.

Vẻ đẹp tiềm ẩn

.

Dù câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới chưa “để mắt” đến vịnh Đà Nẵng, nhưng khi đặt chân đến bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen (phía Tây Sơn Trà), hòn Hành, hòn Chảo (phía Hải Vân), hay đứng trên đèo Hải Vân nhìn bao quát toàn cảnh vịnh, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của một nơi sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi...

Vẻ đẹp chưa khám phá hết

Một góc vịnh Đà Nẵng (phía bán đảo Sơn Trà) nhìn từ cửa biển Đà Nẵng.

Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, hình thành từ một nhánh của dãy Trường Sơn. Từ Đông Bắc Trường Sơn đâm thẳng ra biển, điểm chấm cuối cùng là hòn Chảo. Nhánh của dãy Trường Sơn này làm thành một vòng cung từ Đông Bắc chạy xuống Tây Nam, liên kết với dãy đất liền và bán đảo Sơn Trà, thành một hình vòng cung tạo thành vùng vịnh. Là một vùng kín gió, ít sóng, tạo nên 77 điểm neo đậu tàu thuyền an toàn. Vịnh còn có hai con sông đổ ra biển là sông Hàn và sông Cu Đê, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có.

Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa, gắn với truyền thuyết là nơi có cảnh vật tuyệt đẹp đã quyến rũ các nàng tiên trên trời xuống vui chơi, thưởng ngoạn. Các bãi biển quanh bán đảo với cát trắng phau, nước xanh ngắt là những điểm du lịch lý tưởng, là nơi cung cấp nước ngọt cũng như là điểm nghỉ chân cho ngư dân trước khi ra khơi.

Phía Tây Bắc bán đảo có các bãi biển đẹp như bãi Tiên Sa; bãi Đá Đen có nhiều gành đá kéo dài ra biển; bãi Bang, bãi Miếu nằm dưới chân núi Cổ Ngựa; bãi đá Sũng Am, bãi Bắc. Phía Đông Nam có bãi Nam là bãi tắm lý tưởng và an toàn cả 4 mùa; bãi Rạng có nhiều con suối lớn từ núi đổ xuống, bãi tắm sạch, như ở chốn bồng lai tiên cảnh; bãi Bụt nằm ở phía Tây Nam, trong cùng của hệ thống bãi biển thuộc phía đông nam của bán đảo Sơn Trà, không những có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo, địa thế thác ghềnh, núi non kỳ vĩ và có những câu chuyện dân gian thắm đượm màu sắc tâm linh nên người xưa gọi nơi đây là bãi Bụt.

Đối diện với Sơn Trà, hòn Chảo (hòn Sơn Trà con) là điểm cuối nếu tính từ cửa sông Cu Đê, dọc theo đèo Hải Vân, ngang qua hòn Hành, làng Vân đâm thẳng ra biển. Hòn Chảo có hình dạng giống như con nghêu, hay cái chảo úp ngược, xung quanh có nhiều rạng đá và là môi trường tốt cho các loài cá, tôm đến cư trú và cũng là nơi cho tàu thuyền neo đậu an toàn.

Ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, vịnh Đà Nẵng nhìn chung vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng của nó, mà theo ông Hồ Văn Ánh, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, lúc cầu Thuận Phước được đưa vào sử dụng, vịnh Đà Nẵng đã được tô điểm đẹp hơn, duyên dáng hơn. Và khi khu du lịch Làng Vân đưa vào khai thác, cộng với khu du lịch Xuân Thiều, khu đô thị Thuận Phước, thì cảnh quan của vịnh mới sống động. Với đặc điểm sóng trong vịnh là sóng ngang, thì việc khai thác các môn thể thao du lịch như thế nào cho phù hợp cũng cần được cân nhắc kỹ hơn, khi du lịch biển luôn gắn với thể thao trên biển hoặc là du lịch mạo hiểm leo núi khám phá bán đảo Sơn Trà...

Có thể nói vẻ đẹp của vịnh Đà Nẵng còn là vẻ đẹp tiềm ẩn, mà du khách thì không thể tự mình khám phá vì họ không có nhiều thông tin, nên điều tiên quyết của những người làm du lịch là tìm và chỉ ra vẻ đẹp đó cho du khách biết, biến vẻ đẹp tiềm ẩn (the hidden charm) thành vẻ đẹp mà khi khám phá người ta sẽ nhận thấy chiều sâu của nhiều tầng ý nghĩa.
 
Ông Đặng Hòa, một ngư dân-một doanh nhân chuyên kinh doanh khai thác tuyến du lịch đường sông cách đây gần 5 năm đã tự mình khám phá, tìm hiểu những bí ẩn ở các địa danh của núi, của sông và những điểm đến trong vịnh Đà Nẵng và viết thành một cuốn sách như một cẩm nang du lịch. Mục đích của ông khi viết sách là tìm cơ sở, dữ liệu bền vững nhất để giới thiệu vẻ đẹp tiềm ẩn của vịnh Đà Nẵng với du khách, và cũng là đúc kết những khám phá của ông về vùng đất quê hương.
 
Đọc cuốn Du lịch sông nước Đà Nẵng của ông Đặng Hòa, ta như “vỡ” ra nhiều điều khi nhận thấy những hòn, những bãi ở núi Hải Vân hay Sơn Trà, hai hòn núi đang giang tay ôm lấy biển để tạo nên vịnh Đà Nẵng có nhiều sự tích, truyền thuyết, nhiều sự kiện văn hóa-lịch sử mà vị thế chiến lược của vịnh đã ấn định ở vùng đất này.

Trong thế đối trọng với các vịnh biển ở Việt Nam

Việt Nam có 3 vịnh biển nằm trong danh sách câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thể giới gồm vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và gần đây nhất là vịnh Lăng Cô. Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ giữa các trũng biển, là vùng đất mặn có sú vẹt mọc và những đảo đá vôi vách đứng tạo nên những vẻ đẹp tương phản, kết hợp hài hòa, sinh động các yếu tố: đá, nước và bầu trời.

Các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Đó là một thế giới sinh linh ẩn hiện trong những hình hài bằng đá đã được huyền thoại hóa.

Vịnh Nha Trang bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo nều nằm trong vịnh và tạo nên thế mạnh du lịch rất lớn cho tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Nha Trang được đánh giá là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ...

Với bãi cát trắng dài tới hơn 10km, làn nước biển trong xanh, vịnh Lăng Cô hội đủ các điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, lặn biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao, leo núi, sân golf, thám hiểm rừng nhiệt đới... Bên cạnh vịnh là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn đầy huyền bí.

Trong thế đối trọng với các vịnh biển trong khu vực và cả nước, vịnh Đà Nẵng nhìn chung vẫn chưa được khám phá hết tiềm năng, lợi thế, về tất cả các điều kiện phát triển như du lịch, khai thác cảng biển. Thành phố vẫn đang tiếp tục mời gọi đầu tư, biến vịnh Đà Nẵng thành một hòn ngọc quý. Tuy nhiên, cũng như nhiều vịnh biển ở Việt Nam, vịnh Đà Nẵng đang lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường. Khai thác vẻ đẹp của vịnh nhưng không tận diệt nó sẽ là vấn đề đang quan tâm trong quá trình đầu tư, làm đẹp và làm giàu từ vịnh Đà Nẵng.

HOÀNG NHUNG

 

;
.
.
.
.
.