.

Lần cuối cùng gặp Nguyễn Mỹ

.

Vào những năm 1970-1972, cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 đóng ở Nước Nghêu, xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Trong lúc đó, Ban Tuyên huấn Khu đóng ở Nước Ta, cách đó 2 ngày đường. Nguyễn Mỹ trước khi vào miền Nam đã nổi tiếng với bài “Cuộc chia ly màu đỏ” nhưng anh không được phân về Hội Văn nghệ mà ở Tiểu ban Tuyên truyền.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ

Điều ấy bởi hai lẽ: Một là, anh bị mang tiếng “cướp vợ người ta”. Lý do, trên đường đi vào Nam, Nguyễn Mỹ hay giúp đỡ một người phụ nữ, chị đã có người yêu ở miền Nam. Vì giúp đỡ nhau suốt dọc đường gian khổ nên họ yêu nhau. Việc nữa là, vừa vào chiến trường, người ta báo tin mẹ anh “làm chỉ điểm” để địch giết du kích.

Sau này, khi đi công tác ở Phú Yên (quê tôi cũng là quê Nguyễn Mỹ) tôi được biết nhà anh ở vùng ven núi. Bà cụ có trồng mấy vồng khoai lang, khoai còn non mà ai đó dỡ ra để lấy củ. Bà bực quá chửi: “Đứa nào ăn cắp thì cũng để có củ to đã, sao lại đào khoai non”. Vào thời điểm đó, ai là kẻ đào khoai non? Chỉ có du kích? Bọn địch đoán vậy nên rình mò để tiêu diệt du kích. Câu nói vô tình làm bà bị nghi là “chỉ điểm”...

Nguyễn Mỹ ở lại Tiểu ban Tuyên truyền, lo sản xuất tại căn cứ. Thời gian đó, người ta chỉ thấy trên báo “Cờ Giải phóng” Khu xuất hiện những bài ca dao về sản xuất và binh vận mang tên Nguyễn Mỹ. Anh chỉ có bài thơ “Hơi ấm đường rừng”, viết trên đường đi mà thôi. Ai cũng nghĩ là Nguyễn Mỹ sẽ bị “lụt” mất. Người ta thấy anh rất mẫn cán trong sản xuất và săn bắn.
 
Anh săn bắn rất tài, đến nỗi nhà báo, nhà thơ Đặng Minh Phương đã có thơ vui tặng anh: “Đường anh đi, đường thú rừng phơi xác”. Vậy mà, một buổi chiều mưa cuối năm 1970, Nguyễn Mỹ xuất hiện ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Anh nói với chúng tôi:

- Sản xuất xong rồi, sắp về cơ quan ghé thăm các cậu.

Hồi đó, Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 rất đói khổ, chúng tôi chỉ ăn dớn (một loại cây dương xỉ, người ta chặt về, vạt vỏ, nạo thân bên trong làm lương thực, ăn như thân đu đủ) chứ chưa có sắn, bởi chúng tôi bị B52 ở Nước Bui (Giằng), phải dời vào đây nên sản xuất chưa thu hoạch được. Nhà văn Chu Cẩm Phong đưa mắt nhìn nhà thơ Dương Hương Ly và tôi. Hiểu ý, tôi và Dương Hương Ly mang gùi “lén lút” qua rẫy nhà in để “ăn trộm” sắn. Anh Ly nói:

- Mình đừng lấy ở ngoài bìa, dễ bị phát hiện. Ta vào nhổ sắn ở giữa rẫy rồi được cây nào mang ra suối ném cây đó “để phi tang” đã. Rồi sẽ lấy củ sau.

Cứ cách đó, chúng tôi lấy được hai gùi sắn nặng. Trở về, cả cơ quan, kể cả Nguyễn Mỹ vui vẻ lột sắn, mài bột để làm bánh sắn ăn cho khỏi ớn, bởi ăn sắn luộc hoài rồi.

Ăn xong, đêm đó, chúng tôi mắc võng kề nhau tán mọi thứ chuyện, kể cả chuyện văn chương. Bất chợt, Nguyễn Mỹ ngồi dậy, vớ chiếc gùi làm bằng bao bột mì (ở Nam Bộ gọi là bòng), một thứ thay thế gọn nhẹ cho ba lô để đi công tác và gùi cõng, giở ra lấy một xấp giấy:

- Tớ có viết một chùm thơ bài nào cũng có màu đây nè, các cậu coi thử. Tớ định ghép với “Cuộc chia ly màu đỏ” thành một chùm thơ “các màu”.

- Vậy thì cậu là nhà thơ của những sắc màu rồi. Chu Cẩm Phong nói vậy.

Tôi nhớ, ngày ấy tôi thấy có những bài thơ kiểu như Cánh đồng vàng, Chiều tím, Hoa ê-pan trắng, v.v...

Tôi nói với Nguyễn Mỹ:

- Anh cho tạp chí Văn nghệ Giải phóng để chúng tôi đăng dần.

- Đồng ý thôi - Nguyễn Mỹ nói - nhưng để về tớ chữa cho kỹ đã rồi gửi theo giao liên cho các cậu sau.

Sáng hôm sau, Nguyễn Mỹ ra đi. Chúng tôi lưu luyến tiễn đưa nhau. Tôi còn nhắc anh gửi cho chùm thơ. Anh bảo: “Cậu đồng hương yên trí”.

Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp Nguyễn Mỹ. Mấy tháng sau, chúng tôi nghe tin anh ngã xuống ở Nước Ta, nơi anh đang sản xuất, vào ngày 16-5-1971.

Chùm thơ “Có màu” cũng bị bọn địch cướp theo cùng với chiếc gùi của anh.

THANH QUẾ

;
.
.
.
.
.