.

Khi thầy giáo là thủ lĩnh

.

Họ không chỉ là thầy, mà còn là người anh, người bạn thân thiết đối với học trò. “Thủ lĩnh” là từ được học trò dùng để bày tỏ sự kính trọng và yêu mến của mình đối với họ.

Thầy “3 trong 1”

Thầy Phong (hàng trên, thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn học sinh ký cam kết đạt thành tích trong học tập và thi cử tại trường.

Theo chân thầy trò Trường THPT Nguyễn Hiền tham gia hoạt động Ngày hội học sinh Trung học (diễn ra vào ngày 15-11) mới thấy: có những người thầy đã chiếm trọn cảm tình của học sinh (HS) từ những việc làm đơn giản mà chân thực. Để tạo cho mình một nét riêng không bị trộn lẫn trong ngày hội, trước đó nửa tháng, thầy Trần Quốc Phong - Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Hiền cùng 10 học trò mày mò tìm hiểu và quyết định lập nên gian hàng ẩm thực Quảng Nam với các món ăn đậm chất Quảng như:

mì Quảng, bánh xèo, nem lụi... Các món ăn được làm ngay tại chỗ để... gây ấn tượng cho thực khách. Hôm ấy, gian hàng đã thu hút rất nhiều vị khách đến thưởng thức và đoạt giải nhất toàn đoàn, không bõ công thầy trò cùng nhau hì hụi khuấy bột, đổ bánh. Em Nguyễn Mỹ Ngọc, học sinh lớp 11 hồ hởi khoe: “Thầy em nhiều tài lẻ lắm chị ơi! Làm bánh chỉ là chuyện nhỏ thôi. Thầy còn trực tiếp đánh đàn cho tụi em tập văn nghệ nữa kìa”.

Không như thầy Phong, thầy Phan Thanh Đức, Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh là thủ lĩnh của những chương trình văn nghệ, hoạt động ngoại khóa gây được tiếng vang lớn tại trường. HS trường này đã quen với hình ảnh một “ông” thầy gầy gầy, nhỏ nhỏ nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và làm việc thì rất “pro” (chuyên nghiệp).

Em Phạm Nguyễn Đan Thanh, học lớp 11/8 Trường Phan Châu Trinh tự hào nói về thầy: “Thầy nhiệt tình và gần gũi lắm. Đội văn nghệ của trường đi diễn ở đâu cũng thấy thầy đi cùng để... lo phần âm thanh, thậm chí xách dùm đồ nữa.

Điều tụi em quý nhất ở thầy là: dù nghiêm khắc nhưng trong các cuộc họp giao ban cán bộ Đoàn, thầy luôn tạo không khí thoải mái. Cách nói của thầy không gay gắt nên tụi em dễ tiếp thu các phần việc mà thầy phổ biến”. Không chỉ giỏi công tác Đoàn, thầy Đức cũng rất “sành” về kỹ thuật mạng. Thầy đã lập hẳn một Facebook để có thể thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với học trò.

Để học sinh làm chủ

Dưới sự hướng dẫn của những thủ lĩnh thân thiện, học trò tự tin và tích cực hơn khi tham gia vào hoạt động ở trường, lớp.

 

Trong khi tại nhiều trường, các hoạt động văn nghệ, hoạt náo đều thu hút rất nhiều HS tham gia, thì với những đặc thù riêng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp quận Thanh Khê khá khó khăn để lôi kéo HS vào hoạt động chung của trường.

Vì vậy, thầy Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trung tâm đưa ra giải pháp: “Học sinh trường mình thường có tâm lý tự ti, nhiều chương trình tổ chức các em còn e ngại tham gia. Phần lớn các em thích bóng đá, bóng chuyền, mình đánh vào tâm lý này để thu hút các em, giúp chúng tự tin hơn, sau đó mới mở rộng nội dung tổ chức”.

Không chỉ là người anh, người bạn hiểu tâm lý học trò, những người như thầy Phong, thầy Đức còn là cán bộ tham mưu những ý kiến hiệu quả cho Ban giám hiệu trường. Họ là cầu nối để giúp 2 thế hệ trong trường hiểu và thông cảm nhau hơn. “Tổ chức một chương trình phù hợp với thị hiếu của các em nhưng vẫn đúng theo tinh thần chung của nhà trường không phải dễ.
 
Bây giờ ngoài hát hò, các em còn thích nhảy hiphop, bobing, thi aerobic, thích làm từ thiện mà mình cứ ép vào những ca khúc truyền thống cũng không được. Để các em làm chủ chương trình trên định hướng của mình để các em làm việc thật thoải mái. Điều đó sẽ giúp các em có trách nhiệm với công việc hơn và tự tin thể hiện mình”, thầy Phan Thanh Đức chia sẻ.
 
Cũng với tinh thần “để HS làm chủ”, bất cứ chương trình hoạt động nào ở trường được đưa ra đều lấy ý kiến đóng góp của HS thông qua đội ngũ cán bộ lớp. Thầy Bí thư Đoàn trường chỉ tham mưu nội dung và lên kế hoạch tổ chức, còn chương trình cụ thể sẽ do các em tự đứng ra thực hiện.

Chính sự tin tưởng và khéo léo phân công, xử lý công việc của những thủ lĩnh như thầy Đức, thầy Phong, thầy Tuấn đã giúp học trò tự tin, năng động và có trách nhiệm hơn trong học tập và sinh hoạt chung tại trường.

KHÁNH HÒA

 

;
.
.
.
.
.