.

Xã hội hóa du lịch biển: Vẫn còn những khoảng trống

.

Du lịch (DL) nói chung, DL biển nói riêng, không đơn thuần chỉ một cơ quan, đơn vị nào làm mà thành công được. Với Đà Nẵng, tài nguyên DL biển không thiếu, cái còn thua kém trong cạnh tranh so với các địa phương khác là sự nhịp nhàng, độ tương thích của tất cả những người tham gia vào guồng máy của “ngành công nghiệp không khói”.

Dự án xốc lại DL biển

Đà Nẵng giàu tài nguyên biển nhưng chưa khai thác đúng mức.  

Cuối năm 2009, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thành phố Đà Nẵng, với quyết tâm đổi mới bộ mặt DL biển tại địa phương trong năm mới 2010, đã xây dựng Đề án Quản lý và Khai thác bãi biển DL Đà Nẵng. Tuy ngân sách lên đến trên 4,55 tỷ đồng, nhưng xem ra vẫn chưa đủ, đề án còn kêu gọi xã hội hóa: “Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển DL Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận động tài trợ quảng cáo để đầu tư các hạng mục: Cải tạo trạm quan sát cứu hộ; Đầu tư hệ thống biển báo trên bãi biển; Phát triển hệ thống dù màu trên bãi biển”.

Vậy là, sau một thời gian bàn cãi, các “nhà” đã quyết định thay dù lá bằng dù màu ở bãi biển (thông qua xã hội hóa) như là một trong những nét mới của DL Đà Nẵng. Dù lá được cái là thích hợp với khung cảnh chung của nắng, gió, cát vùng bãi biển nói chung, nhưng với biển Đà Nẵng thì mùa đông sẽ bị gió lật úp lên lề đường, di chuyển quá nặng. Hình thành các khu vực dù màu khác nhau sẽ giúp khách dễ dàng định vị nơi mình đang ở. Thêm nữa, dù màu sẽ làm bãi biển sinh động, trẻ trung hơn so với dù lá đơn điệu một gam màu từ đầu đến cuối bãi. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là nên “xóa sổ” tất tần tật dù lá. Sự tồn tại của một số dù thiên nhiên trong một rừng dù công nghiệp sẽ càng làm cho bãi biển thơ mộng và nhiều sắc thái hơn.

Công viên biển Phạm Văn Đồng, theo đề án, sẽ là khu hoạt động cộng đồng với sự tham gia của các lực lượng xã hội. Đây là nơi thích hợp để tổ chức các sự kiện văn hóa như tạo hình trên cát, thả diều nghệ thuật... Khách theo đoàn có thể tổ chức các điểm sinh hoạt ngoài trời, tư nhân làm dịch vụ viết thư pháp, vẽ chân dung, chế tác và bán các hàng lưu niệm đặc trưng của biển làm từ vỏ sò, vỏ ốc... Để các hoạt động có thể diễn ra thường xuyên tại đây, BQL đã lên kế hoạch liên kết với các đơn vị lữ hành, các đơn vị tổ chức sự kiện. Thành Đoàn Đà Nẵng và Quận Đoàn Sơn Trà sẽ là hai nhà dẫn dắt chính để sân khấu ngoài trời (phía nam công viên Phạm Văn Đồng) sôi nổi chương trình văn nghệ cuối tuần thu hút khách và người dân đến vui chơi giải trí.

Bãi biển Sao Biển và bãi biển Phạm Văn Đồng (từ bãi tắm số 1 đến bãi tắm số 3), theo đề án, sẽ được sắp xếp, quy hoạch và giao từng lô cho tư nhân quản lý, khai thác thông qua hình thức đấu thầu. Mọi sự thay đổi về hình thức sẽ diễn ra nhanh chóng, nhưng thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của đại bộ phận các tầng lớp người dân tham gia làm DL biển không dễ một sớm một chiều. Những phản hồi không mấy tốt đẹp của khách trong thời gian qua là một trong những lý do để ngành VHTTDL thành phố tổ chức lớp bồi dưỡng văn hóa DL cho gần 100 người vào cuối năm 2009, trong đó gần 80 người là chủ hộ kinh doanh.

