Vịnh Đà Nẵng, còn có tên dân gian là Vũng Thùng, vốn có tiền đề tự nhiên thuận lợi để sớm khẳng định vị thế chiến lược quan trọng trong lĩnh vực kinh tế thương mại và quân sự của miền Trung, quốc gia và quốc tế. Đây là một vũng biển nước sâu, rất đẹp và kín gió, án ngữ trước cửa sông Hàn, lại nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông.
|
Vùng vịnh Đà Nẵng nằm gọn trong lòng bờ biển hình cánh cung dài chừng 30 km, trải từ chân sườn núi Hải Vân ở phía bắc tới bán đảo Sơn Trà ở phía đông-bắc như hai cánh tay ôm lấy, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng lớn và là nơi neo đậu tránh gió cho tàu thuyền vào mùa mưa bão.
Trong những thế kỷ XVI-XVII, khách thương từ khắp nơi đã biết đến vùng biển Đà Nẵng, đặc biệt là từ năm 1633 người Bồ Đào Nha do Abraham Duijker đại diện đã được chúa Nguyễn cho phép lập thương điếm buôn bán ở đây. Vịnh Đà Nẵng trở thành nơi tàu thuyền nước ngoài có trọng tải lớn tụ hội thường xuyên, là “tiền cảng”, “âu thuyền” trên biển trong hải trình đến Hội An.
Giữa thế kỷ XVIII, đoàn thương thuyền Pháp của Pierre Poivre từng giong buồm đến vịnh Đà Nẵng để thăm dò khả năng buôn bán với xứ Đàng Trong, và sau khi đặt chân lên đất liền năm 1749 để thương thảo cùng quan chức đại diện của chúa Nguyễn giữ cửa biển, thương nhân này đã có dự kiến lập một kho chứa hàng ở Đà Nẵng để thực hiện các thương vụ lớn và lâu dài.
Đoàn thương thuyền của Pierre Poivre gặp đại diện của chúa Nguyễn bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1749. (Nguồn: Charles Fouqueray) |
. |
Nhận xét về giá trị của vịnh Đà Nẵng, một nhân viên trong sứ đoàn của nước Anh do Macartney (1737-1806) dẫn đầu trên đường đi Trung Quốc thực hiện giao thương giữa hai nước khi ghé Đà Nẵng năm 1793 đã mô tả vịnh Đà Nẵng rằng: "Người ta có thể cho thuyền chạy khắp bờ biển mà không gặp tai nạn. Đáy biển sâu đều đặn từ 17 đến 20 sải. Vịnh Đà Nẵng xứng đáng mang danh là cảng lớn và vững chắc nhất (mà sứ đoàn) đã trông thấy. Nó rất sâu, nên khi cần thiết phải di chuyển, các tàu bè vẫn yên ổn dù gió to bão lớn. Đáy biển đầy bùn nên thuyền bỏ neo rất bám". Một hòn đảo trong vịnh còn được mô tả là có mực nước rất sâu, có thể biến thành nơi đón tiếp tàu thuyền vào sửa chữa([2]).
Với nhận thức nói trên, trong thế kỷ XVIII vịnh Đà Nẵng được nhiều thương đoàn Nhật Bản, Trung Quốc, các nước phương Tây và thương nhân bản địa đến neo đậu, dừng chân, tu sửa tàu thuyền, thiết lập kho đụn chứa hàng hóa để mua bán ngay tại Đà Nẵng và đưa vào Hội An trao đổi.
Dưới triều Nguyễn ở thế kỷ XIX, vịnh Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế của kinh đô Huế, nên từ năm 1802 “Cửa tấn” Đà Nẵng được thiết lập, bên phải cửa biển có “Thủ sở” lo việc phòng giữ([3]). Các công trình quân sự bảo vệ vũng biển Đà Nẵng liên tiếp được nhà Nguyễn xây dựng, như thành Điện Hải bên tả cửa sông Hàn và pháo đài Định Hải ở chân núi Hải Vân (1813), thành An Hải ở bên hữu cửa sông Hàn (1830), pháo đài Phòng Hải ở bán đảo Mỏ Diều (1840), Trấn Dương thất bảo ở ven biển (1847), Đại đồn ở xã Nghi Xuân (1858), Nha Hải phòng ở xã Nam Dương (1874)…
Trong quan hệ quốc tế, triều Nguyễn quy định Đà Nẵng là cửa biển đảm nhận công việc ngoại giao và ngoại thương của quốc gia, nên vịnh Đà Nẵng thường xuyên có tàu thuyền nước ngoài đến đậu. Chẳng hạn, thuyền người Anh đến Đà Nẵng vào các năm 1803, 1804, 1807, 1822, 1838, 1845; thuyền Pháp đến vào các năm 1818, 1819, 1822, 1826, 1833; thuyền Hoa Kỳ đến vào những năm 1832, 1833, 1836; thuyền Trung Quốc đến vào các năm 1805, 1817, 1850; cả thuyền Bồ Đào Nha cũng đến vịnh Đà Nẵng.
