.

Dịch cát

.

Đoàn thuyền mành, buồm lộng gió chạy nhanh thoăn thoắt trên những làn sóng xanh. Trong chiếc thuyền của Trùm Lự, bạn ghe chia nhau ở hai bên be để thuyền lấy thăng bằng. Trùm Lự vẻ mặt khắc khổ, một tay giữ lái, một tay với lại cái chum nước ngọt, múc một gáo để uống.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chợt có tiếng hỏi:

- Lạ, luôn mấy hôm nay, răng không thấy ghe xóm Trưởng Liếng ra biển, hề?

Trùm Lự thong thả uống gáo nước, nước chảy lóng lánh trên hàng râu đen đã điểm bạc, rồi bỏ gáo vào chum. Lát sau ông mới đáp:

- Nghe đâu trên nớ còn “rộn” lắm...

Ông rùng mình. Con người coi thường trùng dương, xông pha gần suốt đời người với ba đào bỗng nghe lạnh phía sau lưng. Ông dừng lại hỏi một người bạn ghe:

- Thằng Túc, chờ mi có mua sẵn đồ rồi chưa?

- Dạ rồi.

Người bạn ghe vừa đáp, vừa nhìn về một cái đầu heo, một nắm hương đèn và tiền giấy với một bát lớn gạo muối mang theo. Cái lệ đi ghe, đi thuyền là cứ phải cúng mãi, cúng Trời, cúng Hà Bá, cúng gió, cúng Ông, cúng Ngài... Nhưng hôm nay, nhìn những đồ cúng này, người bạn ghe không khỏi nghe trong lòng rung lên một niềm lo sợ kính cẩn mà chưa bao giờ y cảm thấy đối với những quỷ thần bạo liệt.

Cái xóm đang bị “rộn” của Trưởng Liếng gần như không người ra vào. Ở bên ngoài, vôi bột không biết ai đã đem rắc cùng trên cây cột, trên mấy hàng rào thưa, trên lối đi. Vôi trắng phếu, nổi bật trên màu lá xanh già không gợi lên một sự nhịp nhàng màu sắc mà chỉ bắt người ta kinh tởm nghĩ đến những cơn đau quặn thắt ruột gan, mửa thông thốc, một mùi hôi thoang thoảng theo gió đưa ra, không ai có thể biết được mùi gì, nhưng rõ ràng nó không giống như mùi hôi quen thuộc, tuy nó không quá nồng nặc, song nghe đến là lợm giọng và nước ở chân răng tứa ra lờm lợm.

Ở trước các giàn nhà trống trải, phần nhiều nghèo khó, đều có thắp hương, mùi hương thơm tuy có đánh bạt phần nào uế khí song lại gọi cho người đi qua một cảm giác sợ hãi khi thấy nhưng chân nhang đỏ, chất đống lại như từng vệt máu, dưới ánh nắng gay gắt, giữa một xóm nhà ban ngày mà cửa đóng kín hết cả. Và ở đâu cũng vang ra những tiếng rên, tiếng rên khe khẽ hay thống thiết rồi tất cả lại chết lịm khi ngọn gió biển rào rào thổi qua.

Trong nhà chị Sinh, cũng có hai người đang rên, chị và chồng chị. Hai tay ôm chặt thái dương, chị nằm nghoẹo đầu trên chiếc giường xiêu vẹo và miệng không ngớt phát ra những tiếng khò khè như người lên cơn sốt nhưng không sốt toàn thân thể mà chỉ đau trĩu cả đầu. Đúng như người ta bảo: đau như búa bổ. Quả, như có hàng chục chiếc búa nhỏ vô hình cứ từng lúc lại đục đẽo trong não chị và làm cho chị đau tê, đau dại. Chị ấn chặt tay vào thái dương và khi tay yếu sức thì rên to lên để dịu thần kinh. Rên to không nổi đành rên khò khè để bớt thống khổ và sự lạnh lẽo hiu quạnh vây bọc cả gian nhà.

