi, cụ hoàn thành tập hồi ký này (1970). Tôi trân trọng viết lại thành hai tập. Tôi đã chỉ nhuận sắc lời văn cho hợp thời thượng, sắp xếp cho có mạch lạc, tra cứu và bàn luận vài điều nghi ngờ mà nay xin đem cống hiến bạn đọc.

Vậy trước khi giở sách, xin độc giả, nhất là lớp trẻ, thông cảm cho mấy điều mà tôi rút ra được sau khi chép lại tác phẩm này:

* Bản văn này do một cụ già tám mươi tuổi viết ra chỉ cốt để gởi lại cho thế hệ sau những điều đã có, đã xảy ra trong dĩ vãng để lớp người sau muốn dùng làm gì thì làm nên cụ đã đồng ý với tôi đặt tên là KHÚC TIÊU ĐỒNG. Tiêu là đã đốt cháy, đồng là cây đồng, nghĩa là cây đồng đã đốt cháy. Đời Hậu Hán, Hiến -Đế có ông Thái Ung, một bực đại nho dùng cây đồng đã cháy làm đờn cầm, thanh điệu tột bực, nên chúng tôi đặt Khúc Tiêu Đồng; cổ thi có câu: thùy liệu tiêu đồng khước vi cầm, nghĩa là ai ngờ cây đồng đã đốt cháy mà làm được đờn cầm.

* Vì muốn tôn trọng những sự thật, những điều mắt thấy, tai nghe, cảnh thật người thật, cụ đã từng sống, từng quen, từng vui buồn theo bao nhiêu biến chuyển xã hội trên 2/3 thế kỷ, cái tốt không cần khoe, cái xấu không cần che nên cụ không tô điểm lời văn mà tôi cũng hạn chế sự vẽ vời văn chương, do thế mà thiếu hoa mỹ, linh hoạt. Song tôi nhất thiết tưởng những ai muốn tìm đến hình thức hơn nội dung thì cũng không cần đòi hỏi loại sách này làm gì.

* Tập hồi ký gồm có hai phần. Phần đầu là thời kỳ cụ đi học, đi thi. Phần thứ hai là thời kỳ làm quan.

- Về thời kỳ đi học, đi thi, nhiều người sẽ bảo là thừa. Chúng ta đã có những sách vở cổ viết về học thi; gần đây, có những quyển như Lều Chõng (Ngô Tất Tố), Bút Nghiên (Chu Thiên) v.v… Quả như thế. Song tài liệu ấy có vài thiếu sót:

a) Các văn sĩ này đã tiểu thuyết hóa nó cho nên phải tô điểm ít nhiều. Do đó, chẳng hạn các nhà nghiên cứu không thể hoàn toàn trông cậy vào những sách ấy để đủ cho người ta tin.

b) Chỉ nói việc học việc thi ở miền Bắc, từ Thanh Nghệ trở ra. Trong khi đó, việc học ở miền Nam, từ Huế, Quảng trở vào thì ít đề cập. Mà thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Huế giữ vai trò quan hệ nhất về việc thi cử; các tỉnh “Đàng Trong” cũng đóng góp phần tri thức đáng kể trong việc thi cử cũng như các hoạt động hành chánh, cách mạng… mà quốc dân cần biết.

Khú Tiêu Đồng bổ túc được hai điểm đó. Ngoài các việc đi học, đi thi Hương, Hội mà ta biết, tác giả còn cho chúng ta thấy thêm một loại trường mới do phong kiến, thực dân dựng để củng cố phát triển tân chế độ: Trường Hậu Bổ, chuyên đào tạo các quan lại về hành chính và học chính (Ta sẽ gặp ở đây cả Ngô Đình Diệm) Chính vì có trường này mà chúng ta được đọc phần thứ hai của hồi ký.

