.

Đạo đức Bác Hồ

Học tập đạo đức Bác Hồ vào thời điểm này thật cần thiết. Không chỉ trong Đoàn Thanh niên, mà ở các giới, các ngành trong cả nước cũng đồng thanh phát động phong trào học tập. Càng ngẫm càng hiểu sâu sắc điều mà đồng chí Lê Duẩn đã từng nói trong thời kỳ kháng chiến: Học đạo đức Bác Hồ là học cho được cái gốc, tức là học cho được cái tâm của Bác trước nỗi khổ của con người.

Năm 1945, cả nước vui mừng đến nghẹn ngào vì đã giành được độc lập. Nhưng đó cũng là lúc cả nước chịu hậu quả nặng nề của nạn đói chưa từng có trong lịch sử. Bác thống thiết kêu gọi: “Khi chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) đi cứu dân nghèo”. Bác nói: “Một người thì ít, nhưng nhiều người cùng làm thì nhiều”. Đó là những ngày Bác vừa mới qua cơn bạo bệnh ở Tuyên Quang. Về Hà Nội, sức chưa hồi phục, lại lo việc nước trong thời khắc dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”.

Năm 1950, trên đường đi chiến dịch Biên Giới, các đồng chí bảo vệ đã chuẩn bị một con ngựa khỏe cho Bác. Nhưng khi mời Bác, Bác từ chối: Đoàn có bảy người, mình Bác đi ngựa sao được. Để ngựa thồ ba lô, hành lý. Ai mệt sẽ đi ngựa sau. Bác nói vậy và Bác làm đúng vậy. Suốt những ngày băng rừng lên mặt trận, Bác đã cùng mọi người đi bộ. Năm đó Bác gầy yếu, đã ngoài sáu mươi.

Với nhân dân, đồng bào, Bác chăm lo, nhường nhịn đến từng miếng ăn, đêm ngủ. Nhưng với Bác, chỉ một mực tiết kiệm, giản dị. Bác nói “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn, mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”. Trở về thủ đô sau hòa bình, Bác vẫn giữ nếp sống giản dị như xưa nay. Trong ngôi nhà Bác ngủ, mùa hè khá nóng. Tranh thủ lúc Bác đi công tác, anh em lén lắp cho Bác chiếc điều hòa nhiệt độ. Khi về lại nhà, Bác biết nhưng không nói gì. Anh em văn phòng, bảo vệ khấp khởi mừng thầm. Vậy là Bác đã ưng ý. Nhưng chiều về, Bác gọi anh em vào và nói:

- Điều hòa làm việc tốt đấy. Các chú có thể đem cho trại điều dưỡng hay quân y viện. Hôm trước Bác đến thăm, thấy ở đó nóng lắm....

Khi chiếc xe của Bác đã qua nhiều năm sử dụng, các đồng chí văn phòng có ý định đổi xe mới, êm hơn. Bác hỏi đồng chí lái xe:

- Xe có hỏng hóc gì không?

- Dạ, thưa Bác vẫn tốt ạ. Nhưng muốn đổi để Bác đi êm và nhanh hơn.

- Thế thì không cần phải đổi. Vì chiếc xe này chưa hỏng.

Đó là chuyện của ba bốn mươi năm về trước. Còn bây giờ là thế kỷ 21 rồi, nghĩa là chuyện cũ đã xưa. Pobeda hay Volga đã xếp vào bảo tàng đồ cổ từ lâu, thay vào đó là Mercedes, Toyota, Mitsubishi, Honda... Nếu là Honda, phải là Honda Civic, Toyota, phải là ToyotaVios, Toyota Innova 30.000 USD trở lên kia, mới gọi là sành điệu.

Bác đã từng dạy :

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu , Đông

Đất có bốn phương:Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm ,Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người.

Có không ít những người năm bảy biệt thự vẫn chưa là đủ; xe đi dăm bảy chiếc cũng không là vừa; bữa tiệc, rượu tây Napoleon, Henesy tràn lan rót … không cần không kiệm, không liêm, không chính. Nghĩa là, họ thiếu cả bốn đức để thành người cách mạng, thì không biết họ là gì nhỉ?

Chính Ngôn

;
.
.
.
.
.