.

Hoàng Sa biển đảo mến yêu - Kỳ 3: Nhóm đảo Nguyệt Thiềm

.

Đảo Hữu Nhật

Nhóm đảo Nguyệt Thiềm nhìn từ máy bay năm 2007. (Nguồn: www.wikiwak.com)


Đảo Hữu Nhật còn có tên Île Robert (P), Robert Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Guanquan Dao (Cam Tuyền Đảo), nằm ở tọa độ 16031’ vĩ độ bắc và 111034’ kinh độ đông. Tên Hữu Nhật xuất phát từ việc năm 1836 vua Minh Mạng cử Chánh đội trưởng Suất đội Thủy quân của triều Nguyễn là Phạm Hữu Nhật ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc hải trình, cắm mốc và vẽ bản đồ các đảo.


Phạm Hữu Nhật (1804-1854) húy danh là Phạm Văn Triều, con ông Phạm Văn Nhiên và bà Dương Thị Lãng, là thế hệ thứ tư của thủy tổ họ Phạm Văn ở cù lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Khi nhận lệnh vua, ông sai mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ loại rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc, trên khắc dòng chữ:
 

Đảo Hữu Nhật nhìn từ vệ tinh năm 2009. (Nguồn:www.vi.wikipedia.org)

Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự
[Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây để ghi nhớ]. Do có nhiều công lao trong việc khám đạc Hoàng Sa nhiều lần, nên sau khi mất trong một lần ra biển năm 1854, tên ông được đặt cho đảo.

Năm 1815, Daniel Ross đã đặt tên tiếng Anh trên bản đồ cho đảo là Roberts (1). Có ý kiến cho rằng đó là tên người bạn sinh ra ở Ấn Độ của Daniel Ross là Robert Grant (1779 – 1838), vốn là một luật sư và nhà chính trị, con trai của chủ tịch Công ty Đông Ấn Charles Grant.

Đảo có hình hơi tròn, nơi cao nhất 7,92m, rộng độ 0,32km2, nằm về phía nam cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý. Quanh đảo có những cây nhàu cao từ 2 đến 3m, khu lòng chảo nằm giữa đảo không sâu, ngoài những bụi cây nhỏ thì cỏ tranh mọc khắp nơi. Ngoài bìa đảo là một vòng san hô, có nhiều chỗ lấn hẳn vào bãi cát, rong phủ kín mặt biển chung quanh, loài vích thường lên bờ đẻ trứng từ mùa xuân đến mùa hạ.

Trên đảo Hữu Nhật có một vài ngôi miếu nhỏ được xây dựng từ xưa. Trong khoảng những năm 1924-1945, một số công ty Nhật Bản đã được phép đến khai thác phosphate. Một con đê bằng đá phosphate và chiếc cầu sắt dài 300m dùng để vận chuyển phosphate lên tàu đã được người Nhật xây dựng. Trước năm 1960, có một vài đoàn chuyên gia về hầm mỏ và phân bón Việt Nam, Nhật Bản đến thăm dò nghiên cứu trên đảo. Năm 1963, lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa đến trú đóng và thiết lập bia chủ quyền ở đây vào 5-12-1963.

Ngày 15-1-1974, Trung Quốc triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ, trong đó có nhiều tàu được nguỵ trang thành tàu đánh cá có máy bay yểm trợ, đổ người lên dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Từ 19-1-1974, đảo Hữu Nhật bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hẳn.

Đảo Duy Mộng

Đảo Duy Mộng nhìn từ vệ tinh năm 2009.  (Nguồn: www.vi.wikipedia.org)

 

Đảo Duy Mộng còn có tên là Île Drummond (P), Drummond Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Jinqing Dao (Tấn Khanh Đảo), nằm ở tọa độ 16028’ vĩ độ bắc và 111044’ kinh độ đông. Năm 1815, Daniel Ross đặt tên đảo trên bản đồ là Drummonds (2).

Tên Duy Mộng có thể phiên âm từ tiếng Anh mà thành. Có ý kiến cho rằng Daniel Ross lấy tên một quan chức tài chính của Công ty Đông Ấn là James Drummond đã chết trên một con tàu của Công ty Đông Ấn năm 1812 đặt cho đảo.

Đảo cao không quá 4m, hình bầu dục, diện tích khoảng 0,41km2. Trên đảo có nhiều loại cây nhỏ, giữa đảo là một vùng đất trống, nhiều con vích và chim biển sinh sống, ngoài ra còn có 5 ngôi mộ của binh lính thời Nguyễn và Việt Nam Cộng hòa. Đảo có một lạch nước nhỏ nên ghe thuyền có thể theo cửa lạch đó vào được sát bờ, còn tàu lớn thì bỏ neo cách bờ vài ba trăm mét.

Vào đầu tháng 1-1974, trong những ngày chuẩn bị đánh chiếm nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tập trung tới 11 tàu chiến ở phía tây đảo Duy Mộng.

Đảo Quang Ảnh

Đảo Quang Ảnh nhìn từ vệ tinh năm 2009.  (Nguồn: www.vi.wikipedia.org)

Đảo Quang Ảnh còn có tên là Île Money (P), Money Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Jinyin Dao (Kim Ngân Đảo), nằm ở tọa độ 16050 vĩ độ bắc và 112020’ kinh độ đông.

