Đà Nẵng cuối tuần

Cánh cửa chưa khép lại

08:37, 31/07/2010 (GMT+7)
Trong thời gian này, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã công bố điểm kỳ thi tuyển sinh năm 2010, đồng thời đã có dự kiến điểm chuẩn vào trường. Rất nhiều thí sinh nản lòng trước kết quả không trúng tuyển. Thế nhưng, cánh cửa vào ĐH tuy hẹp nhưng chưa hề khép lại.

Nguyện vọng 2

TS dự thi ĐH Đà Nẵng mùa tuyển sinh năm 2010- các TS rời phòng thi, người làm bài được, người không, nhưng cánh cửa chưa phải đã khép lại.

Nhanh nhất để bước chân vào các trường ĐH công lập, dĩ nhiên chỉ có thể bằng cách duy nhất là trúng tuyển. Nhưng ngay khi điểm chuẩn của các trường được thông báo đến thí sinh (TS) thì cơ hội vào các trường này vẫn dành vài phần trăm để đón nhận các TS, trong xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Thông thường, chỉ tiêu xét tuyển NV2 được công bố sau khi các trường chính thức công bố điểm chuẩn.


Mùa tuyển sinh năm 2009, nhiều trường dành chỉ tiêu từ vài chục đến vài trăm để xét tuyển NV2, ví dụ như: ĐH Mỏ-Địa chất dành 20% trong tổng số 3.250 chỉ tiêu để xét tuyển NV2; Học viện Kỹ thuật mật mã dành 150 chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp Hà Nội 300 chỉ tiêu; ĐH Quốc gia Hà Nội gần 300 chỉ tiêu… Đây là một cánh cửa hy vọng của rất nhiều TS.

Không phải TS nào thi vào các trường công lập cũng đạt kết quả cao. Có rất nhiều trường TS đã dự thi NV1, nhưng có kết quả thi không tốt, vì vậy, cụm trường này gần như dành hơn một nửa chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Vào năm 2009, có những trường như ĐH Nha Trang dành đến 80% để xét tuyển NV2; ĐH Thăng Long gần 90% tuyển NV2; ĐH Tây Bắc dành 50% tuyển NV2… Chính đây là nhóm trường mà các TS và phụ huynh nên quan tâm, tìm hiểu chuyên ngành phù hợp để đăng ký xét tuyển cho phù hợp. Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web của những trường ĐH quan tâm là việc nên làm trong khoảng thời gian này để biết rõ hơn về việc xét tuyển NV2.

Các trường ĐH, CĐ dân lập trong giai đoạn này cũng chạy nước rút trong việc quảng bá hình ảnh, danh tiếng của mình để thu hút TS. Rất nhiều trường tư thục, dân lập đã đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của mình, chất lượng đầu ra được xã hội công nhận. Chính vì vậy, nếu cảm thấy trong toàn cảnh xét tuyển NV2 không có chuyên ngành yêu thích, hoặc điểm chuẩn NV1 đã công bố của ngành muốn đăng ký đã rất cao so với điểm số của mình, thì việc lựa chọn một trường dân lập, tư thục vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan. Ở những trường ĐH này, nếu là một sinh viên có thực lực, sinh viên sẽ được đầu tư bằng những suất học bổng mệnh giá cao- không phải là quá khó nếu có hoàn cảnh khó khăn trước mức học phí cao của các ngôi trường này nếu biết nỗ lực học tập.

Xét tuyển vào các trường trung cấp, CĐ

Hầu hết các trường trung cấp, CĐ trong giai đoạn này rất “khát” TS đăng ký. Lựa chọn một ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của mình cũng là việc làm đúng đắn của các TS có điểm số không cao so với mặt bằng chung. Đã có rất nhiều bạn chọn con đường học trung cấp, CĐ làm bàn đạp đầu tiên cho con đường vào đời của mình và đã rất thành công. Những ngành nghề như: kế toán, văn thư, điện, tiện, hàn, điều dưỡng… là những công việc được các chuyên gia nghiên cứu thị trường việc làm nhận định là những nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, dễ dàng có việc ngay và thu nhập rất ổn định.

Thời gian học tập ngắn lại, có thể tìm kiếm việc làm để mưu sinh sớm hơn, và có tiền để tiếp tục đầu tư cho việc học. Những bạn học theo phương thức này, đường đi sẽ dài hơn, số năm học sẽ nhiều hơn so với những bạn học ĐH; nhưng họ có nền tảng, kinh nghiệm nhiều hơn trong quá trình trải nghiệm thực tế.
Hằng năm, số lượng các trường tổ chức tuyển sinh liên thông, từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH, hoặc từ trung cấp lên thẳng ĐH là rất cao. Chẳng hạn như ĐH Đà Nẵng, 1 năm 2 đợt tuyển sinh liên thông, chỉ tiêu lên đến gần 4.000 cho các hệ. Đây là con số rất lớn mà các trường tạo điều kiện cho TS tham gia học tập, nâng cao bậc học của mình, hoàn thiện ước mơ được đặt chân vào ĐH, tiếp tục thực hiện hoài bão cho tương lai.

Lo lắng và thất vọng là cảm giác của những gia đình TS cùng chính TS có kết quả thi tuyển sinh ĐH không như mong đợi trong khỏang thời gian này. Nhưng, đừng vội thất vọng. Chỉ có con đường ngắn, hoặc dài để đạt đến thành công, chứ không chỉ là con ngõ cụt trên con đường học vấn…

VIẾT THANH








.