Hình như có tiếng chồng chị gọi. Chị cố nén rên để nghe. Khi chị nín được thì người chồng cũng vừa mỏi sức, không gọi nổi nữa. Chị khẽ lấy tay chống vào đầu rồi ngồi lên. Tuy bị bạo bệnh, song chị mới thật sự mê mệt từ sáng hôm qua. Chồng chị đã nằm liệt giường liệt chiếu từ bốn hôm nay, không cơm cháo gì được mà cũng chẳng có đồng nào để chạy thang, chạy thuốc. Cả việc cúng cấp là việc cần hơn hết, chị cũng chỉ chạy vạy giật chỗ này, mượn chỗ kia đủ để mua mấy thẻ nhang và một ít giấy tiền. Có lẽ lễ vật đạm bạc quá không làm cảm động quỷ thần nên bệnh chồng chị đã không khỏi mà càng mỗi ngày một tăng, rồi cả chị cũng vật xuống mê man...

Chị dựa người vào phên, hai tay vẫn không rời thái dương, cơn đau nhức trên đầu lại kéo đến, song chị cố trấn tĩnh. Vì chị biết chồng chị đang kêu:

- Nư... ớc... ớc...

Chồng chị xin nước uống. Chị bỏ một chân xuống giường định đứng lên. Nhưng cả hàng chục cái búa, cái kềm lại đến, lại đập gõ, vặn vẹo khiến chị phát lên một tiếng “ối” rồi ngã gục.

Chị tỉnh dậy khi nghe có tiếng “áy, phà” ở một nhà gần đó. Chị biết ông Trưởng Liếng đang mời thầy phù thủy về cúng cho nhà ông. Chị cảm thấy thèm khát cái địa vị của ông Trưởng lạ lùng. Những tiếng đọc chú, những tiếng hô bắt của pháp sư, chị nghe như dồn lại, xôn xao chạy dưới các mái nhà, đuổi tan những luồng uế khí trốn đi. Lại những tiếng khăn vải quất vào không gian phì phạch điểm theo các tiếng hô cùng tiếng nện cành cạch của một vật xuống bàn... tất cả tạo nên những điệu nhạc cung bậc hết sức thay đổi, đầy màu sắc huyền bí như có thừa sức xua tan không khí hắc ám, tạo một niềm tin trong lòng những con bệnh mê tín.

Chị cảm thấy máu trong cơ thể điều hòa hẳn đi và cố đứng lên.

Lại chum nước đã gần cạn sạch, chị định cúi xuống để múc. Nhưng chị giật mình vì khi đầu cúi, thì cả từ cổ lên đến óc não cung đều đau ran, mồ hôi toát ra, chị nghĩ liền ra được một cách hay là ngồi xuống, quơ tay kiếm gáo rồi múc nước đem lại cho chồng.

Khi đi qua một chỗ phên trống, chị không khỏi dừng lại để nhìn: ở đằng kia, cách nhà chị một cái vườn là nhà ông Trưởng Liếng. Một cảnh tượng hết sức huy hoàng thành kính đang diễn ra: trên mười mấy cái bàn nho nhỏ, cứ mỗi cái lại có hương đèn, đồ giấy và các vật gì trong các đĩa lớn mà chị biết đó là mấy chục con gà. Pháp sư đứng ở phía trước một cái bàn to, mặc áo đen, tay cầm chiếc khăn dài, tay trái đang bắt quyết. Ông Trưởng Liếng thì quỳ trước bàn thầy cúng, nhưng không lạy vì hai tay mắc ôm đầu.

Thốt nhiên chị so sánh cảnh rực rỡ đó với cảnh thảm đạm, tiêu điều trong gian nhà trống trơn của chị. Những chiếc phên qua nhiều trận mưa đã đứt chân như bị chó gặm dần không còn ra hình thù gì. Những đồ dùng đã cũ kỹ và thưa thớt làm cho gian nhà thêm vẻ trống trải, hoang vu. Chị nhìn về phía chồng chị nằm.