Đảo mang tên Quang Ảnh là do năm 1815 vua Gia Long từng phái Đội trưởng đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh quê ở Lý Sơn, Quảng Ngãi đem hải đội ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc hải trình, thu hồi hải vật. Năm 1816 Phạm Quang Ảnh lại tiếp tục được phái đi. Về sau, trong một lần đi Hoàng Sa, Phạm Quang Ảnh cùng 24 dân binh gặp bão, mất tích giữa biển. Để ghi nhớ công lao, tên ông được đặt cho đảo này. Phạm Quang Ảnh được thờ ở từ đường tộc Phạm Quang tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Bản đồ năm 1815 của Daniel Ross đặt tên đảo là Moneys (3). Tên Money có thể lấy từ William Money (1738- 1796) cha, hoặc con là William Taylor Money (1769-1834), đều là thuyền trưởng và lần lượt làm giám đốc Công ty Đông Ấn.

Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,5km2, cao cách mặt biển 6,09m, có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao tới 5m, bên ngoài là loài cây phosphorite và một số loại cây khác, chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san hô, tàu lớn không thể lại gần đảo vì rất dễ mắc cạn.

Ngày 15-1-1974, lực lượng hải quân Trung Quốc ngụy trang thành tàu đánh cá có máy bay yểm trợ, đổ người lên dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Từ 19-1-1974, đảo Quang Ảnh bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng.

Đảo Quang Hòa

Đảo Quang Hòa nhìn từ vệ tinh năm 2009.   (Nguồn: www.vi.wikipedia.org)

 

Đảo Quang Hoà còn có tên là Île Duncan (P), Duncan Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Chenhang Dao (Sâm Hàng/Thâm Hàng Đảo), nằm ở tọa độ 16027’ vĩ độ bắc và 111042’ kinh độ đông. Bản đồ năm 1815 của Daniel Ross đặt tên đảo là Governor Duncans (4). Có ý kiến cho rằng Daniel Ross đặt thế để vinh danh Jonathan Duncan (1756-1811) là Thống đốc Bombay ở Ấn Độ từ 1795 đến 1811.

Đảo có độ cao 3,96m, diện tích gần 0,5km2, chung quanh đảo là bãi cát màu vàng, vòng san hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn còn có những đảo nhỏ, nối liền nhau bằng bãi cát dài. Đảo Quang Hòa có hai phần là Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.

Quang Hòa Đông có cây nhàu và cây phosphorite mọc ở phía tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m, phía đông đảo chỉ có dây leo sát mặt đất. Quang Hòa Tây là một đảo nhỏ, bằng khoảng 1/10 diện tích Quang Hòa Đông, và cũng chỉ có những loại cây như thế.

Vào 15-1-1974, Trung Quốc bắt đầu triển khai lực lượng hải quân dựng cờ trên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật. Lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà được tăng cường 1 khu trục hạm, 1 tuần dương hạm, 1 hộ tống hạm đưa các toán biệt hải đổ bộ lên các đảo hạ cờ của Trung Quốc xuống, dẫn đến vài vụ xô xát và nổ súng trên đảo Quang Hoà và một đảo khác. Đến 19-1-1974, trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc đã diễn ra trong vòng từ 3 đến 7 hải lý quanh đảo Quang Hòa, kết cục Trung Quốc chiếm đóng đảo này từ đấy.

Đảo Bạch Quy

Đảo Bạch Quy nhìn từ vệ tinh năm 2009.  (Nguồn:www.vi.wikipedia.org)

Đảo Bạch Quy còn có tên là Đá Rùa Trắng, Passu Keah Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Panshi Yu (Bàn Thạch Dữ), nằm ở tọa độ 16003’ vĩ độ bắc và 111047’ kinh độ đông.
 
Bản đồ Hoàng Sa do Daniel Ross vẽ năm 1808 và công bố năm 1815 ghi tên đảo là Passoo Keah. Đảo là một dải san hô, có hình bầu dục, chỉ thật sự nổi hẳn lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, địa thế trơ trọi, rất khó sinh tồn.

Đảo Tri Tôn

Đảo Tri Tôn còn có tên là Île Triton (P), Triton Island (A), hiện nay Trung Quốc gọi là Zhongjian Dao

Đảo Tri Tôn nhìn từ vệ tinh năm 2009.(Nguồn: www.vi.wikipedia.org)

 

(Trung Kiến Đảo), nằm ở tọa độ 15047’ vĩ độ bắc và 111012’ kinh độ đông, gần bờ biển Việt Nam nhất so với các đảo khác của Hoàng Sa. Tên gọi Tri Tôn có thể được đặt theo tên chiếc thuyền Triton do John Brown làm thuyền trưởng đã tiếp cận đảo này vào ngày 13-11-1804 (5). Bản đồ Hoàng Sa năm 1815 do Daniel Ross vẽ ghi tên đảo này là Ship Triton.

Đảo này nơi cao nhất 3,04m, toàn đá san hô đủ màu sắc, không cây cỏ nhưng nhiều hải sâm, ba ba. Sau ngày chiếm đóng năm 1974, Trung Quốc xây dựng các hải đăng và bố trí một cảng mới trên đảo từ năm 1982

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

(1) James Horsburgh, The India directory, or, directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, and the interjacent ports of Africa and South America, VM.H.Allen & Co., London, 1852, p.348.

(2) James Horsburgh, Sách đã dẫn, tr. 348.

(3) James Horsburgh, Sách đã dẫn, tr. 348.

(4) James Horsburgh, Sách đã dẫn, tr. 348.

(5) James Horsburgh, Sách đã dẫn, tr. 349.

;
.
.
.
.
.