Cũng trong thời kỳ đi học này, ngoài những nỗi vui buồn của cậu thanh niên hiếu học sống trong xã hội miền Nam cổ, bạn đọc còn làm quen với một khu vực và một lịch sử. Đó là khu vực “Gò Nổi”, một “hòn đảo” giữa các giòng lớn của sông Thu Bồn. Nơi đây gồm mấy mươi làng, đã sản xuất nhiều anh tài không thua gì những khu vực tiếng tăm ở Nghệ Tĩnh. Từ Phạm Phú Thứ đến Hoàng Diệu, từ Trần Cao Vân đến Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, từ Phan Khôi đến Phan Thanh, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi)…

Các bạn đọc miền Bắc sẽ có cơ hội đi vào những xóm làng, sinh hoạt của người dân thường ở miền Nam của xứ “Quảng Nam hay cãi” nhưng cũng là nơi có nhiều thơ lại (cán bộ- viên chức) giỏi: “Hát bội Quy Nhơn, làm đơn Quảng Ngãi, thơi lại Quảng Nam”

- Về thời kỳ làm quan, Khúc Tiêu Đồng cung hiến cho ta nhiều điều mà tôi cho là quan trọng, ít có sách nào thay cho nó được.

a) Tác giả là một ông quan ở trường Hậu Bổ, được đào tạo để rành nghề làm quan. Vậy mà gần hai mươi năm trời, cu cứ quanh quẩn ở các phủ, huyện thì ta có thể đoán cụ thiếu thế lực, thiếu vây cánh, thiếu tài “vào cửa sau”. Nhưng cũng nhờ thế, chúng ta sẽ biết rất nhiều về đời sống các ông quan trực tiếp cai trị dân. Điều này sẽ cho chúng ta thấy rõ bộ mặt thật nhất của thực dân, phong kiến, cái chế độ nào người Pháp đè lên cổ dân ta. Ta thường nghĩ là muốn tố cáo chế độ cũ chỉ nên chửi cho mạnh, nêu những con số, trình bày vài khía cạnh bóc lột, tàn sát.

Thật ra, đời sống, hoạt động, tâm tình của các viên chức trị dân cũng là một phương diện khác để đi sâu vào chế độ. Ta sẽ thấy trong Khúc Tiêu Đồng nhiều bộ mặt khả ái của thực dân, lắm bộ mặt khả ố của phong kiến. Song cái khả ố này chỉ là con đẻ của cái khả ái kia và thực dân càng làm việc nhiều, càng công minh là chỉ để củng cố thêm thế lực của họ và cả thế lực của tham quan ô lại Việt Nam chứ không phải để diệt trừ thế lực tay sai của họ. Ta sẽ thấy là bất kỳ nơi đâu cũng gần như vắng mặt Tây mà nơi đâu cũng có cái bóng của họ bao trùm bằng chính những quan lại và tây chân thân tín của quan lại. Đó mới là bản tự truyện linh hoạt và thảm não của thời kỳ Pháp thuộc.

b) Cũng vì cụ làm tri phủ, tri huyện lâu năm nên cụ cung hiến một hình ảnh khá rõ rệt về người dân dưới các khía cạnh trong những hoàn cảnh tiêu biểu cho cuộc đời kẻ bị trị bi đát nhất; những vụ tranh giành đất ruộng, giết người, đốt nhà, dâm bôn…bao nhiêu máu, nước mắt cá nhân và tập thể đã đổ, bao nhiêu lời kêu thống thiết phát ra và người dân quằn quại trong cảnh khổ nhục, trong đêm thăm thẳm kéo dài như vô tận..

c) Lại cũng vì cụ làm thuộc quan lâu nên có cơ hội dẫn ta qua hầu hết các tỉnh Trung kỳ. Từ tỉnh Phan Thiết cực Nam với dân chúng ăn nhậu nhàn hạ đến tận Thanh Hóa cực Bắc, nơi đời sống còn nặng lễ nghi, tập quán, ở đâu cụ cũng chỉ vẽ phác ra vài nét mà thật linh hoạt. Tôi tưởng dù ai không biết gì về miền Trung mà đọc qua Khúc Tiêu Đồng cũng có thể có một ý niệm khái quát về sinh hoạt, thói quen, tâm tình của nhân dân xứ đất hẹp lại thừa bờ biển này.

d) Nhà nghiên cứu lịch sử cũng sẽ gặp nhiều trang lạ. Không cần dẫn nhiều, tôi tưởng chỉ cần giở thời kỳ cụ ở Bình Định, ta cùng cụ đối diện một “tướng cướp” Đành mà tên đã đi vào lịch sử; công cuộc mở sân bay cho Tây thực dân đi tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa ở Cao Nguyên; vụ tên phu xe giết vợ Thông Tằm...