Anh Sinh nằm ngửa, không một mảnh vải che thân, cái quần cũ, màu đà vá nhiều chỗ cuộn tròn trên tấm phản mọt. Không phải anh mê sảng mà tuột cả quần ra. Nguyên do chỉ vì ở cát có nhiều bù chắt, giống vật nho nhỏ, màu ưng ửng đỏ thường nằm trên thân thể loài chó bẩn! Bù chắt nằm trong cát có ánh mặt trời là rúc ra để bu vào quần áo. Càng mát trời, chúng càng hiện ra nhiều rồi nằm sẵn đó, chờ đến đêm hôm bắt đầu cắn da, cắn thịt con người. Cho nên ở bể, trước khi đi ngủ phải thay áo quần. Dân chài thiếu đồ mặc nên họ vẫn ngủ trần truồng. Nghề đi biển cũng như nạn bù chắt nên dù vợ chồng, dù hàng xóm cũng không còn lấy gì làm lạ khi gặp nhau ở trong tình trạng “thiên nhiên”.

Chị Sinh lại gần chồng đưa cái gáo nước lạnh cho anh.

- Nè, mình, uống đi.

Thấy anh vẫn nằm yên, mặt ngửa nhìn lên trần nhà với đôi mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen, chị hơi lo sợ. Chị mới kêu to một tiếng:

- Uống nè!

Anh không nhúc nhích. Mà hai cái tay cũng không ôm lấy thái dương, lại hơi bật ngửa lên một cách trễ tràng. Chị bỡ ngỡ một phút rồi đặt tay lên bụng chồng. Bụng đã lạnh, chị hoảng sợ, bỏ rơi cái gáo nước xuống và lấy cả hai tay đặt lên ngực, lên trán chồng. Lạnh thật! Chị lùi bước sờ thử vào chân! Lạnh ngắt! Chồng chị đã chết rồi.

Chị òa khóc nức nở. Tiếng khóc rít lên như tiếng rú không át nổi tiếng gió thông thốc thổi bên ngoài để vọng đi xa. Qua sự tuyệt vọng đầu tiên, chị sực nhớ cần phải giải quyết thế nào đây! Hoặc phải cứu sống chồng! Hoặc phải tính sao cho yên xác chồng. Chị chạy bổ nhào ra phía sau, lấy tay đẩy cánh cửa lên, the thé kêu gọi.

Không ai đáp lại lời chị. Vì những kẻ chưa chết như chồng chị cũng đau rên ư ử. Lão phù thủy tham tiền dám đến đây để cúng có thể gọi là người khỏe hoàn toàn và duy nhất của xóm này... Mà cũng là người mạo hiểm nhất từ khu vực an lành tới đây trong vòng tuần lễ. Có lẽ bây giờ lão đã lấy tiền xong, cuốn gói xa bay. Xóm trở lại vắng vẻ lạnh lùng đến thành kinh dị, khủng khiếp. Chị Sinh càng hoảng hốt, càng gào to để mong tiếng kêu vượt hơn gió mạnh.

Có mấy người nghe tiếng chị, nhưng còn ai đủ sức đứng lên. Mà nếu đứng lên được, tất cả họ phải đi lo cho những người thân trong gia đình họ đã. Kể ra cũng còn một ông lão – cụ Xử - không cầm lòng nổi khi nghe tiếng kêu cứu của chị cứ chan chát đập vào tai. Cụ ráng ôm đầu đứng dậy. Cụ đi ba bước. Nhưng đến đây, hai chân cụ run bắn lên dưới cơn đau dằn vặt, rồi nó vật ngã cụ xuống một chiếc ghế dài. Chị Sinh thấy ông cụ trước khi ngã xuống đã nhìn chị và lắc đầu. Rõ ràng là một cái lắc đầu tuyệt vọng. Nó bảo chị biết chỉ còn chị mới lo được cho chồng chị mà thôi.

