.

Nơi nào cho Mỹ thuật Đà Nẵng?

.

Mỗi lần sang thăm xưởng vẽ của họa sĩ Hoàng Đặng lại giật mình vì câu nói: “Mấy cái mới vẽ bán hết rồi!”. Bán hết rồi! Không biết nên vui hay nên buồn. Vui vì tranh vẽ đẹp mới có người mua, buồn vì không bán thì cũng chẳng có chốn để treo, chẳng nhẽ cứ gửi vào mấy cái gallery chỉ ở cấp độ bán “tranh chợ”.

Nhà báo Trần Trung Sáng điều hành Gal-lery của Hội Văn nghệ Đà Nẵng cũng từng triển lãm tranh tại 80 Hùng Vương.

20 năm trước, nhân Hội nghị thành lập Phân hội Mỹ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng, họa sĩ Đinh Gia Thắng đặt câu hỏi: Không biết có phải do mốt, hoặc do khuynh hướng chung không mà các họa sĩ và các nhà điêu khắc của tỉnh ta hiện nay thường chỉ khiêm tốn bày tỏ cảm xúc của mình trong phạm vi tranh tượng nhỏ từ một mét trở xuống? Câu trả lời cũng có thể lý giải: Vì địa chỉ quen thuộc cho các họa sĩ triển lãm cá nhân thường được tổ chức ở số 80 Hùng Vương, một căn phòng nhỏ hẹp chỉ đủ treo những bức tranh lồng vừa khung kính, còn triển lãm tập thể thì bày la liệt ở Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố 84 Hùng Vương, nơi chỉ phù hợp cho bày hàng của Hội chợ Tết hằng năm.

Hoàng Đặng là họa sĩ đầu tiên mở triển lãm cá nhân tại 80 Hùng Vương, sau đó một số họa sĩ ở Huế cũng vào tổ chức như Hoàng Đăng Nhuận, Lê Quý Long, Thân Văn Hưng. 80 Hùng Vương tuy nhỏ bé, nhưng một thời cũng đã lưu dấu những mảng màu, hình khối đầy cảm xúc của Trịnh Tú, Trần Hoài, Duy Ninh, Vũ Dương, Từ Duy, Lê Huy Hạnh... Từ khi địa chỉ đó cũng như ở Trung tâm Văn hóa-Thông tin thay đổi chức năng sử dụng, hội họa Đà Nẵng cũng dần dần đi vào quên lãng, có chăng chỉ thoi thóp đôi phòng tranh của những người cao tuổi treo một cách gượng gạo, gò ép ở trong khách sạn Faifo, hoặc bày lạc lõng trước tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương.

Năm 1996, họa sĩ Hoàng Đặng đã tổ chức triển lãm tại sân bãi 34 Ông Ích Khiêm, các tác phẩm điêu khắc như “Khát vọng sống”, “Đường mòn Trường Sơn” đều có kích cỡ trên 2 mét. Gần đây nữ họa sĩ Thủy Hương ở nước ngoài về tổ chức triển lãm với những bức tranh có chiều cao trên 2 mét, phải treo ở trên cây trước sân Bảo tàng Đà Nẵng. Điều đó cũng minh chứng cho sự thiếu vắng một không gian bề thế cho triển lãm mỹ thuật tại thành phố Đà Nẵng.

Trưng bày tranh nghệ thuật cần phải có một không gian đặc biệt, bởi lẽ, các tác phẩm điêu khắc và hội họa bao gồm nhiều kích cỡ, nhiều chất liệu và phong cách thể hiện, phòng trưng bày đòi hỏi phải có trần cao, tường rộng, phòng lớn, có ánh sáng thích hợp cùng những điều kiện tối yếu để hấp dẫn khán giả khi xem và không làm sai lệch đi màu sắc, đường nét trên tác phẩm.

Đà Nẵng chưa có một địa điểm nào dành riêng cho việc trưng bày, triển lãm tranh tượng của các họa sĩ. Tất cả vẫn đang tiện đâu treo đó, thích đâu bày đó. Chính vì vậy mà những năm gần đây thiếu vắng triển lãm cá nhân cũng là một tất yếu.

