Từ thuở học trò, bắt đầu tập tễnh yêu thơ, khi cầm được trên tay tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, bài thơ Vu vơ (về sau đổi lại là Những ngày nghỉ học) của Tế Hanh là bài thơ tôi thích nhất, bởi nó gắn liền với những khát vọng, mơ mộng... của mình trong suốt buổi hoa niên. Chính vì vậy, có lần, khi nhà thơ Tế Hanh đến Đà Nẵng (theo lời mời của Nhà Xuất bản Đà Nẵng để làm chủ biên Hội đồng biên soạn và tuyển chọn tập thơ Miền Trung thế kỷ hai mươi, 1994), gặp được ông, tôi chỉ thỉnh nguyện ông một vài câu hỏi chung quanh bài thơ này.
Ông tên thật là Trần Tế Hanh (sinh ngày 20-6-1921), là người con của quê hương Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, ông đã trải qua nhiều trọng trách quan trọng: Ban phụ trách Liên đoàn văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ Trung ương; Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II; Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (1963), tham gia nhiều khóa BCH Hội Nhà văn Việt Nam với các chức vụ Trưởng ban Đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng dịch, Chủ tịch Hội đồng thơ. |
Lâu ngày, tôi không nhớ chính xác tựa đề bài thơ của ông, nhưng đại để nội dung cũng viết về sự chia ly ở sân ga, trong đó có câu: những người đi kẻ ở, tạo nên sợi dây làm con tàu chậm lại. Từ ý thơ này, tôi viết câu: Con tàu không đủ sức đi mau. Trong tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, tôi đặt tên là Vu vơ, về sau tôi thấy Những ngày nghỉ học hợp với tuổi hoa niên hơn, nên đổi lại như cũ.
Nhắc đến những kỷ niệm về Huế, nơi ra đời bài thơ, nhà thơ Tế Hanh lại xúc động nói:
- Theo tôi, đời người có ba cái quý nhất: tuổi trẻ, tình yêu, thơ ca. Với Huế, và chỉ Huế tôi có được cả ba cái đó, sau này tôi không tìm được nơi đâu. Đây là thời gian tôi làm được những bài thơ đầu tiên như: Quê hương, Con đường quê, Những ngày nghỉ học... Tôi vẫn còn nhớ chính xác vào ngày 15-5-1935, tôi gặp người bạn gái của tôi trong một ngõ hẻm. Cô ấy hỏi: “Kỳ nghỉ hè này anh định về quê để làm gì?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ về quê hoàn thành một tập thơ”. Tập thơ này về sau có tên Nghẹn ngào, được giải thưởng Tự Lực văn đoàn (1940) - là viết để tặng cô bạn gái vừa nói, mặc dù nội dung tập hợp nhiều đề tài khác nhau.
Sau ngày hòa bình, vào năm 1985, tôi có trở lại thăm Huế, thăm cả cái sân ga ngày nào có chuyến tàu tôi đã làm bài thơ Những ngày nghỉ học, nhưng cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, có một điều đáng nhớ, ngay trong đêm trở lại đầu tiên, tôi nằm mơ gặp lại người bạn gái thời tuổi trẻ. Tôi có làm bài thơ Giấc mộng xuân nói về cảm xúc này:
Trở lại Huế đêm đầu tiên
Chiêm bao lại thấy gặp em thế này
Mười lăm, mười sáu thơ ngây
Mắt đầy cả nắng, hồn đầy cả trăng
Con đường đi học sương giăng
Lung linh hoa phượng kết đèn lưu ly
Lòng như tiếng sóng rầm rì
Câu thơ trên giấy nói gì yêu đương
Diệu kỳ thay giấc mộng xuân
Bốn mươi năm lẻ đã ngừng không trôi
Hay đôi bạn trẻ ngoài đời
Gặp nhau trong giấc mơ tôi tình cờ
Cảm ơn thành phố tuổi thơ
Cho tôi sống lại những ngày xưa xa
Từ đây cùng với thi ca
Tình yêu tuổi trẻ không già trong tôi
Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm thơ, nhà thơ Tế Hanh nói rằng, đó là khi vừa phổ biến bài thơ Nhớ con sông quê hương, ông đã nhận được thư một đôi vợ chồng trẻ cảm ơn về bài thơ đó. Họ cho biết qua bài thơ này, họ đã quen nhau và thông cảm lẫn nhau. Ngoài ra, một số lần đi nước ngoài, những người Việt xa nhà gặp ông, cũng thường yêu cầu đọc lại bài Những ngày nghỉ học với sự đón nhận hết sức xúc động...
Thời trẻ tuổi, Hoài Thanh, Hoài Chân từng viết về Tế Hanh: “Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy, người rụt rè ngượng nghịu như một chàng rể mới! Nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. Đôi mắt nồng nàn lạ”.
Nghĩa là Tế Hanh có một đôi mắt rất đẹp Tuy nhiên, thời gian và bệnh tật đã cướp đi của ông cái tài sản quý giá đó. Còn nhớ, lần ấy, dù tôi đã gắng công cùng ông trở lại bên sân ga cũ của thời Những ngày nghỉ học, song vẫn không biết được tâm trạng của ông có còn “...đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Ông chỉ nói: “ Trong con mắt tôi, ngày đó, cái con tàu, cái sân ga ở Huế vẫn nhộn nhịp hơn, vẫn nôn nao hơn...”.
TRẦN TRUNG SÁNG
TẾ HANH Những ngày nghỉ học Những ngày nghỉ học tôi hay tới Đón chuyến tàu đi, đến những ga. Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa. Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu Ngàn đời không đủ sức đi mau: Có chi vương víu trong hơi máy, Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau. Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề Khói phì như nghẹn nỗi đau tê Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ Lòng của người đi réo kẻ về. Kẻ về không nói bước vương vương... Thương nhớ lan xa mấy dặm trường Lẽo đẽo tôi về theo bước họ, Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
|