.
“Sáu Hưng, năm tháng cuộc đời”:

Ký ức về lòng dân và đồng đội

.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu 5, Đặc khu ủy Quảng Đà được phân công phụ trách Đà Nẵng hoặc về đứng chân hoạt động, chỉ đạo phong trào đô thị ngay trên mảnh đất là căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy.

 

Để hoạt động và tồn tại giữa thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Duy Hưng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã hóa thân thành người thầy, người thợ, phu phen... để len lỏi trong mọi ngóc ngách của Đà Nẵng trong sự bao bọc, chở che của những người dân nghèo hay các nhà tư sản dân tộc yêu nước để xây dựng các căn cứ bàn đạp, xây dựng các chi bộ Đảng lồng trong các tổ chức, nghiệp đoàn của địch tại Đà Nẵng.

Khi phong trào cách mạng không thuận lợi, ông Sáu Hưng và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà đã tìm cách nắm lấy các nghiệp đoàn, các tổ chức quần chúng nhằm thông qua đó mà hoạt động và gầy dựng phong trào. Với nhiều hoạt động đa dạng, luôn biến hóa với mọi tình hình, ông đã xây dựng được “trận địa lòng dân” tại các căn cứ lõm như: K20, Trung Lương, Lỗ Sài... Khi sa vào tay giặc, ông đã thể hiện rõ khí tiết của người cộng sản, cùng đồng đội đấu tranh chống chế độ lao tù, rồi tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tập sách “Sáu Hưng, năm tháng cuộc đời” được thể hiện dưới dạng hồi ký. Ông Sáu Hưng dường như đã dành tất cả tâm huyết của mình để nói về những đồng chí, đồng đội và cơ sở cách mạng từng cùng ông hoạt động trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Các bài viết trong tập sách đã khắc họa chân dung ông Sáu Hưng trong một cái nhìn đa diện, tạo cho người đọc cảm nhận được không chỉ cuộc đời một con người cụ thể mà qua đó còn chuyển tải nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn đến với độc giả.

Đọc tập sách này, chúng ta có thể thấy cái cách xây dựng tổ chức Đảng và chỉ đạo các cơ sở tại các địa bàn giáp ranh cũng như nội thị Đà Nẵng của ông Sáu Hưng là rất hiệu quả; ông đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng, qua đó góp phần phát động nhân dân tham gia tích cực vào các sự kiện lớn tại Đà Nẵng như: đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, các sự kiện “làm chủ 9 ngày”, “76 ngày đêm”, Mậu Thân - 1968, Xuân 1975...

“Sáu Hưng, năm tháng cuộc đời”, không chỉ là một niềm tự hào của riêng ông Nguyễn Duy Hưng mà còn là tất cả chúng ta – những người yêu thương và dám hy sinh gian khổ vì thành phố này trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây cũng là niềm vui của những người là bạn bè, đồng chí và gia đình của đồng chí Nguyễn Duy Hưng.

Năm nay, ông Sáu Hưng đã 90 năm tuổi đời, trên 60 năm tuổi Đảng, đã sống một đời trong gian lao khổ cực, bền bỉ chiến đấu chống kẻ thù, một lòng một dạ kiên trung theo Đảng; hết lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ông Sáu Hưng và những đồng chí cùng thời với ông, đã cho thấy cái tinh thần “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” rất đáng học hỏi của các thế hệ trước.

Vì những lẽ đó, theo tôi, tập sách “Sáu Hưng, năm tháng cuộc đời” rất đáng để đọc và rất cần đọc đối với những ai vì sự nghiệp cách mạng hiện nay.

NGUYỄN BÁ THANH (*)

-----------

(*) Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

;
.
.
.
.
.