.

Dòng chảy chậm Bản sắc Việt hải ngoại

.

“Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài” là một trong 4 chuyên đề thu hút sự quan tâm rất lớn của các đại biểu tham dự Hội nghị Việt kiều lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội. ĐNCT xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một trong những đại biểu tham dự Hội nghị này.

Những hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại đang là một dòng chảy trong dòng chảy chung của văn hóa nghệ thuật Việt. Và, khi đối diện trực tiếp văn hóa thế giới, hơn ai hết, những người Việt hải ngoại, chính là những người có nhiều công sức, cầu nối quan trọng trong việc quảng bá, hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hoá Việt, một cách thiết thực.

Văn nghệ sĩ hải ngoại, hoạt động ở hải ngoại, trước hết vì tình yêu nghề nghiệp, nên trong thực tế, khi còn hoạt động văn hóa nghệ thuật, dù hoạt động ở nước nào, dưới bất cứ loại hình nghệ thuật và dưới bất kỳ hình thức ngôn ngữ thể hiện nào, đều mang tâm thế, từ trứng nước khi họ ra đi là người Việt. Trong sâu thẳm tiềm thức, dù có ý thức hay vô thức, ít nhiều bộc lộ tính Việt và không hiếm trường hợp sự đóng góp vô thức lại đã tạo nên những điểm nhấn văn hóa xuất sắc và sâu sắc trên xứ người.

Ví như sự đóng góp của hai họa sĩ Lê Bá Đảng và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị trên đất Pháp. Đặc biệt ở Điềm Phùng Thị rất dễ nhận thấy, ở tác phẩm của bà, từ hội hoạ tới điêu khắc đều chứa đựng tinh thần tôn giáo Việt một cách sâu sắc.

Trong văn học, sự biểu hiện này càng rõ hơn khi đại bộ phận văn sĩ hải ngoại sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, để tiếp tục sáng tác. Viết với tiếng Việt, vô hình trung họ giúp những người Việt tại hải ngoại, trong tâm thế bạn đọc, không quên tiếng mẹ đẻ mà còn cập nhật được sự phát triển ngôn ngữ trong nước. Những vấn đề nêu ra trong tác phẩm, ở tư tưởng hay thủ pháp xây dựng nhân vật, phần nào phản ánh đời sống thực tế của sắc tộc Việt và điều đó chính là sự giới thiệu một cách vô thức văn hóa, phong tục, tập quán, tính cách Việt Nam.
 
Ngay cả trong văn học dịch, để hấp dẫn, thu hút bạn đọc trong ngoài nước, họ đã cũng cố gắng thể hiện Việt tính trong việc chuyển tải tác phẩm. Thực tế cho thấy, những sáng tác điểm tên vài tác giả, ví dụ như Võ Mộng Giác, Du Tử Lê (Mỹ), Thuận (Pháp), Nam Dao, Đỗ Quyên (Canada), Đoàn Minh Phượng, Lê Minh Hà, Thế Dũng (Đức), Đặng Tiến (Pháp), Vũ Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy, Kim Hiền (Nga), Mai Ninh; Miêng (Pháp), v.v… cũng đã chứng minh điều đó.

Ở lĩnh vực âm nhạc, các sáng tác của Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long ở Đức ăm ắp các giai điệu dân ca từ đồng bằng Bắc bộ tới Tây Nguyên và, sinh viên nhiều nước khi tiếp thu các bài giảng của ông đều phải nghiên cứu thêm về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông hiện là Hiệu trưởng Trường âm nhạc Gesundbrunnen – Berlin, thường xuyên được chọn vào giám khảo các kỳ thi âm nhạc quốc tế. Do lấy chính các đề tài ông viết làm các bài thi bắt buộc, các thí sinh tham dự đã phải lập tức nghiên cứu dân ca Việt Nam để biểu diễn. Điều đó đã tạo nên sự lan tỏa âm nhạc dân ca Việt trong giới âm nhạc bác học ở nhiều nước.

