.
Tưởng niệm một năm ngày mất thi sĩ Phạm Phú Hải (6-5-2009 – 6-5-2010)

Con đường lặng lẽ và độc hành

.

Không hiểu sao mỗi khi lần giở thơ Phạm Phú Hải ra đọc, tâm thế tôi lại thường rơi vào cái trạng huống ám ảnh bởi sự huyền nhiệm. Huyền nhiệm về thi sĩ, huyền nhiệm về thế giới, huyền nhiệm về tình yêu. Tôi cuồng tín chăng, hay là bị mê hoặc bởi những tiếp xúc, gặp gỡ Phạm Phú Hải (lúc nhà thơ còn sinh thời).

Cũng như Bùi Giáng thi sĩ “Thân con như thể thân rơi. Một đêm mưa trút xuống đời cuồng điên”, cố nhiên Phạm Phú Hải không như Bùi thi sĩ tuổi tên đã sáng chói trên văn đàn trong và ngoài nước. Nhưng, kể từ cái “đêm” định mệnh Mưa trút xuống đời cuồng điên ấy, những thi sĩ kiểu như Bùi Giáng, Nguyễn Hữu Ngư, Nguyễn Đức Sơn, Trần Đới... mỗi người một cốt cách, họ làm “mưa gió” trên cuộc đời này theo kiểu cách “cuồng điên” riêng của từng thi sĩ. Có kẻ tới tấp suồng sã, có kẻ tỉ tê âm ỉ, có kẻ ầm ào như bưng thùng mà trút, lại có kẻ mưa thúi trời thúi đất kiểu như mưa Huế, để từ đó mà sinh thành những huyền thoại!

“Một đêm mưa trút xuống đời cuồng điên”. Mưa Bùi Giáng đã vậy, còn mưa Phạm Phú Hải là mưa thế nào đây? “Những đêm mưa bão tưng bừng. Đầy căn gác nhỏ cây rừng mọc ra... Người ta là người với ta. Có bao nhiêu đó để mà trừng nhau. Này cô kia ở trên lầu. Áo thơm cô mặc có màu thịt tôi. Thịt tôi cô đã tường rồi. Bữa tôi cởi hết da ngồi cô xem. Đất trời cũng thứ lèm nhèm. Bão mưa như thể thằng điên lộn đầu” (Mưa bão).

Thơ như thế mà diễn dịch nó ra, định vị cho nó một vị thế thì chẳng khác nào lấy chân trời bao la kia mà nhốt vào con mắt hữu hạn thịt xương.

Chân trời của Phạm Phú Hải là đâu? Tôi thử “lý luận” theo kiểu (thơ) Phạm Phú Hải: “Có bàn chân dài hơn con đường. Nên chân trời là những đốt xương. Của ai bỏ lại ngàn năm trước. Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường” (Thi sĩ). Vâng, chân trời của nhà thơ nó vừa cụ thể, vừa siêu hình như thế đấy, nghĩa là muốn đến cái miền thẳm ấy thì anh (hay chị) phải đạt được cái “tiêu chuẩn” của kẻ có bàn chân dài hơn con đường. Mà từ cổ - kim - đông - tây từng mấy ai, đã mấy ai bước những bước chân huyền nhiệm như thi sĩ. Vọng tưởng hay là gì tôi không rõ, nhưng quả thật có một chân trời (người đi) đã bỏ lại thanh âm (dấu) trên đường.

Thế giới thơ Phạm Phú Hải là một thế giới khu biệt. Có người vì yêu quá gọi thi sĩ là “Bùi Giáng thứ hai”, yêu như thế thì khác nào “bằng mười phụ nhau”. Tôi không muốn so sánh Phạm Phú Hải với bất kỳ ai, con đường thi sĩ ngao du qua cuộc đời này là con đường lặng lẽ và độc hành. Mà Phạm Phú Hải đã nói: “Một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/ Không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm/ Tôi đang sống/ Trong mùa và phương không tên gọi đó”.

Có đến hàng ngàn bài thơ Phạm Phú Hải đã viết, tự đánh máy thành tập, hoặc những bài anh viết phát tán khắp mọi anh em, những kẻ anh quen, những người anh ký gởi tâm tình. Bao nhiêu rồi có khi chính thi sĩ cũng không thể nhớ. Nhớ lại ngày anh nằm trên giường bệnh, tôi và một người bạn khá thân thiết với anh - chị Thái Ngọc Loan, chúng tôi đến thăm thi sĩ nhân tiện mang báo biếu và tiền nhuận bút đến cho anh. Đau nằm liệt giường, vậy mà Phạm Phú Hải đòi ngồi dậy lấy kính đeo vào mắt để đọc thơ, ánh nhìn trong veo của thi sĩ vẫn sáng tinh anh long lanh một cách lạ thường. Hình ảnh này khiến tôi chợt nhớ tới nhà thơ Trinh Đường lúc ông bệnh nặng gần đến giờ lâm chung, vậy mà khi nghe Cúc Tần (con gái nhà thơ) bảo có chúng tôi đến thăm, đôi mắt của ông cũng ánh lên sáng long lanh, và rồi ông cố lần tay xuống gối tìm thơ để đọc. Đến khi nghe con gái bảo: “Con đã đem hết bản thảo của bố về nhà rồi” (đấy là những bài di cảo nhà thơ đã viết trên giường bệnh), lúc ấy ông mới chịu nằm yên. Những con mắt thơ ánh lên ánh sáng cuối cùng của vô thức, năng lượng đó cũng có thể giải thích cho ta hiểu khả năng thăng hoa của một tính cách mà Freud gọi là: Tố chất bẩm sinh bí mật.

Nhưng cho dù cách nghiên cứu hay lý luận phê bình nào chăng nữa, thì với tôi, chỉ là chút ánh sáng yếu ớt mỏng mảnh chiếu vào mênh mông một cõi thơ dị thường: “Có một hôm kia máu chợt buồn. Cơn đau trồi máu lạnh trên sông. Trồi tôi giữa một bầy phong vũ. Nhe hết nanh ra gặm hết hồn. Tôi ở đây giữa một bầy cô độc. Tôi khóc theo từng tiếng hú xưa. Rồi tôi cũng hú như tôi đã. Khóc rống khi đưa gió nhập mùa. Tôi vọng tiếng tôi về núi đá. Núi đá ngàn năm vẫn lặng im. Mấy ai hiểu được hồn ưu uất. Của kẻ qua sông tự thả chìm” (Máu chợt buồn).

Vâng, mấy ai hiểu được. Có hỏi thi sĩ thì đôi mắt tinh anh trẻ thơ kia chợt ánh lên. Và đấy là một sự trả lời. Thơ ấy, có thể nói, chẳng phải thi sĩ chải chuốt, kiểu cách cho nó hay, cho nó đẹp, mà nó tự hay, tự đẹp, tự phát tiết cuồng phong từ một tâm hồn ưu du trút ra bộc lộ vang dội và bất tuyệt! Cái hay, có thể nói đạt tới mức siêu việt như tự đất trời sinh nở ra thi sĩ để Phạm Phú Hải dốc hết máu xương mà “Câu thơ nhỏ đỏ con tim. Ta lê theo suốt cuộc tìm đớn đau”!

NGUYỄN DÃ CHÂU

;
.
.
.
.
.