.

Bữa cơm quê

.

Chẳng phải là cơm niêu, cơm lam hay cơm gói cơm đùm đang hồi thời thượng ở phố thị. Lại cũng chẳng phải sinh sống xa quê ở tận đâu xa lắc trời Tây, ví như một người tôi quen ở quận Cam trên đất Mỹ, một lần nào đó về thăm quê kể lại rằng: Có nhiều lúc nhớ làng xóm quê nhà quay quắt bèn rủ đồng hương xúm xít quanh lại nấu một bữa cơm quê ăn đã đời cho hả nhớ. Bữa cơm quê mà tôi muốn nói ở đây là cơm quê ngay giữa lòng quê! Vâng, lòng quê thì mênh mông vô tận, nhưng đất quê thì ngày càng thu hẹp lại, một mặt do quá trình đô thị hóa, mặt khác do thiên tai từng năm lũ lở làng trôi liên tục xảy ra và vì thế dường như con người mỗi ngày một thêm... xa xứ!

 

Tôi về thăm làng mình vừa sau những ngày bão lũ thiên tai tàn phá nặng nề. Bùn non ơi bùn non, khắp làng trên xóm dưới mọi con đường bùn lội lên tận bắp vế. Làng tôi ở ven sông hầu như đã di dời gần hết. Sức tàn phá của từng mùa bão lũ hằng năm đã cuốn phăng hàng trăm mẫu đất đai màu mỡ ra tận biển Đông.
 
Nhất là mùa lũ hung hãn như năm này, cả một bờ tre dày mấy lớp, kéo dài hơn hàng cây số, cái lũy chắn cuối cùng bao bọc giữ lấy đất làng từ hơn thế kỷ nay đã lở xuống sông sâu. Đứng trên bờ vực dòng sông nhìn xuống dòng nước, lũ đã đi qua rồi mà dòng nước vẫn xiết chảy đục ngầu một cách hung tợn. Cứ mỗi vòng xoáy cuồn cuộn va đập vào bờ là từng mảng đất lở đổ ầm xuống sông cuốn trôi theo dòng chảy. Thiên nhiên đang diễn dịch cái ý nghĩa khôn lường của biển dâu một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất. Cứ theo cái đà này không chừng mươi mười năm nữa, cuộc di dời của làng tôi sẽ vào đến tận chân núi.

Ngồi ăn bữa cơm chiều ở nhà của một người bạn làng sau cả ngày bì bõm với bùn nước sình lầy thăm viếng mọi nơi. Lũ lụt kinh hoàng như thế làm gì có các món ăn đặc sản của làng mà đem ví von với cái ngon của những cơm niêu cơm lam thời thượng. Không hiểu bao tâm hồn phố thị vừa bước ra khỏi những cánh đồng gieo của làng có ai còn nhớ đến những vụ mùa thu hoạch từ mưa lũ như thế này không nhỉ. Lúa ấy mười hạt lép chỉ may ra chắc một hạt, mà phải giành giật với thiên tai khắc nghiệt thường xảy ra.

Có lẽ vì long đong lận đận gian nan như thế mà cây lúa biết cho con người không chỉ là hạt gạo màu nâu khỏe khoắn, chắc nịch mà còn cả mùi hương. Ăn thứ cơm nấu bằng gạo ấy, hỏi bây giờ trong các nhà hàng mang cái “mác”, cái nhãn hiệu cơm quê, biết tìm đâu ra. Nào gạo lúa can, lúa lốc, lúa mận, lúa chùm, lúa trì trì. Người Quảng nức tiếng món ăn mì Quảng, nhưng đi tìm thứ mì Quảng chính hiệu được tráng bằng các thứ gạo nâu ấy quả thật hiếm hoi.

Vậy mà bữa cơm chiều nhà bạn làng của tôi được nấu bằng thứ gạo hết sức cổ điển bát ngát mùi hương như thế kia. Bới từng chén cơm có màu nâu ửng hồng khói bốc thơm ngào ngạt, ngồi hít hơi không thôi đã no nê mùi hương tràn vào lồng ngực lắm rồi, đấy là chưa kể đến các món ăn “truyền thống” khác người dân quê tôi chế biến ra để dùng vào mùa mưa lũ như: dưa cà, dưa cải, dưa môn... Ăn một bữa cơm quê mà tôi nhớ lại nghìn bữa. Nhớ tuổi thơ chạy ra cồn bãi bắt dế vào những mùa lũ lụt. Đây cũng là món ăn xếp vào loại ngon hàng đầu ở quê tôi.
 
Mỗi khi nước lớn tràn vào bãi, vào vườn nhà, dế từ các hang ổ trong đất chui ra bám trên các hàng cây, hàng rau quả, tôi cứ tha hồ mà bắt. Có những trận lũ bọn trẻ con làng chúng tôi bắt đến hàng giỏ hoặc cả thùng mang về. Sau khi vặt cánh, làm ruột dế xong, bắc cái xanh lên bếp đổ dầu phụng vào khử, dầu sôi lên cho tất cả dế vào xào chin cùng với ít gia vị hành tiêu, mắm tỏi. Mùi thơm tỏa lên quyến rũ từng cái dạ dày háu ăn của tuổi thơ đang ngồi với mẹ bên bếp lửa đợi chờ.

Nhưng bữa cơm quê trong nhà bạn làng tôi chiều nay không có cái món dế khoái khẩu đó. Lũ lụt lớn nhanh như thổi, mà lại tràn vào lúc trời tối nên chẳng ai dám lội ra cồn bãi để bắt dế cả. Chỉ có mỗi cái mùi thơm ngào ngạt của cơm được nấu bằng thứ gạo lúa can dẫn dắt tôi ngập ngụa trên cánh đồng tuổi thơ của làng mình.
 
Nhưng nào có trọn vẹn gì, bởi bạn làng tôi tuyên bố xanh rờn sau bữa ăn: - Đây là bữa cơm cuối cùng nấu bằng thứ gạo quý hiếm hoi này, vì cả cánh đồng gieo làng mình đã lở xuống sông sâu, còn đâu mà gieo cấy.

Bây giờ tôi mới sực nhớ lại khi chiều đứng trên cái mô đất nhỏ nhoi nơi bìa làng. Đúng như lời bạn tôi vừa nói, và còn hơn thế nữa, bởi sau mùa mưa lũ này, nhà anh bạn làng của tôi cũng sẽ di dời trong đợt di dời sau cùng của làng. Lẽ nào rút lui đầu hàng thủy tặc là sự lựa chọn cái kế sách tối ưu? Chợt vu vơ tôi ngâm tràn câu thơ của cụ Tú Xương như một lời nguyện cầu cho đất làng tôi thôi đừng lở nữa: “Sông kia giờ đã nên đồng...”!

Tạp bút của Nguyễn Nhã Tiên

;
.
.
.
.
.