.

Tự hào và trách nhiệm với dân tộc

6 giờ 30 sáng ngày 1-8, (giờ Việt Nam), tại Brasilia (Brazin), phiên họp thứ 34, Hội đồng Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) là Di sản Văn hóa thế giới với 19/21 phiếu thuận.

Đây là di sản thứ 900 của thế giới và với Việt Nam, đây là di sản vật thể thứ 6. Nếu tính riêng di sản có tính kiến trúc đô thị thì đây là di sản thế giới thứ 4 của nước ta sau cựu kinh đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Còn với Hà Nội, đây là di sản thế giới đầu tiên, được công nhận chỉ trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội trở thành kinh đô của nước ta hơn 2 tháng, một trùng hợp mang ý nghĩa lịch sử nhiều ý nghĩa.

Việc công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào của nhân dân thủ đô và mọi người Việt Nam. Với việc công nhận này, thế giới đã chính thức công nhận cách đây 1.300 năm và cả trước đó nữa, tại vùng đồng bằng sông Hồng đã hình thành một đô thị sầm uất của người bản địa, một trung tâm quyền lực của một quốc gia có chủ quyền, một nền văn hóa riêng được hình thành từ truyền thống và trong quá trình tiếp biến lâu dài tinh hoa văn hóa, tư tưởng từ nhiều nước châu Á và châu Âu.

Việc công nhận này cũng là công nhận tại đây, nền tư tưởng, chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa có một quá trình phát triển liên tục hơn một thiên niên kỷ, một điều hiếm khi được chứng minh bằng các di tích vật thể. Việc công nhận này cũng là sự thừa nhận Hà Nội, với tư cách là thủ đô có bề dày lịch sử lâu đời của nước CHXHCN Việt Nam, một quốc gia đang trong quá trình phục hưng, tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc đang lan rộng trên thế giới.

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các hiện vật trên mặt đất và dưới mặt đất là một quần thể vô cùng phong phú với hàng triệu hiện vật. Tại đây, chúng ta có thể nhìn thấy những hành lang gạch hoa chanh, giếng nước, đường cống bằng gạch vồ, 3 bộ xương chôn chung, chiếc trâm bằng vàng, bộ ván cửa sơn son thếp vàng và rất nhiều hiện vật khác cách ta cả nghìn năm, nhưng cũng có thể nhìn thấy đoạn xích xe tăng thực dân Pháp bỏ lại, chiếc ghế Bác Hồ và Bộ Chính trị từng ngồi trong kháng chiến chống Mỹ.

Quá khứ từ thời Hà Nội còn là thành Đại La đến thời đại Hồ Chí Minh kéo dài 1.300 năm được tái hiện như trong một đoạn phim quay chậm làm mê đắm hầu hết những người từng đến đây. Trung tâm Hoàng thành cũng đồng thời là trung tâm chính trị của Nhà nước ta hiện nay với những công trình, hiện vật có một không hai. Sức hấp dẫn của di sản là ở đó và trách nhiệm nặng nề của mỗi người Việt Nam với di sản cũng là ở đó.

Chưa lần nào cuộc bảo vệ để di sản được công nhận lại khó khăn như lần này. Cũng chưa lần nào, đi kèm theo niềm vui, chúng ta lại phải lo lắng trước thách thức trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản như lần này. Phải chống ngập, chống nắng, chống mốc, tóm lại là chống hư hỏng thế nào đây với 19.000m2 phát lộ trong khi chúng ta không giàu và không có kinh nghiệm.

Di sản được thế giới công nhận mới là trung tâm của Hoàng thành, vậy toàn bộ Hoàng thành như thế nào, vẫn là câu hỏi chưa lời đáp. Vừa qua trong khi xây dựng ở cuối đường Trần Phú; kéo dài đường Văn Cao ra hồ Tây; mở đường Kinh Liên-Ô Chợ Dừa, ta đều gặp những di tích cần được bảo vệ. Vậy cần phải có quy định gì, cơ chế thế nào trong việc bảo vệ với một Hà Nội gần như đào chỗ nào cũng gặp di tích? Phải chống thương mại hóa di sản ra sao khi từ nay trở đi, không một khách du lịch nào đến Hà Nội mà không có nhu cầu đến Hoàng thành.

Phải làm thế nào để người ta “có cái xem” nhưng vẫn giữ được cốt cách của di sản vì tuy là di sản thế giới nhưng những cái xem được, hiểu được ở đây còn khá nghèo nàn. Tất cả những điều đó và nhiều điều khác đang thử thách năng lực quản lý đô thị, quản lý văn hóa của không chỉ một người.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.