Nói theo ngôn ngữ âm nhạc, thực trạng sáng tác văn học Đà Nẵng trong hơn 10 năm qua đã có nhiều nốt trầm và quãng lặng. Xin thưa, ở đây, không rơi vào trường hợp “khi ngôn ngữ bất lực, hãy để âm nhạc lên tiếng”, mà là một ẩn-dụ-mở cho cái ngoái nhìn và sự tiếp bước.
“Hội ngộ Hải Vân quan” là một trong những hoạt động làm giảm vẻ trầm lắng của Hội Nhà văn Đà Nẵng. |
Phải chăng, “không có được cảm giác tương tự khi tổng quan mười năm văn xuôi Đà Nẵng” chỉ là một cách nói của ThS Bùi Văn Tiếng? Bởi, trong cái nhìn đồng cảm của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Hương Việt (và không ít văn nghệ sĩ trong, ngoài thành phố), với nhà thơ Thanh Quế, thơ cũng là một trong 3 “nốt trầm” làm chùng đi “bản đại hòa tấu” 10 năm phát triển của VHĐN: Chưa nhìn kỹ sẽ khó nhận ra, ít được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thơ in thì nhiều mà ít có tập thơ hay.
Lời Ban biên soạn trong tuyển tập đã khẳng định một sự thật đáng lo: Đà Nẵng vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao hoặc gây “xôn xao dư luận” trên các diễn đàn văn học. Trong bài Mười năm VHĐN 1997 – 2007 tiếp sau đó, nhà thơ Thanh Quế viết như một “sự tự bạch” (chữ dùng của Hoàng Hương Việt): “Trong mười năm ấy, VHĐN mới nhìn thì có vẻ trầm nhưng nó cũng như một dòng nước ngầm có những bước phát triển mà nếu như không nhìn kỹ sẽ khó nhận ra”.
Nỗi lo của Hoàng Hương Việt xuất phát từ một sự “trầm” khác: những sự việc có thật nói trên “sẽ là căn bệnh trầm kha, khó khắc phục”. Theo ông Việt, với quá ít tác giả, tác phẩm thật tốt (chứ chưa nói xuất sắc, mới lạ, xôn xao dư luận) thì làm sao công chúng, giới nhà văn nói riêng, các nhà phê bình, lý luận văn học nhận ra?
Đời sống văn học quá trầm lắng trên văn đàn thì sẽ càng thêm vắng lặng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người làm báo bao giờ cũng muốn giới thiệu các tác giả, tác phẩm được công chúng quan tâm, không hẳn để làm sang trọng cho tờ báo mà cái chính là nâng niu, trân trọng những đóng góp có giá trị của văn nghệ sĩ đối với đời sống tinh thần của người dân thành phố. Thực tế, lượng thông tin trên báo chí là một trong những tiêu chí mà công chúng dựa vào đó để thẩm định giá trị của tác phẩm văn học.
Vẫn còn hiếm muộn những “ngôi sao” thực sự “lấp lánh” trên văn đàn Đà Nẵng qua một thập kỷ. Có người cho rằng, đó là một trong những hệ quả của văn đàn hoạt động theo tính cách Mặt trận, ai cũng dự phần một chút cho cả nhà cùng vui. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên cho rằng việc Hội Nhà văn Đà Nẵng cố gắng tập hợp cho được hầu hết các gương mặt hội viên (bao gồm các thể loại) của mình trong Mười năm VHĐN 1997 – 2007 là nghiêng về “cơ chế chính sách” hơn là mang tầm vóc của một công trình khoa học.
Trong hơn 100 tác giả có mặt trong Mười năm VHĐN 1997 – 2007 thì chỉ gần 30 tác giả viết văn xuôi, trong khi có tới 70 tác giả làm thơ. Một tỷ lệ áp đảo. Và càng áp đảo hơn là tỷ lệ các tập thơ hay trong số vô vàn tập thơ dở được xuất bản ào ạt trong 10 năm qua. Gần đây, sự áp đảo này có giảm đi chút ít, khi một số nhà thơ đã chuyển sang viết văn xuôi bằng một cuộc “khởi nghiệm hoành tráng” (chữ dùng của nhà văn Bùi Tự Lực). Và, Bùi Tự Lực đã nói vui: “Nếu bạn đọc không đón nhận văn xuôi, thì các anh có thể quay trở về làm thơ cũng không muộn”.
Mấy năm trở lại đây, một số tác giả văn học ở Đà Nẵng đã chuyển qua làm báo hoặc làm việc khác, để lại một quãng lặng trên văn đàn. Nhưng vẫn có một số tác giả lặng lẽ viết những tác phẩm dài hơi. Phạm Ngọc Cảnh Nam miệt mài bên bàn phím để kết thúc trang viết cuối cùng của tiểu thuyết viết về Phong trào Duy tân Quảng Nam, dự kiến đặt tên là Thế kỷ bị mất. Thái Bá Lợi tiếp tục hoàn thiện Minh sư, Bùi Tự Lực đi tìm câu trả lời cho tiểu thuyết Kẻ bán mộ...
Ngoái nhìn VHĐN mười năm qua, nhà thơ Thanh Quế thấy “đã xuất hiện những tác phẩm có chất lượng, có độ dài và độ khái quát”. Tiếp bước mười năm tới, bản đại hòa tấu về VHĐN liệu sẽ có được những giai điệu đẹp, những tiết tấu sôi nổi hay chỉ buồn tẻ những nốt trầm, những quãng lặng? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Nếu trước đây diễn biến trong các thể loại truyện truyền thống, đặc biệt trong trường thiên tiểu thuyết, thường là cả quá trình có khi dài tới mấy đời người thì hiện nay Internet đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thể loại truyện chớp (flash) đang rất thịnh hành trên mạng, từng được hiểu là cảm xúc của một chớp mi và từng được gọi bằng cái tên hết-sức-khoảnh-khắc là truyện khói bay. Hiện nay có nhiều người, kể cả người trong giới, bi quan là 10 năm qua lực lượng văn học (Đà Nẵng) nói riêng và văn nghệ nói chung không phát triển là không đúng. Đà Nẵng đang chuyển mình dữ dội, nhưng các nhà văn chưa nhập cuộc được. Chiều sâu về đề tài chiến tranh cách mạng còn nhiều tiềm năng nhưng chưa đủ lực khai phá. |
VĂN THÀNH LÊ