.

Trước những “đặc ân” của trời

.

Có ý kiến cho rằng, nếu không có Vịnh Đà Nẵng thì sẽ không có một Đà Nẵng phát triển như bây giờ. Và thành phố sẽ phát triển hơn nữa, nếu biết khai thác một cách khoa học tiềm năng về cảnh biển, núi, sông mà mảnh đất này may mắn có được.

Hướng về những tiềm năng

Con đường lên trạm phát sóng DTR đang được khẩn trương hoàn thành để tạo sự liên hoàn về giao thông vòng quanh bán đảo. (Ảnh chụp chiều 11-12-2009)

Sự khác biệt của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế-xã hội luôn gắn liền với phát triển du lịch. Khó có nơi nào như Đà Nẵng, ở đâu có biển là ở đó có thể làm bãi tắm cho du khách. Dưới chân đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng mang đến cho thành phố nhiều bãi biển đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình... và hàng loạt các bãi tắm thơ mộng nằm quanh bán đảo Sơn Trà như Tiên Sa, Bãi Bụt, Bãi Xếp, Bãi Nam, Bãi Bắc... nối tiếp nhau. Ông Yoshioka Tatssuya, Giám đốc tàu Hòa Bình (Peace Boat) trong một lần ghé thăm Đà Nẵng đã tâm sự, lần nào đặt chân đến Đà Nẵng, ông cũng ngỡ ngàng trước vẻ tươi đẹp, sự yên bình và lòng mến khách của người dân nơi đây.

Đà Nẵng đang sở hữu những bãi biển đẹp, quyến rũ bậc nhất thế giới. Nếu có sự đầu tư khai thác một cách chuyên nghiệp, Đà Nẵng sẽ trở thành thiên đường du lịch không chỉ ở châu Á mà còn mang đẳng cấp thế giới.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố trong thời gian qua đã gián tiếp phục vụ cho sự phát triển du lịch hiện nay. Từ con đường Nguyễn Tất Thành khang trang, đến cầu Thuận Phước đẹp vững chãi nằm ngay cửa biển dẫn con đường đến cảng Tiên Sa rộng thênh thang. Từ đây, xe ô-tô có thể chạy vòng quanh bán đảo, dưới chân núi là những khu resort cao cấp đang trong giai đoạn hoàn thành…
 
Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà (BĐST) và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, mùa hè năm này, trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 300 khách đi theo tour khám phá BĐST, đó là chưa kể đến khách đi tự do. Có được kết quả này, ngoài khai thác những vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có, Ban Quản lý đã kết hợp với Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cùng một số công ty du lịch tiến hành nhiều cuộc khảo sát, thiết kế tour và xây dựng nhiều điểm đến để đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá của du khách.

Cách trung tâm Đà Nẵng chỉ vài cây số, khách du lịch đến Đà Nẵng đã có thể đặt chân lên thảm cỏ xanh mượt, ngắm cảnh núi, sông, nghe sóng vỗ rì rào qua những vách núi, hay ngồi trên ô-tô vẫn có thể nhìn thấy vài chú khỉ chạy băng qua đường hay ngồi vắt vẻo trên ngọn cây. Ông Huỳnh Đức Trung, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, Vịnh Đà Nẵng đã tạo ra một quần thể du lịch sinh thái (DLST) nằm ngay bên cạnh thành phố.

Trước những thế mạnh ít nơi nào có được, Đà Nẵng còn rất nhiều “khoảng trống” để phát triển những dịch vụ như du lịch dã ngoại, du lịch tín ngưỡng, các khu biệt thự sườn núi, trung tâm ẩm thực biển, CLB du thuyền, nhà trưng bày sinh vật biển, vườn thú, du lịch lặn biển và du lịch mạo hiểm... Kết hợp với các tỉnh bạn như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam trong những mùa lễ hội, song song với công tác quảng bá du lịch Đà Nẵng một cách thường xuyên và tích cực.

Dồn sức phát triển kinh tế du lịch biển

Anh Phan Minh Hải (bên phải) trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch BĐST để hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch trong tương lai.

