.

Mong đợi của người thầy

Ngày 20-11 năm nào cũng khơi dậy trong lòng mọi người niềm cảm xúc lớn lao bởi những thể  hiện hết sức trân trọng của xã  hội về việc tôn vinh “sự  nghiệp trồng người”. Là  thầy cô giáo, ai không khỏi thấy hạnh phúc và cảm kích trước sự quan tâm, đãi ngộ đó dành cho nghề nghiệp và bản thân mình!

Có  lẽ không cần phải nhắc nhiều về  chuyện “tôn sư trọng đạo”, bởi đó là truyền thống ngàn đời của dân tộc, là nét đẹp sâu rễ bền gốc mà đến nay vẫn luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội phát huy, đề cao. Sự quan tâm của xã hội càng nhiều, càng tạo mối dây tình cảm lớn lao ràng buộc người thầy vào “cái nghiệp trồng người”, thúc giục người thầy quyết tâm cống hiến toàn bộ tri thức, năng lực và cả cuộc sống của mình cho nền giáo dục nước nhà.

Nghề  “trồng người” luôn gặp nhiều khó  khăn, gian khổ; đòi hỏi  “người trồng” không chỉ  có lòng yêu nghề, yêu  “cây” mà còn phải có  lý tưởng và bản lĩnh mới có  thể vượt qua để hoàn thành thiên chức cao quý  của mình. Xã hội càng đổi mới, gắn liền với việc hình thành nền kinh tế thị trường, càng thúc đẩy người thầy không ngừng tự nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, người thầy cần phải thật sự bản lĩnh để vừa giữ được phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp, lại vừa đáp ứng nhu cầu tri thức ngày càng cao và rất năng động của xã hội và thời đại.

Con người là tổng hòa các mối quan hệ tự  nhiên và xã hội, còn người thầy đảm nhiệm thêm chức năng là  một trong những mắc xích làm nên “phần hồn” của các mối quan hệ  đó. Để có những người thầy lý tưởng, không chỉ là nỗ lực tự thân của người thầy, mà còn tùy thuộc sự định hướng đúng đắn, dân chủ và quốc sách phát triển giáo dục phù hợp của Đảng, Nhà nước.
 
Bên cạnh đó, người thầy rất cần được bắt nhịp đồng bộ với nhận thức và sự vận hành của xã hội, sự hợp lực giáo dưỡng của gia đình người học, và cả sự cố gắng không ngừng vươn lên của bản thân người học. Một nền giáo dục tốt không chỉ  có nhà trường và những người thầy giỏi, mà  còn có sự góp sức của trò ngoan, phụ huynh gương mẫu, xã hội công bằng và văn minh, Đảng và Nhà nước có đường hướng, chính sách giáo dục đúng đắn.

Vì thế, việc tôn vinh người thầy là hết sức cần thiết, nhưng vẫn chưa biểu dương hết những giá trị tổng thành của giáo dục, chưa thể hiện hết tính cách mạng và bản chất tốt đẹp của nền giáo dục toàn dân, vốn được Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khởi công xây dựng ngay từ những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới thành công đến nay.Tiếp tục tập trung tôn vinh nhà  giáo, sẽ tiếp tục góp phần làm cho ý thức của xã hội về giáo dục bị thiên lệch, áp lực về chất lượng giáo dục dưới góc nhìn của xã hội sẽ trút hết lên vai người thầy.
 
Mặt khác, chỉ nhấn mạnh và đề cao người thầy, còn dẫn đến hệ quả là rất khó biến nhận thức về nhiệm vụ giáo dục quốc gia thành ý thức trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đã một thời gian dài, ngày 22-12 trong tâm thức của xã hội là dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng giờ  đây, đó không chỉ là ngày của Quân đội, mà còn được công nhận là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Sự tôn vinh đúng đắn đó đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm quốc phòng cho toàn thể nhân dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người thầy đúng nghĩa rất cần xã  hội nhận thức đồng bộ  về nền giáo dục nước nhà.

Vì vậy, nên đặt sự tôn vinh người thầy trong tổng thể của sự tôn vinh nền giáo dục cách mạng; để ý thức về nhiệm vụ giáo dục thấm sâu vào xã hội, biến trọng trách giáo dục của người thầy thành nhiệm vụ chung của toàn dân.Vui biết mấy nếu Ngày Nhà giáo Việt Nam và Ngày hội Giáo dục toàn dân được tôn vinh trong cùng một thời điểm, hình thành nhận thức chung về trách nhiệm giáo dục của toàn xã hội. Đó sẽ là món quà hết sức vô mgiá mà quốc gia đang cần, những người thầy đang hết sức mong đợi.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.