Đặc biệt, thuyền của triều đình Huế đã nhiều lần từ vịnh Đà Nẵng đi Lữ Tống, Nam Dương, Tân Gia Ba, Hồng Kông… để mua bán. Bên cạnh đó, ghe thuyền từ vịnh Đà Nẵng thường xuyên chở hàng ra Huế và các tỉnh lân cận.
Dưới góc nhìn quân sự, vịnh Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng trong mưu đồ xâm lược của nước ngoài, vì thế nhiều lần lực lượng hải quân Pháp kéo đến gây sự. Điển hình là vào ngày 15-4-1847, lực lượng hải quân Pháp gồm chiến hạm Gloire trang bị 54 đại bác do Augustin de Lapierre chỉ huy, cùng chiến hạm Victorieuse trang bị 24 đại bác do trung tá Charles Rigault de Genouilly làm thuyền trưởng, lấy cớ triều đình cấm đạo đã nổ súng tấn công 6 thuyền chiến đậu trên vịnh và các đồn lũy phòng vệ bờ biển của triều Nguyễn ở Đà Nẵng. Kết quả là quân Pháp đã đánh đắm nhiều thuyền chiến của Việt Nam trước khi bỏ đi([4]).
Hải quân Pháp nổ súng tấn công lực lượng hải phòng triều Nguyễn trên vịnh Đà Nẵng ngày 15-4-1847. (Nguồn: Ảnh tư liệu) |
Những lần gây hấn kể trên tại vịnh Đà Nẵng của lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông đã báo hiệu cuộc viễn chinh xâm lược chính thức của phương Tây sắp sửa bắt đầu .
Vịnh Đà Nẵng có diện tích rộng 116km2, chu vi 46km. Chiều dọc vịnh theo hướng Bắc - Nam dài 16km, chiều ngang theo hướng Đông Tây dài 10km. Phía Bắc vịnh thông ra cửa biển, phía Nam là trung tâm thành phố Đà Nẵng, phía Đông là bán đảo Sơn Trà, phía Tây là núi Hải Vân. Độ sâu trung bình 10 - 15m, địa hình đáy vịnh trũng dần và không đều từ bờ ra giữa vịnh. Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại Cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung.
Có thể nói rằng Đà Nẵng sẽ không là gì cả nếu không có con sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Thật vậy, nếu vịnh Rio de Janeiro đã tạo nên thành phố cùng tên nổi tiếng của Brasil, vịnh Sydney đã tạo nên thành phố lừng danh Sydney của Úc, thì vịnh Đà Nẵng là yếu tố địa lợi cơ bản giúp cho sự hình thành Đà Nẵng... Chính nhờ vị trí địa dư thuận lợi như thế, nên Đà Nẵng dễ trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà hàng hải và thương mãi ngay từ phút đầu của buổi gặp gỡ.
Kỹ sư Hải dương học LÊ CẢNH HƯNG, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố Đà Nẵng:
Từ khi có tên là Tourane, Đà Nẵng đã mang dáng dấp một thành phố Tây phương được xây dựng với hạ tầng kỹ thuật khá chuẩn so với thời bấy giờ là một trung tâm thương mại cảng biển quan trọng nằm giữa 2 trung tâm kinh tế thương mại Hải Phòng – Sài Gòn”. V.P.Q
Cao học Sử học VÕ VĂN DẬT, tác giả “Lịch sử Đà Nẵng (1306- 1975) ” (NXB Nam Việt, San Jose, CA, 2007, tr.16):
Ngược lại lịch sử của thành phố biển Đà Nẵng ta thấy, trước thế kỷ XIII Đà Nẵng là một làng chài nhỏ ven cửa sông Hàn. Từ năm 1306, vùng biển vùng đất này trở thành tiền đồn của Đại Việt và từ đó bắt đầu thời kỳ phát triển mới của Đà Nẵng cho đến bây giờ.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
(1) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 238.
(2) Van Imbert, "Le séjour en Indochine de L"Ambassadé de Lord Macartney (1793)", Revue Indochinoise, N0V-VI, 1924, p. 385-395; N0VII-VIII, 1924, p. 45-69.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Q.5, Tỉnh Quảng Nam, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nxb.Văn hoá Tùng thư, Sài Gòn, 1974, tr. 62-63.
(4) Alfred Thomazi, Histoire militaire de l"Indochine français, Hanoi, 1931, p. 24.
(5) Nguyễn Khắc Ngữ, “Những lý do khiến Pháp can thiệp vào Việt Nam”, Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ, Nxb. Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr. 46-47.
(Mời bạn đọc xem tiếp kỳ cuối Những ký ức thời chiến tranh trên ĐNCT số ra ngày 27-12).