Như mọi ngày, người đàn ông ấy lại cặm cụi với mấy cây vạn tuế, dương xỉ mọc trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố.
Như mọi ngày, người đàn ông ấy lại cặm cụi với mấy cây vạn tuế, dương xỉ mọc trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Hết phun thuốc trừ sâu, tưới nước, cắt tỉa cành lá, tạo dáng cho cây đến cắt những ngọn cỏ mọc dài dưới chân bia mộ. Công việc ấy đã theo ông hơn 30 năm qua, từ ngày ông còn làm việc ở Nghĩa trang nhân dân Gò Cà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
Món nợ ân tình
Nắng tháng 7 như thiêu, như đốt. Trong căn phòng nhỏ nằm dưới gốc cây phượng tỏa bóng một khoảng đất rộng, ông Phan Văn Nuôi chậm rãi châm điếu thuốc. Căn phòng chỉ có độc nhất một chiếc giường con, một bộ bàn ghế tiếp khách. Trước khi chuyển về công tác tại Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, ông Nuôi từng có 18 năm làm công việc đào huyệt, mai táng tại Nghĩa trang nhân dân Gò Cà. Làm một công việc ít người lựa chọn, ông Nuôi xem đó là “công việc này chọn tôi chứ tôi không chủ động chọn nó”.
Khi còn là cậu thanh niên vai dài sức rộng, ông đã từng theo anh em hàng xóm đi đào huyệt để chôn người trong thôn vừa mất. Chứng kiến giây phút phân ly tử biệt giữa người đi, kẻ ở, ông Nuôi lặng lẽ bước vào công việc này từ lúc nào không hay. Năm 1979, ông xin vào làm việc tại Ban Nghĩa trang thành phố rồi được phân công đi chăm sóc nhiều nghĩa trang khác nhau. Nay, dù mới 58 tuổi nhưng ông đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc này. “Làm công việc chăm sóc mộ phần, tôi luôn thấy mình mắc nợ những người xa lạ. Đó là món nợ ân tình, tình nghĩa mà bản thân tôi không thể lý giải được. Bởi mỗi lần có người đến thắp hương, viếng mộ người thân, gặp tôi, họ đều có chung một câu “nhờ anh giúp chúng tôi chăm sóc mộ phần người đã khuất”.
653 ngôi mộ ở nghĩa trang được sắp xếp theo các khu 1, 2, 3, 4, 5. Trong đó có 194 mộ liệt sĩ vô danh. Vị trí, tên tuổi từng ngôi mộ được ông Nuôi nhớ rõ. Thế nên, mỗi khi có người đến thắp hương, ông đều chỉ chính xác vị trí ngôi mộ cần tìm.
Ông nói rằng, số lượng mộ phần không nhiều nên toàn Ban quản lý nghĩa trang chỉ có… một mình ông. Cũng vì có một mình, nên ông Nuôi chưa bao giờ có những đêm được về nhà ngủ với vợ con, dù từ nhà ông ra đến nghĩa trang chỉ khoảng 1 cây số. Từ khi mặt trời bắt đầu ló dạng, ông đã dậy tưới nước, tỉa cành cho cây. Mãi đến trưa, ông tranh thủ chạy xe máy về nhà ăn cơm, đầu giờ chiều quay lại nghĩa trang tiếp tục công việc. Tranh thủ giữa trưa nắng, ông xách kéo đi cắt cỏ. Chiều tối, ông quay về nhà tắm rửa, cơm nước. Chưa hết chương trình thời sự buổi tối, ông Nuôi đã ra lại nghĩa trang. Có người hỏi ông: “Ông ngủ mãi một mình ngoài nghĩa địa vậy không sợ ma à?”. Ông cười: “Không những không sợ ma, mà mỗi tối tôi còn mở rộng hai cánh cửa sổ để đón gió”.
