.

Sống ven vùng mương, cống

.

Là một trong những con đường đẹp của thành phố Đà Nẵng, tuyến đường Nguyễn Tất Thành đang ngày đêm gánh thêm lượng nước thải được xả ra từ các gia đình, cơ quan, xí nghiệp sinh sống quanh đó. Ngay dưới chân cầu Phú Lộc, nước thải đã biến vùng cửa biển trở thành một khúc sông đen kịt. Lùi vào phía trong, còn có những đoạn, rác thải được đổ chồng chất lên nhau, tràn xuống cả lòng sông. Rác lập lờ mặt nước.

Mương dẫn nước đường Hàn Mặc Tử biến thành nơi chứa rác.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Thanh Khê cho biết: “Hiện nay, sông Phú Lộc đang bị ô nhiễm trầm trọng. Trạm xử lý nước thải với công suất 20.000m3/ngày đêm thì không thể xử lý triệt để được. Tình trạng chất hữu cơ hòa tan, sủi bọt trắng xóa cả miệng cống và mùi hôi vẫn còn. Đến cuối năm 2009, đã cho xử lý tình thế bằng cách đưa ống ngầm dưới sông thì mùi hôi có bớt hơn”. Cái “bớt hơn” ở đây, theo bác Nguyễn Văn Ba, 54 tuổi, sống tại khu chung cư ngay cạnh chân cầu, là “mùi hôi thối tuy giảm nhưng những ngày nắng nóng vẫn đeo bám người dân tới từng bữa ăn, giấc ngủ”.

Khu vực đầm Rong, đoạn có con mương dẫn nước chảy ra chân cầu phía đường 3 tháng 2 nằm trên địa bàn quận Hải Châu cũng chung tình cảnh. Con mương đen ngòm, nước sệt lại, rỉ ra từng giọt lăn theo dòng chảy đã bị nghẹn ứ. Hai bên, đủ mọi thứ rác từ túi nilông, chai lọ vỡ, cùng tất cả những gì không dùng được vứt thẳng ra đây. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Trưởng phòng TN&MT quận Hải Châu cho biết: “Hiện nay, hệ thống hồ, mương dẫn, âu thuyền trên địa bàn quận đều bị ô nhiễm trầm trọng. Lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt của thành phố chỉ một số được xử lý, còn lại khoảng 50% bị đưa ra ngoài, tình trạng lượng BOD, COD (*) đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, mùi hôi nồng nặc, kéo theo đó là ruồi muỗi và bệnh tật”.

Không ở đây thì ở đâu?

Tại khu vực đầm Rong hiện nay, thành phố đã cho xây dựng những miệng cống bằng bê-tông để cải tạo môi trường, nhưng chỉ mới được 2/3. Ông Nguyễn Ngọc Sáng ngụ tại đường Hàn Mặc Tử, phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho biết: “Dân Thanh Bình và Thuận Phước ở khu vực xung quanh hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là đường hô hấp. Những ngày nắng nóng là sự chịu đựng của người dân lên tới đỉnh điểm. Đợt nắng nóng vừa rồi tôi không dám ở nhà mà đưa cả gia đình về Tam Quang, Bình Định để… tránh mùi”. Cũng theo ông Sáng thì lâu lắm rồi ông không dám mời bạn bè đến chơi. Ở xóm này, nhiều đứa trẻ mới khoảng 4, 5 tuổi đã bắt đầu bị ảnh hưởng đến phổi và hệ thống đường hô hấp. Còn người lớn thì không thể biết trong người mình tích trữ những bệnh gì.

Chị Phạm Thị Phúc, có gánh hàng rong nằm trong con hẻm trên đường Hàn Mạc Tử lắc đầu: “Tôi bán hàng ở đây cũng bị giảm sút đáng kể, người ta qua đây thường đi thật nhanh để tránh mùi hôi, đâu dám dừng lại mà mua quà vặt”. Cũng theo chị Phúc thì dân ở đây, nhất là những bà mẹ trẻ đang mang thai hoặc có trẻ nhỏ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ đều muốn tìm chỗ để tránh mùi hôi. Chị có đứa cháu nội 3 tuổi cũng đành rứt ra để cháu ở nhà bà ngoại trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

Nhưng, “không ở đây thì ở đâu? Mình rơi vào cái thế phải như vậy chứ biết làm thế nào. Muốn chuyển nhà, mua nhà khác nhưng nhà này bán không ai mua thì làm sao mà có tiền mua nhà khác được” - chị Lam, một người dân sống tại đó nói vậy.

Ý kiến người dân cũng đã nhiều rồi. Cơ quan chức năng cũng xuống lấy mẫu thử nhiều lần rồi nhưng chưa lần nào được giải quyết triệt để. Ông Đoàn Ngọc Sơn cũng nói rằng: “Quận cũng chưa có biện pháp xử lý triệt để được, mới chỉ cho tuyên truyền nhắc nhở người dân hai phường Thuận Phước, Thanh Bình và các hộ dân sống gần đó không vứt rác thải xuống hồ. Ai vi phạm sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, quận cũng đã ký hợp đồng với một đơn vị để thường xuyên vớt tảo, bèo, rác thải nổi trên mặt nước, phát động các chiến dịch phát quang cây cối ven bờ, phun thuốc triệt ruồi, muỗi định kỳ. Nhưng lượng nước thải của những hộ dân quanh đó vẫn được xả trực tiếp ra mương, cống...”.

Riêng hệ thống cống tại bãi biển Mỹ Khê nằm trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, theo ông Trần Bắc Việt, Trưởng phòng TN&MT quận Sơn Trà cho biết: “Hệ thống nước và rác thải của các nhà hàng, khách sạn nằm trên tuyến đường này đều được thu gom và xử lý sơ bộ, sau đó được bơm về trạm SPS3 Mỹ Khê, cuối cùng sẽ được đưa về trạm xử lý nước thải của thành phố tại Ngũ Hành Sơn”. Nhưng, trên thực tế, trạm xử lý sơ bộ luôn trong tình trạng quá tải. Người dân vẫn khó lòng được tận hưởng trọn vẹn nguồn không khí trong lành từ phía biển.

Bài và ảnh: Thu Hà

(*) COD là lượng oxy cần thiết cho quá trình oxy hóa các chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O. BOD là lượng oxy cần thiết để vi sinh vật tiêu thụ trong quá trình oxy hóa các chất hữu cơ trong nước mà chủ yếu là nước thải.

 

;
.
.
.
.
.