Có phải Mỹ thuật Đà Nẵng thiếu sự quan tâm của lãnh đạo thành phố? Trả lời câu hỏi này, có nhiều hội viên nghi ngại khi nêu lên một tình tiết: Cách đây 10 năm, UBND thành phố Đà Nẵng đã cấp cho Hội Mỹ thuật thành phố 5.000 m2 đất ở quận Ngũ Hành Sơn, đó chẳng phải là sự quan tâm hay sao?

Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, mảnh đất đó nằm trong dự án hợp tác với Na Uy trong việc nâng cấp đào tạo tay nghề cho nghệ nhân Làng đá Non Nước, có thời điểm sử dụng để tổ chức trại sáng tác tượng trang trí cho thành phố. Vì lý do vẫn còn một số hộ dân chưa chịu di dời theo kế hoạch giải tỏa, phía đối tác cũng ngừng triển khai dự án, trại sáng tác tượng trang trí cũng giải tán sau khi hoàn tất được hơn chục hiện vật để trưng bày dọc các vườn hoa.
 
Hiện tại, nhà xưởng và vật kiến trúc nằm trên mảnh đất đó thuộc Hội LHVH-NT thành phố quản lý, bìa đỏ đứng tên Hội Mỹ thuật nhưng trên thực tế không có thẩm quyền để quản lý, khai thác và sử dụng, thậm chí hoạt động cũng không đúng công năng.

Họa sĩ Hoàng Đặng bên tác phẩm “Khát vọng sống”  tại  triển  lãm ở sân bãi 34  Ông Ích Khiêm.

 

Hiện nay đang có ý kiến đề xuất, tôn tạo lại Nhà Bảo tàng Đà Nẵng để làm chỗ treo tranh và tổ chức triển lãm, nhưng ý định đó vẫn đang nằm trong dự kiến.

Có người cho rằng: Họa sĩ Đà Nẵng không thiếu những bức tranh có tầm cỡ lớn. Điêu khắc Đà Nẵng không thiếu những tác phẩm hoành tráng, tuy nhiên tranh của họ không thể treo cùng mớ “tranh chợ” nằm trong các gallery chật hẹp, tượng của họ không thể đặt bên các mặt hàng mỹ nghệ đang được phóng to và trang trí tại các vườn hoa.
 
Một địa điểm trang trọng để triển lãm tranh, một bảo tàng hiện đại để bảo lưu tác phẩm đó là ước muốn ngang tầm thời cuộc mà các họa sĩ, điêu khắc gia thành phố đang mong mỏi hướng đến. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết: Ở nước ta, hiện tại đang cần có một bảo tàng mỹ thuật hiện đại, nơi sưu tầm các tác phẩm đại diện cho các khuynh hướng nghệ thuật đương đại mới nhất và là nơi trưng bày những sáng tạo mới nhất chưa thể công bố rộng rãi.

Ý kiến đó thật xác đáng và cũng đầy bức xúc trong giới mỹ thuật. Mới đây, tỉnh An Giang đã xây dựng một vườn tượng độc đáo có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích 5ha ở khu vực núi Cấm, để trưng bày 100 tác phẩm của 64 nhà điêu khắc quốc tế và Việt Nam, đây sẽ là nơi tham quan du lịch cho du khách khi đặt chân đến Châu Đốc.

Giới Mỹ thuật ở thành phố trẻ đầy năng động của mảnh đất miền Trung vẫn khao khát có một vị trí xứng đáng, thích hợp để xây dựng một quần thể kiến trúc gồm: Bảo tàng sưu tập tranh, phòng triển lãm tranh; nơi giao lưu giữa các trào lưu nghệ thuật hiện đại, nơi sưu tập, tìm mua hoặc kêu gọi các họa sĩ trong nước, họa sĩ của thành phố đóng góp, hiến tặng tác phẩm. Việc này hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc của một thành phố du lịch và cũng là thể hiện sự quý trọng đối với giới Mỹ thuật thành phố - để khi bước chân đến đó không còn ai phải đặt câu hỏi: Nơi nào cho Mỹ thuật Đà Nẵng.

LÊ GIA THỤY

;
.
.
.
.
.