Chị thả cánh cửa, thất thểu bước vào.

Cơn nhức lại đến, đến một cách quá vội vàng làm chị phải gục đầu luôn bên cái xác lạnh của chồng. Rồi cứ nằm trong cái tình trạng ấy mà mê đi. Thấp thoáng trong ác mộng, chị lại thấy trong cảnh mưa gió, bão dập, sóng vùi. Ngày vui của đời sống ở biển không nổi bật lên mà ngày buồn thì vô kể là khủng khiếp. Khi thì một tai nạn trong nghề chài lưới. Khi thì một vài chiếc thuyền vượt bể để rồi mất tích nơi nào. Khi thì biển loạn không làm nghề được, cái đói, cái rét tràn tới ngập đầu. Để đến bây giờ, một thứ dịch rất lạ như con quỷ vô hình đi dưới các mái nhà mà cấu xé trong đầu, trong não mọi người.

Khi hết cơn nhức não, tê tái đến liệt cả tri giác, chị mới mở mắt; cái xác lõa lồ của chồng chị lại đột ngột hiện ra trước mắt. Một cảm xúc lạ lùng làm lạnh toát cả người. Chị nhìn ra ngoài, trời đã xâm xẩm tối.

Nhưng chị chưa phải hoàn toàn tuyệt vọng. Vì trăng đã lên. Ở chân trời trăng vùn vụt như một khối lửa lạnh lẽo, không có ánh sáng, phi nhanh vào không gian. Khi nó dừng lại dưới một hình thù bé nhỏ hơn thì ánh sáng rực rỡ, tỏa ra làm lung linh những ngọn sóng bạc đầu. Trăng chiếu qua những mảnh rách trên cửa, trên phên, làm sáng cả gian nhà bé nhỏ của chị Sinh. Ánh sáng êm đềm kia còn đủ sức gây một niềm nghị lực tiềm tàng nơi chị, nơi người đàn bà có sức lực mạnh mẽ không kém gì đàn ông.

Cái xác trần truồng của chồng chị bây giờ không gợi cảm tưởng quen thuộc nữa, vì chồng chị không cùng ở cái thế giới của người còn sống. Không thể để cái xác ấy lại được. Nó lại khiến cho chị thêm thiểu não, rối bời ruột gan thôi. Cũng không thể để đến ngày mai. Những thứ ruồi, nhặng sẽ vo ve suốt ngày. Mà đã chắc gì ngày mai chị còn đủ sức hoạt động nữa...

Cái xác trần truồng dưới ánh trăng mờ tỏ càng nhìn càng khêu gợi những tình cảm ít khi thấy gợn lên trong lòng một người đàn bà quần quật suốt ngày với công ăn, việc làm và đến tối – chỉ biết ngủ vùi cho thẳng giấc. Chị nhớ ngày mới cưới, chồng chị bận một cái áo đen chỉ bằng cái áo cụt của mấy ông nhà giàu, với một cái quần dài quá đầu gối một tí. Rồi những đêm ân ái đầu tiên nó gợi nhiều cảm giác rờn rợn mà kỳ thú lạ lùng chưa bao giờ biết được. Rồi những buổi chiều chị cùng bạn bè tới tấp đón ghe về. Những ngày giỗ tết bên nhà chị, hai vợ chồng trở về với rổ cá ngon lành và tuy đi xa nhau cả buổi đường mà chị còn thẹn đỏ cả hai gò má màu đồng mắt cua khi có người quen nhìn tưởng như xoi mói... Tất cả những kỷ niệm ấy bây giờ chỉ còn lại một cái xác lạnh lẽo trần truồng.

