.

Vịnh Hàn tạo nên một Đà Nẵng đặc thù

.

1-Cho đến khi lứa tuổi chúng tôi nghe được hai câu: Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây đã lại Vũng Thùng hôm qua thì Đà Nẵng đã là một đô thị lớn thứ hai ở miền Nam (sau Sài Gòn) rồi. Sau này đọc sách lại biết thêm các tên gọi Đồng Long Loan (Lê Thánh Tôn), Hàn môn (bản đồ Hồng Đức), Cuahan (Alexandre Rhodes), Touron, Tourane (Anh, Pháp) hay Hiện Cảng (Trung Hoa) hay Thái Phiên, Đà Nẵng...

Nhưng lịch sử đã cho thấy dù được gọi bằng tên gì đi nữa thì chắc chắn rằng chính cái nơi cửa sông Hàn đổ ra biển này đã tạo nên một cửa biển vừa có phong cảnh hữu tình, vừa thuận lợi cho giao thông liên lục địa từ khá sớm. Và chính cái Vịnh ấy đã tạo ra một thành phố mà ngày nay là đô thị thịnh vượng với gần 1 triệu dân trên bờ biển Đông.

Chính sự thuận lợi của Cửa Hàn đã biến Đà Nẵng trở thành một tiền cảng, góp phần “giải cứu” cho nền thương mại quốc tế của cảng thị Hội An tiếp tục phát triển khi cửa sông Thu Bồn bị lấp cạn thời nhà Nguyễn. Rồi với địa thế ưu việt của nó đã được nêu lên trong các trang viết của các nhà truyền giáo phương Tây, đã gợi ý cho những cường quốc hàng hải lúc bấy giờ là Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan đưa các thương nhân đến mở hiệu buôn, kho hàng và lập nghiệp.

Những chuyến tàu đầu tiên của các nước Pháp, Mỹ, Nhật cũng lấy cửa Hàn làm nơi cập bến để liên lạc và đề nghị giao hảo với triều đình phong kiến Việt Nam, trước khi có những cuộc đổ quân rầm rộ xâm lấn nước ta trong liên tiếp hai thế kỷ 19 và 20.

Khi trở thành nhượng địa của thực dân Pháp vào năm 1888, Đà Nẵng từng bước trở thành một đô thị đóng vai trò trung tâm quan trọng về nhiều mặt cho vùng duyên hải miền Trung và thậm chí cả với các tỉnh phía Lào, Thái Lan. Sau hiệp định Geneve, ngoài việc lấy sự thuận lợi của vịnh Đà Nẵng làm nơi đổ quân vào Việt Nam, thương cảng Tiên Sa, sông Hàn cũng đóng vai trò quyết định để người Mỹ chọn Đà Nẵng xây dựng nên căn cứ quân sự hỗn hợp nhằm theo đuổi mục đích của họ.

Đà Nẵng trở thành một mặt trận hàng đầu trong cuộc kháng chiến trường kỳ của cách mạng Việt Nam từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946 đến năm 1975. Từ thành Thái Phiên đến mặt trận Quảng Đà, vịnh Đà Nẵng đã không biết bao nhiêu lần dậy sóng với những cuộc tiến công và nổi dậy mãnh liệt, liên tục. Nhà văn Phan Tứ, năm 1975 khi về lại thành phố quê hương, nhìn “những đoàn tàu của ta” nườm nượp trên sống Hàn đã thốt lên một câu xúc động “... Tôi vẫn đủ sức nhìn về tương lai và thêm sẽ vào rất nhiều động từ...”; và “Tàu của ta, tàu của ta... thành phố bên biển sáng...” (Phan Tứ, Chiều nay bên sông Hàn, Văn nghệ QN-ĐN số 2, 1977).

Phải là một Đà Nẵng với những trang sử cồn cào như biển đó mới có thể gợi lên những câu văn hay như vậy!

2- “Thành phố bên biển sáng” lại là thành phố ở điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây nối lên Lào, Thái và Myanmar bên phía Ấn Độ Dương dài hơn 1.500 cây số và khiến nó trở thành một đối thủ cạnh tranh của thủ đô Bangkok trong tương lai gần, như lo lắng của các nhà kinh tế xứ chùa Vàng gần đây. Hàng chục triệu người dân ở Đông Bắc Thái Lan, Trung hạ Lào chưa hề biết biển, nay đã có thể đến Vịnh Hàn nằm phơi nắng hè và thưởng thức hải sản trước khi trở về nhà dùng bữa tối (nếu cho phép chạy ô-tô với tốc độ 80-100 km giờ)!

Vịnh Đà Nẵng trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm, nhưng nó luôn tích chứa một khát vọng cho đến đầu thế kỷ 21 đã trải qua những biến động.

Christopher W. Runckel, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở nhiều nước châu Á. Ông cũng từng sống và làm việc tại Thái Lan hơn 6 năm và là nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên được chỉ định thường xuyên trở lại Việt Nam sau chiến tranh. Khi đến thăm đặc khu kinh tế SENO ở Savannakhet hai năm trước, Runkel đã nhìn thấy một ưu thế của nó là gắn liền với “yếu tố cảng Đà Nẵng” vì “nằm ngay trên con đường 9 của Hành lang kinh tế Đông Tây chạy về phía cảng nước sâu Đà Nẵng, Việt Nam ở phía Đông”,... “vì vậy nó hội tụ ba yếu tố quan trọng trong kinh doanh bất động sản là “vị trí, vị trí và vị trí!” (Ch. W. Runkel, Bút ký Savannakhet).

Tôi dẫn lại bài viết của Runkel là để nói đến một giá trị về địa-kinh tế của Đà Nẵng: vai trò giao lưu quốc tế của nó dường như một sứ mệnh của lịch sử giao cho. Giao lưu không chỉ bằng thương mại mà bằng cả những trao đổi văn hóa của các dân tộc để hợp tác phát triển phồn thịnh, lâu dài. Tân Đại sứ Thái Lan, ông Pinasu Chanvitan, vừa mới nhậm chức cũng đã đến thăm Đà Nẵng và đánh giá cao vai trò cửa ngõ thông thương ra thế giới mà Đà Nẵng đảm nhiệm như một sứ mệnh trên Hành lang kinh tế Đông Tây.

Cho nên, cần nhấn mạnh, bên cạnh những vấn đề về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử đặc thù của mình, thành phố bên Vũng Thùng giờ đây cần lưu ý đến một vai trò khác cũng không kém phần quan trọng: tạo ra cho được một môi trường giao lưu văn hóa đa dạng trong kỷ nguyên mới. Mà điều đó lại rất cần những tính toán mang tính liên lập và cỡi mở chưa từng có.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.