.

Thành phố sống tốt

.

Tôi có phần nghi ngờ khi chị nói rằng muốn chuyển vào Đà Nẵng sống một thời gian. Họ là một cặp lý tưởng trong mắt xã hội. Chồng là chuyên gia làm việc cho một ban quản lý dự án đầu tư của Nhật. Vợ là giáo viên dạy toán có “sô” dạy vào hàng nổi tiếng đất Hà Nội. Hai con nhỏ chuẩn bị vào tiểu học. Rồi họ mua một miếng đất ven biển Đà Nẵng và xây một căn biệt thự nhỏ.

Mô hình cầu Rồng qua sông Hàn.

Chị rời khỏi những lớp luyện thi và dẫn hai đứa con vào để sống gần biển. Chồng chị đi về với vợ con theo những chuyến bay dịp cuối tuần. Hỏi kỹ hơn thì chị ngập ngừng giải thích, gia đình chị muốn tìm một nơi sống tốt, nơi phần nào đáp ứng các tiêu chuẩn sống tốt cỡ quốc tế. Họ quyết định sống ở đây lâu dài chờ những đứa con lớn lên mới có quyết định mới.

Dưới cặp mắt của cặp vợ chồng trí thức này, Đà Nẵng là một nơi sống tốt. Một thành phố với số dân khoảng 1 triệu người và đang tiếp tục phát triển có định hướng. Mỗi người có một lý do riêng để tìm một nơi sống hợp sở thích. Nhưng việc một cặp vợ chồng trẻ thành đạt dừng lại ở một thành phố miền Trung đang được chính những hàng xóm mới của họ tò mò. Họ thích bãi biển đẹp nhất hành tinh chăng?

Bước ngoặt đến với họ từ một buổi ăn trưa trên phố Hà Nội. Giữa hàng trăm công chức đang dùng bữa trưa trong quán, những người ăn xin cũng đang làm việc cần mẫn. Những hình dáng người ăn mặc bẩn thỉu, chìa bàn tay tận đĩa thức ăn, những tiếng nói rên rỉ cầu xin, cặp mắt sớm lì lợm của một đứa trẻ nông thôn. Chị chợt cảm thấy tổn thương nặng nề, buồn bã khôn nguôi. Ám ảnh đè nặng chị là một cuộc sống bất ổn, là sự chia rẽ sâu sắc trong từng số phận người.

Con đường đi tìm một thành phố sống tốt không chỉ là chuyện riêng của cặp vợ chồng thành đạt kia. Đương nhiên đó là mục tiêu của các chính sách vĩ mô và vi mô từng địa phương. Sự lựa chọn của cặp vợ chồng này dựa trên những kết quả thành phố Đà Nẵng đạt được sau 8 năm thực hiện thành công chương trình “thành phố năm không” và 3 năm thực hiện chương trình “thành phố ba có”. Với quy mô dân số khoảng 1 triệu dân, những chính sách hỗ trợ vĩ mô, biện pháp hành chính và vận động đã tỏ ra có hiệu quả. Đà Nẵng hiện nay không có các hộ đói, không còn người mù chữ. Đây là thành phố duy nhất của cả nước không có những người hành nghề xin ăn chuyên nghiệp.

Những người không đủ khả năng lao động, lang thang được tập trung vào các trung tâm xã hội. Những con đường ban đêm nơi này không có cảnh người không nhà ngủ bụi trên phố hay dưới gầm cầu. Mặc dù nạn buôn bán ma túy vẫn còn, nhưng cuộc chiến chống ma túy với khẩu hiệu không còn người nghiện ma túy trong cộng đồng đã làm sạch các khu vực nóng. Đặc biệt nhất trong 8 năm qua, tại nơi này chỉ xảy ra 1 vụ giết người để cướp của.

Chương trình “thành phố 5 không” đã đem lại cho từng cư dân thành phố quyền được sống tốt một cách căn bản. Tiếp theo chuyện “năm không”, hiện nay chương trình có việc làm, có nhà ở và có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị cũng đang triển khai bằng biện pháp cụ thể. Các mục tiêu của chương trình nói trên đã không chỉ tác động cụ thể mà có hiệu ứng xã hội khi không đói, không ma túy thì đương nhiên sẽ giảm giết người cướp của. Không mù chữ thì cuộc sống văn minh đô thị sẽ có nền tảng phát triển. Câu chuyện 5 không và 3 có của Đà Nẵng không còn mới, nhưng nay chính là thời điểm một cuộc sống có chất lượng hiện hình trong thực tiễn.

Không thành phố nào lại không có những người bán hàng rong đi lại. Đà Nẵng thành công trong việc cấm bán hàng rong tại 8 con đường công sở hành chính và du lịch. Thay thế hàng rong là dịch vụ có chất lượng, bảo đảm mỹ quan cho tuyến đường. Với mục tiêu tăng quy mô dân số lên 1,2 triệu người vào năm 2010 và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác, cùng với việc mở hàng chục tuyến đường giao thông huyết mạch, Đà Nẵng nỗ lực huy động vốn xây dựng 5 cây cầu bắc qua sông Hàn để phát triển khu vực giáp biển và bảo đảm không có nạn kẹt xe.

Đầu tháng 7 năm nay, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường, đặt mục tiêu xây dựng thành phố sạch nhất Việt Nam vào năm 2015, đạt đủ các tiêu chuẩn thành phố môi trường quốc tế quy định vào năm 2020. Từ nhiều năm, những con phố nơi đây không chỉ được dọn rác mỗi khi đêm về, vào các buổi sáng vẫn có người đi lại trên các tuyến phố để nhặt sạch những mẩu giấy, cọng rác ai đó lỡ tay vứt xuống đường. Vậy là người dân phố bỏ thói quen xả rác bậy.

Trên bãi biển tụ tập hàng vạn người tắm biển vào mỗi buổi chiều, công nhân được huy động dọn rác suốt ngày đêm để giữ cho bãi cát trắng sạch vào giờ cao điểm đông người nhất. Tuy vậy, việc phát triển các khu công nghiệp, phát triển du lịch quá nóng làm cho môi trường thành phố đứng trước nhiều hiểm họa. Chương trình xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường sẽ phải tốn hàng trăm tỷ đồng để giải quyết ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm dioxin tàn dư từ chiến tranh, đầu tư nguồn nước sạch cho vùng ven ngoại thành.

Chất lượng sống cao đang trở thành một thương hiệu mới của phố biển Đà Nẵng. Có thể vì vậy mà chuyện dời chỗ ở từ Hà Nội vào Đà Nẵng của cặp vợ chồng nói trên không phải là chuyện đơn lẻ nữa. Những con đường nhỏ chạy ra biển đang nhanh chóng được lấp đầy bởi các căn biệt thự mới xây. Hầu hết chủ nhân mới ở đây là những người đến từ các thành phố lớn khác, những người có quan điểm coi chuyện địa vị, thành đạt và kiếm tiền không phải là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống.

THIÊN THANH

;
.
.
.
.
.