Nhiều hoạt động có ý thức trong việc quảng giao văn hóa Việt cũng rõ ràng mang lại hiệu quả lan tỏa ra thế giới, thường rơi vào các trường hợp của các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và cũng mang lại hiệu quả to lớn. Điển hình như trường hợp của giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê tại Pháp.

Sự đóng góp lớn lao còn phải kể tới dòng hoạt động ý thức biểu hiện rất rõ trong sinh hoạt văn hóa của các khu vực quần cư người Việt, mà chủ yếu nằm trong việc sinh hoạt văn hóa của các Hội đoàn người Việt ở khắp các nước trên thế giới. Nó không chỉ giới thiệu cho con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của họ nhớ tới cội nguộn, mà cũng đóng góp vào việc quảng bá văn hóa Việt ở nhiều nước sở tại.

Trường hợp đặc biệt như bà Lê Thị Bích Hường tại Brazin suốt hơn chục năm nay tự mình gom góp rất nhiều vật thể và tư liệu của văn hóa Việt, truyền bá văn hóa Việt tại một nước xa xôi làm Chính phủ Brazin rất chú ý và quan tâm giúp cho mọi hoạt động của bà trở thành điểm văn hóa Việt tại chỗ. Đó là một việc làm hết sức cảm động về sự trao đổi quảng giao văn hóa vừa vô thức vừa ý thức.

Có thể nói, sự đóng góp của họ có công lớn với việc giữ gìn văn hóa Việt và bản sắc của nó. Nó là dòng chảy chậm không ngừng ngay trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nói từ không ngừng, bởi ngay thế hệ thứ hai, cả khi sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để sáng tác, muốn hay không muốn những tác phẩm của họ ít nhiều không thoát ra khỏi tâm thức họ mang văn hóa Việt trong trái tim và huyết hệ Việt.

Trường hợp như tác giả Phạm Thị Lan, 19 tuổi, sinh ra tại Séc, vừa đoạt giải thưởng Văn học lần thứ 14 của Câu lạc bộ Sách dành cho các tác phẩm chưa xuất bản tại Cộng hòa Séc, với sáng tác bằng tiếng Séc: “Ngựa trắng, rồng vàng”, được giới phê bình văn học tại Séc đánh giá: nếu không hiểu người Việt và văn hóa Việt thì không thể tạo nên sự thành công của tác phẩm là minh chứng rất sinh động về vấn đề này.

Sự quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, trước hết phải trên cơ sở nền tảng gốc là tự tình yêu, trái tim của mỗi con người trong và ngoài nước. Nhận thức rõ việc quảng bá văn hóa Việt tại hải ngoại là một dòng chảy chậm có sức ngấm lâu bền và dai dẳng, có vai trò quan trọng gìn giữ bản sắc Việt và quảng giao văn hóa Việt trên thế giới đồng thời quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho giới văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa xã hội hải ngoại hoạt động, là điều hết sức cần thiết hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hút nhân tài thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt mà còn tác động ngược trở về trong nước trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa Việt khi thế hệ trẻ trong nước ít nhiều quan tâm tới các văn nghệ sĩ người Việt có tên tuổi trên thế giới.

Frank Schmitz, Giáo sư âm nhạc Đức viết: Trường phái (âm nhạc) Á-Âu thì nhiều nhạc sĩ đã tìm tòi và thể hiện, nhưng theo nhận xét của Giáo sư Nghệ sĩ Inge Wilcrok (Nhạc viện Berlin): "Âm nhạc của Đặng Ngọc Long mang hơi thở của sự sống, anh truyền cảm những gì anh đã trải qua, anh sống ở châu Âu nhưng tâm hồn anh là dòng máu Việt”. Báo Bưu điện buổi sáng tại Berlin đã viết: “Nghe anh trình tấu, người ta cảm thấy như đang sống ở trên quê hương Việt Nam của anh”.