.

Nằm trên vành đai Vịnh Đà Nẵng, BĐST trở thành điểm nhấn du lịch, là “vùng đất hứa” cho sự phát triển kinh tế biển của thành phố trong thời gian tới. Thảm rừng nguyên sinh ở BĐST phong phú với nhiều loài cây như trâm, chò, dầu rái, dầu lông, dẻ, bình linh, sổ, sộp, sung, si… và các loại thú rừng như sóc, chồn, nhím, heo rừng, mang, kỳ nhông, kỳ đà, tắc kè.

Đường ra bãi Bắc đang được đầu tư xây dựng, trong tương lai sẽ trở thành con đường vòng quanh bán đảo. Hiện có 6 dự án du lịch đã được triển khai, với tham vọng hình thành các khu DLST, nghỉ dưỡng cao cấp cùng các dịch vụ giải trí thể thao biển. Song song với việc đầu tư xây dựng các khu DLST núi - biển, thành phố đang quy hoạch khai thác các cụm biệt thự du lịch như khu biệt thự Suối Đá, khu biệt thự Hồ Xanh.

Cũng theo ông Phan Minh Hải, tổ chức không gian đô thị du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn khách du lịch, tài nguyên du lịch, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và trình độ quản lý, mối quan hệ vùng, cơ chế - chính sách. Cùng việc tổ chức các loại hình dịch vụ ven biển, chúng ta cần phủ xanh diện tích vỉa hè trên các tuyến đường du lịch ven biển và các khu chức năng công trình.

Trồng các loại cây phù hợp môi trường biển như dương liễu, dừa, tra; từng bước xã hội hóa công tác trồng và chăm sóc cây xanh, trồng cây có chọn lọc, có dáng và kích thước chuẩn theo quy định. Việc chăm sóc, tỉa cành cần chú trọng kỹ hơn nhằm tạo cảnh quan kết hợp lối đi dạo để du khách có thể tản bộ ngắm cảnh.

Bên cạnh BĐST, Cảng Đà Nẵng là một “đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Đây là một cảng nước sâu tự nhiên, có thể tiếp nhận đồng thời nhiều loại tàu có tải trọng lớn một cách an toàn trong mọi thời tiết.

Khách nước ngoài đang… ngồi đánh cờ với Tiên Ông trên Đỉnh bàn cờ BĐST ở độ cao 696m so với mực nước biển.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, với lợi thế diện tích 12km2, độ sâu trung bình từ 10 đến 17m, tàu biển có thể trực tiếp vào cảng mà không qua luồng, lạch, không bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Sản lượng có thể đảm nhận được từ 5-6 triệu tấn/năm… Đây là một thuận lợi và cũng là lợi thế so sánh đáng kể giữa Vịnh Đà Nẵng với các vịnh khác như Hải Phòng, Sài Gòn.

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng Cảng Đà Nẵng chưa thật sự hiệu quả, khi nền kinh tế hàng hóa ở Đà Nẵng chưa phát triển nên tàu thuyền rất dè dặt khi đến Đà Nẵng do chỉ vận chuyển một chiều trên biển, chịu chi phí cao. Hiện nay, trung bình mỗi năm Cảng Đà Nẵng chỉ tiếp nhận khoảng 3,1 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng.

Ngoài ra, để dồn sức vào phát triển du lịch trong thời gian qua, Cảng Đà Nẵng còn kiêm cả nhiệm vụ đón, trả khách. Thế nhưng con số khách du lịch quốc tế đi bằng tàu biển đến Đà Nẵng chưa nhiều, mỗi năm trung bình Cảng Đà Nẵng chỉ đón khoảng 50 chuyến tàu du lịch nên khó thu hồi được vốn và kinh phí hoạt động.

Với thế mạnh về tiềm năng du lịch, người dân sẽ có điều kiện phát triển loại hình dịch vụ, là một lĩnh vực kinh doanh không tốn nhiều vốn đầu tư, công sức nhưng lại mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ từ khách sạn, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, quà lưu niệm…

Thế mạnh này, không phải nơi nào cũng có được.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.