Thốt nhiên chị đứng lên. Chị lại cạnh giường chồng đào một cái lỗ huyệt dan. Vốn quen đào cát để giấu đồ dùng hoặc vật thực, chị làm việc đó rất nhanh chóng, với một cái lưỡi mác và một cái thúng nhỏ. Chị làm như do một linh tính, một bản năng nào thúc đẩy chứ thật tình cũng không hiểu rồi sẽ giải quyết ra sao. Câu hỏi ấy càng thôi thúc khi chị từ dưới bóng tối thăm thẳm của lỗ huyệt bước ra. Bấy giờ trăng đã lên cao. Những điểm sáng lố nhố từ mái tranh rạ đổ trên làn da xám đen của xác chết. Một giọt trăng chiếu đúng vào con mắt trắng dã của anh khiên chị nghe lạnh cả xương sống. Chị hồi hộp lấy tay vuốt mắt cho chồng rồi lại chum múc một gáo nước uống.

Nỗi lo lắng bàng hoàng làm cơn đau đầu tan hẳn. Chị biết nếu chị lại nằm một lát thì không thể nào tránh cơn bệnh đùng đùng kéo tới. Phải làm sao giải quyết ngay trong giờ phút còn khỏe mạnh này.

Mồ hôi thấm ướt áo, mồ hôi rịn trên trán, trong chân tóc. Chị lấy vạt áo lau qua trán rồi quả quyết bước lại chỗ chồng nằm. Chị đã nghĩ ra được một kế: lấy hết sức đẩy mạnh cho xác chồng nhích sang tấm ván cạnh miệng hố. Khệ nệ rinh một miếng ván, chị dựng thoai thoải từ chỗ chồng nằm xuống miệng huyệt. Xác chồng chị to lớn nặng nề. Chị không thể độc lực cho rơi hẳn xuống nước. Chị lại cửa lấy hai cây chống rồi đặt theo lối đòn bẩy, lấy vai hất mạnh. Một lần, hai lần.

Ầm! Cái xác lăn đùng xuống đập vào đáy huyệt dội lên một tiếng như vũ bão trong lòng. Chị ngất đi, ngã luôn xuống cát.

Cơn đau lại cắn rứt trong đầu não. Nhưng chị cứ nhất định lảo đảo đứng lên lại chỗ huyệt. Xác chồng chị nằm sấp, giơ cả cái lưng to lớn lại như quay mặt hẳn với cuộc đời chỉ toàn đau khổ. Chị muốn xoay mình chồng chị lại, nhưng chị cũng biết ngay là phí sức vô ích. Lấy tay sờ mặt chồng, sờ lưng, sờ tay chồng lần cuối cùng, chị cố trấn tỉnh cơn đau, cầm lưỡi mác ra sức lấp cát xuống hố.

Bỗng chị dừng lại.

Chồng chị có thể chết trần truồng nhưng không thể không có một mảnh vải để buộc miệng. Cái lệ đó đã trở thành thiêng liêng. Không bao giờ có ai để cát vào miệng một xác chết. Chị dẫu sống trăm năm cũng không bao giờ yên tâm với sự thiếu sót này.

Chị liền chạy lại lấy chiếc khăn cũ giắt trên cái móc nôi của đứa con xấu số, mang lại. Chị cúi xuống, nhưng cơn nhức đầu đã đùng đùng nổi dậy. Toàn thân chị run bắn lên. Cái đau kỳ lạ, đau thống thiết như chưa bao giờ! Chị không còn biết trời đất là gì nữa. Mọi vật quay cuồng chung quanh. Chị cào da thịt, đấm vào đầu bứt tóc tai. Rồi như điên dại, chị cào cấu, ghì cả mười đầu ngón tay, móng tay đã chảy máu xuống cát, hai chân đạp thủng cát thành hai lỗ lớn.

Khi chị dừng lại thì chị cũng vừa hết thở. Chị chết, răng cắn lủng chiếc khăn định đem buộc miệng chồng cho cát khỏi vào.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân

;
.
.
.
.
.