"Với những kỹ thuật độc đáo tự khám phá trên cây đàn ghi-ta, Đặng Ngọc Long đã áp dụng vào các bản nhạc dân ca truyền thống của quê hương anh một cách tài tình” (Tạp chí TIP- Berlin). Chính vì sự mới lạ, hiệu quả đó, một số bài của anh đã được Hội đồng nghệ thuật chọn làm bài bắt buộc cho nhiều kỳ thi quốc tế. Và đặc biệt bài "Bèo dạt mây trôi" (dân ca quan họ Bắc Ninh do anh chuyển soạn) và "Morning-Mai" sẽ được chọn làm bài thi vào tháng 10 năm 2010 sắp tới.

Khi được hỏi về ý nghĩa truyền thuyết Việt trong tác phẩm, Phạm Thị Lan nói: Thật là đơn giản. Mẹ tôi thường đọc cho nghe những câu chuyện cổ tích và danh ngôn Việt Nam. Tôi rất hào hứng nghe.

Nhưng tôi cũng rất thích truyện cổ tích Séc mà tôi thường được xem trên truyền hình...

Ở châu Á, con rồng là biểu tượng cho sự may mắn và giàu có, còn ở trong hầu hết các truyện cổ tích Séc thì rồng thường là kẻ ác cần phải bị trừng trị.

Dịch giả Kim Hiền tại LB Nga: Khi dịch một tác phẩm của Nhà văn Nikolai Gogol cho tạp chí Văn học nước ngoài để giới thiệu cho độc giả Việt Nam, với truyện Những điền chủ nếp xưa, tôi cứ băn khoăn mãi khi chọn cụm từ nếp xưa thay vì kiểu xưa như người trước đã dịch. Tôi nghĩ, những người dịch như tôi ở nước ngoài phải cần cù mót chữ Việt. Điều đó rất quan trọng, vì theo tôi, không nên biến một tác giả rất nổi tiếng của nước ngoài, khi vào Việt Nam thành Kim Hiền nào đó.

Với các tác phẩm của Bunhin cũng vậy, sự chuyển ngữ với tôi là cần cố gắng giữ nguyên văn phong, tính cách riêng của Bunhin, nhưng đồng thời có thuần thục ngôn ngữ Việt, thì mới có thể lột tả đúng bản chất của nguyên tác. Tôi chỉ cố gắng có thêm bạn đọc Việt, cho họ hưởng thụ tinh thần Nga thật cao đẹp. Những tác phẩm kinh điển tôi chọn dịch cho bạn đọc, như thế hệ cha mẹ chúng tôi đã từng tiếp nhận tinh thần nhân bản của một nền văn học vĩ đại Nga, của các dịch giả đi trước…


Châu Hồng Thủy
, nhà thơ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga: Những người làm công tác VHNT Việt Nam tại Nga hoạt động trên cái nền (đời sống) của người Việt. Hoạt động của họ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng góp phần giới thiệu văn hóa Nga với cộng đồng (qua tiếng Việt và Nga). Chúng tôi có tạp chí Người bạn đường và Tao đàn góp phần nâng cao thị hiếu và trình độ thẩm mỹ trong cộng đồng.
 
Từ khi Liên Xô tan vỡ, quan hệ giữa Hội nhà văn VN và Nga bị gián đoạn, chúng tôi góp phần khôi phục lại mối quan hệ ấy. Vừa qua, tháng 11-2009 chúng tôi đã chắp nối cho Trường viết văn Goocki với Trường Đại học văn hóa Việt Nam (Khoa sáng tác lý luận phê bình - nguyên xưa là Trường viết văn Nguyễn Du) tiếp tục hợp tác đào tạo và giảng dạy.


NGUYỄN VĂN THỌ
(CHLB Đức)

;
.
.
.
.
.