Cứ thế, một mình ông Nuôi gắn bó với khu nghĩa trang thành phố từ ngày chia tách tỉnh. Cắt cỏ một mình, tưới cây một mình, riết rồi ông nói chuyện với… chính mình, với những ngôi mộ. Vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm 27-7, một mình kham không nổi, ông phải kêu thêm vài người nữa đến phụ ông cùng dọn dẹp mộ phần tươm tất để đón những đoàn khách viếng thăm.
Hôm chúng tôi đến, tại nghĩa trang có thêm hai chị Đặng Thị Côi và Trà Thị Sáu, quê xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang giúp ông Nuôi dọn dẹp cỏ gai. Chị Côi cho biết, mỗi năm cứ đến khoảng 15-7, hai chị lại được gọi đi làm cỏ nghĩa trang chừng 10 ngày. Khi làm công việc chăm sóc mộ phần các anh hùng, liệt sĩ, ngoài việc có thêm thu nhập để lo cho con, các chị còn cảm thấy tâm mình được thanh thản và bình yên.
Tuổi thanh xuân để lại
Đàn ông quanh năm gắn bó với nghĩa trang đã đành, vậy mà vẫn có những người đàn bà bỏ cả tuổi xuân, nhờ chồng quán xuyến gia đình để toàn tâm, toàn ý chăm sóc mộ phần các liệt sĩ. Trường hợp chị Nguyễn Thị Bé, quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một ví dụ. Đi bộ đội từ năm 1976. Ba năm sau chị làm đơn tình nguyện về chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Khi đó chị mới 22 tuổi, chưa lập gia đình. Ngày ấy, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn còn bạt ngàn cây cối. Mỗi lần đến được đây, chị phải đeo ba lô vượt 20 cây số đường rừng hoang vắng, đầy rẫy nguy hiểm.
Là một trong ít người đầu tiên có mặt tại nghĩa trang làm công việc dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho mộ phần các liệt sĩ; ban ngày, chị tỉ mẫn quét dọn từng lá cây rừng rơi xuống; đêm, chị lặng lẽ cầm bó hương đi thắp từng mộ phần. Dáng chị như lọt thỏm giữa hàng ngàn ngôi mộ lặng lẽ nằm cạnh nhau.
Theo lời chị Bé, từ ngày đường Hồ Chí Minh được chỉnh trang, điều kiện đi lại dễ dàng đã tạo cho nghĩa trang một sức sống mới. Công việc của Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn lại càng bề bộn.
Hằng tháng, cứ đến mồng một và ngày rằm, những người cán bộ, nhân viên quản trang lại mang từng bao tải nhang đi thắp đủ các mộ phần liệt sĩ, xong việc trở về nhà thì kim đồng hồ đã chỉ sang ngày hôm sau. Vậy nhưng làm công việc ấy, ai cũng thấy thanh thản trong lòng và giấc ngủ đến với mỗi người dường như đẹp hơn.
Đã ba mươi năm gắn bó tuổi thanh xuân của mình với Trường Sơn, trong tâm trí của chị Bé, luôn văng vẳng tiếng hô “Xung phong” vào 4 giờ 45 mà chị vẫn thường nghe tại khu nghĩa trang như khơi gợi lại một thời hào hùng mà dân tộc đã trải qua. Từng là bộ đội, chị thấu hiểu nỗi đau và những mong ước của người lính, đôi khi những mơ ước ấy thật giản dị như được ăn một bát cơm trắng, được đi dọc triền đê trong sự bình yên không tiếng súng… Nhưng có biết bao người đã không thể chạm tới những ước mơ rất đời thường và giản dị như thế trước khi hòa thân mình vào đất mẹ.
Dưới cái nắng chói chang của miền Trung, hàng hàng ngôi mộ nằm san sát nhau tạo thành nơi linh thiêng che chở cho những người chiến sĩ đã hy sinh. Vẳng đâu đó tiếng chổi quét rác từ xa vọng lại. Giữa nơi hoang vắng, tiếng chổi tre sột soạt như gợi một cảm giác bình yên cho những con người đứng lặng trước nghĩa trang.
TIỂU YẾN