.
CỬA SỔ TRI THỨC

Biệt danh của các đội bóng

.

* Vì sao đội bóng đá Hàn Quốc có biệt danh là “Những chiến binh Taegeuk”? Biệt danh của các đội bóng được đặt như thế nào? (Trần Nhật, Hòa Vang, Đà Nẵng).

* Người ta nói “đội Tam sư thẳng tiến”. Vậy Tam sư là gì? (Anh Lộc, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Taegeuk trong tiếng Hàn có nguồn gốc từ Taiji (Thái cực) của tiếng Trung. Quốc kỳ của Hàn Quốc được gọi là Taegeukgi (Thái Cực kỳ) với biểu tượng âm dương (ảnh), vì thế, đội tuyển Hàn Quốc được mệnh danh là “Những chiến binh Taegeuk” (Taegeuk Warriors).

Taegeuk cũng là tên gọi các bài quyền trong môn võ Taekwondo như Taegeuk Chil-jang (Thái cực Cấn cung quyền)‎, Taegeuk Pal-jang (Thái cực Khôn cung quyền), Taegeuk Il-jang (Thái cực Kiền cung quyền)‎… Taekwondo (âm Hán Việt là Đài Quyền Đạo), trước kia thường được gọi là Thái Cực Đạo, là môn thể thao và là loại hình võ đạo (mudo) phổ biến nhất của dân tộc Triều Tiên. Tháng 9 năm 1959, Hội Taekwondo Hàn Quốc được thành lập và được các huấn luyện viên Hàn Quốc phổ biến ra nước ngoài từ thập niên 60 thế kỷ trước. Hiện Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) có 166 quốc gia thành viên với khoảng 50 triệu người tập luyện. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã công nhận Taekwondo là môn thể thao quốc tế tại Đại hội lần thứ 83 năm 1980.

Khi mang biệt danh “Những chiến binh Taegeuk”, đội tuyển Hàn Quốc còn tự hào về môn võ Thái Cực Đạo của đất nước mình.

Tam sư là 3 con sư tử. Trên logo của Liên đoàn Bóng đá nước Anh có hình 3 con sư tử (ảnh) nên đội bóng xứ sở sương mù đã dùng biệt danh “Tam sư” để làm tên gọi thứ hai của mình. Vừa rồi, lấy cảm hứng từ biệt danh này của tuyển Anh, tạp chí thời trang danh tiếng FHM thực hiện bộ ảnh ấn tượng với nhân vật chính là siêu mẫu nổi tiếng người Anh Kelly Brook và ba chú sư tử. Bộ ảnh được thực hiện tại một bãi biển tuyệt đẹp của Nam Phi.

Biệt danh của các đội bóng được đặt dưới nhiều hình thức:

1- Thông qua những biểu tượng, hình ảnh, màu sắc gắn liền với logo đội tuyển hoặc quốc kỳ, quốc hiệu của các quốc gia. Ví dụ: Đội tuyển Anh là Tam sư; đội tuyển Mexico là El Tri (Ba màu, theo màu cờ truyền thống của Mexico); đội tuyển Netherlands (Hà Lan) – Oranje (Màu da cam)...

2- Dựa vào những biểu tượng tinh thần thể hiện hình tượng sức mạnh của dân tộc, hay những chuỗi sự kiện diễn ra trong lịch sử quốc gia hoặc chính đội bóng, nhằm thể hiện niềm tự hào về những gì mà quốc gia hoặc đội bóng đã làm được. Ví dụ: Đội tuyển Hàn Quốc là Taegeuk Warriors (Những chiến binh Taegeuk); Đội tuyển Nhật Bản là Blue Samurai (Võ sĩ đạo); đội tuyển Cameroon là Lions Indomptables (Những chú sư tử bất khuất) nhằm tôn vinh sự kiện lịch sử của đội tuyển Cameroon, đại diện châu Phi duy nhất lần đầu tiên thẳng tiến tới vòng tứ kết và đánh bại đương kim vô địch Argentina ở trận khai mạc World Cup 1990…

3- Mượn biểu tượng sức mạnh bản năng tự nhiên của con vật để nói lên sức mạnh của đội bóng mình. Ví dụ: đội tuyển Bờ Biển Ngà được gọi là Les Eléphants (Những chú voi), trong đó tiền đạo thủ quân đội tuyển Bờ Biển Ngà cầu thủ Didier Drogba được những người hâm mộ gắn cho biệt danh “voi rừng”; đội tuyển Triều Tiên có biệt danh là Chollima - tên của một loài ngựa trong truyền thuyết với sức mạnh vô địch.

4- Gây “sốc”, tạo sự khác biệt bằng những danh xưng đầy ấn tượng. Ví dụ: Đội tuyển Hy Lạp là To Piratiko (Tàu cướp biển); Tây Ban Nha là La Furia Roja (Cơn cuồng nộ đỏ)…

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.