Về phương diện chính trị, tranh đấu, vị quan của chế độ cũ sẽ cho chúng ta thấy thật rõ nhiều khía cạnh bất ngờ nhất của công cuộc đàn áp cũng như những bộ mặt khí phách, anh hùng; qua đó, chúng ta biết thêm tâm trạng của một ông quan nhà nho còn cố giữ chút lương tâm mình trong các nghịch cảnh bi đát hay hùng tráng. Những ai tự xưng làm “chính trị chơi” sẽ tìm thấy ở các trang này một bài học thích đáng bắt phải ngẫm nghĩ nhiều nhất, sâu xa nhất khi “trông người lại ngẫm đến ta”…

Về phương diện hành chánh, quyển sách này vẽ rõ lịch trình của một vị quan từ trường Hậu Bổ qua các chức phủ, huyện lên án sát, bố chánh, quản đạo (tỉnh trưởng) thật tỉ mỉ. Chúng ta được biết tường tận những cuộc tiếp xúc giữa quan với quan, quan với dân, cách xử kiện, cách ăn hối lộ, cách tổ chức “mật vụ”, bắt cướp, tra tấn.
 
Chúng ta cũng được biết các loại lính, các loại viên chức, các sách dùng vào việc khám tử thi, các phương pháp theo dõi và phát hiện một thủ phạm… Những điều này chắc chắn sẽ giúp cho những ai muốn cầm quyền, muốn học và thi hành công cuộc hành chánh bất kỳ thời nào cũng phải để tâm nghiên cứu, rút ra bài học thực tế.

Nói tóm lại, qua các thời Pháp thuộc, Nhật thuộc, Việt-Minh, đây là quyển sử nhỏ, thu góp từ hành vi một cá nhân, nhưng cũng làm cho lớp hậu sinh thấy rõ cả một thời cuộc lớn.

e) Cụ cũng lại là một tay ăn chơi không tầm thường, dù luôn luôn ở trong vòng tao nhã. Còn gì thú bằng nắm roi chầu cho những đêm hát bội liên miên ở xứ Bình Định khét tiếng lành nghề. Còn gì khoái trá bằng dẫn cô đầu đi đọc văn tế “năm cụ khi không rớt cái ình” trên núi Hàm Rồng. (Nguyễn Tuân có lẽ đã chịu ảnh hưởng lối chơi này), ở nhà thủy tạ “đánh bài có cô đầu hầu, nhất là ngồi trên kiệu cho mấy cô đầu xúm nhau khiêng về nhà thờ tổ cô đầu làm lễ…”

Tôi tưởng trình bày như thế đã quá nhiều. Bạn đọc không nên vì lời văn quá đơn sơ, vì câu chuyện quá xưa của một nhân vật chế độ cũ đã viết mà xem thường tác phẩm. Nó chắc chắn sẽ còn được lưu truyền lâu dài, bao nhiêu năm người ta còn muốn biết những gì đã xảy ra cho một học sinh, một ông quan trường, bao giờ người ta còn muốn đi tìm những tài liệu khác nhau để thấy rõ bộ mặt thật của phong kiến thực dân, của chính trị, cách mạng... Và từ đây, xin bạn đọc hãy đi vào thế giới hoàn toàn khác biệt thế giới chúng ta đang sống dù nó vẫn mang chung cái tên Việt Nam và cách nhau chưa quá ba chục năm trời.

;
.
.
.
.
.