Hãy lấp đầy những cái còn trống

Nhân bàn chuyện văn hóa DL, ông Đặng Hòa, thuyền trưởng tàu Hàn Giang, người được xem là tiên phong trong dịch vụ DL đường thủy ở Đà Nẵng, góp lời: Văn hóa là cái làm cho khách quay lại và giới thiệu thêm bè bạn.

Lần đầu tiên kết hợp với Danatour tổ chức các chuyến DL quanh bán đảo Sơn Trà 10 năm trước, ông nhận ra một điều là, nếu giới thiệu về văn hóa – lịch sử từng điểm đến thì khách sẽ cảm thấy thích thú hơn là chỉ đơn thuần nhìn trời mây non nước. Tìm không ra hướng dẫn viên chuyên sâu nội dung này, ông tự mày mò đi tìm sách vở, tài liệu về các địa danh như Hòn Chảo (hòn Sơn Trà con), bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Bang, bãi Bắc, bãi Bụt, mũi Nghê... rồi tập hợp đưa vào sổ tay “DL sông nước Đà Nẵng”, được Sở DL Đà Nẵng phát hành tháng 6-2005 như một “cẩm nang” cho hướng dẫn viên DL.

Nhắc lại chuyện ông Hòa để thấy rằng, ngay cả cơ quan chuyên ngành của Nhà nước hiện vẫn có những “lỗ hổng” cần phải lấp đầy. Về DL biển, Đà Nẵng đã xây dựng được ba tour chính: Lặn biển ngắm san hô, Vòng quanh bán đảo, Câu cá cùng ngư dân. Tuy nhiên, điều mà các nhà lữ hành cảm thấy chưa “sướng”, như ông Lê Công Định, Trưởng phòng Thể thao – Giải trí của Green Plaza Hotel, lo ngại: “Mở nhiều điểm đến quanh bán đảo Sơn Trà là quá tốt, nhưng khi chúng tôi đưa khách đến tham quan, vui chơi thì có cảm giác như còn thiếu sự quan tâm của Nhà nước về mặt bảo đảm an ninh”.

Khi nghề đánh bắt xa bờ thoái trào, không ít người mong muốn chuyển qua làm DL, nhưng không biết làm cách nào. Bà Dương Thị Thơ, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ DL Sở VHTTDL thành phố kể, có lần bà đi dọc đường Trần Hưng Đạo, thấy có tàu ghi “Tàu DL, xin liên hệ số điện thoại…”. Hỏi chuyện, mới hay đó là tàu đánh bắt xa bờ, họ làm một cầu tàu bằng tre (!), thỉnh thoảng cũng có người đến thuê từng chuyến ra biển câu cá.

Tháng 7-2009, thực hiện chủ trương của UBND thành phố, Sở Kế hoạch-Đầu tư tổ chức cuộc gặp mặt 12 doanh nhân có dịch vụ DL đường thủy ở Đà Nẵng để hỗ trợ họ vay vốn đóng tàu hoặc mua tàu xa bờ chuyển qua làm DL. Qua đó, ông Đặng Hòa có đến Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thì “họ nói chỉ cho vay trong thời hạn 2 năm, lãi suất đến 8%/năm, nhưng lại tỏ ý không muốn cho vay khi phát biểu: nghề này ít hiệu quả (!)”.

Phát triển DL cần tổng lực từ hệ thống chính trị đến người dân, một hai người không làm được. Thiết nghĩ, chỉ chủ trương, chiến lược định hướng phát triển lâu dài thôi chưa đủ, mà cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư rõ ràng để các lực lượng xã hội yên tâm tham gia bền vững vào sự nghiệp phát triển DL của thành phố.

VĂN THÀNH LÊ


;
.
.
.
.
.