Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện ở một làng nghề
Các cụ cao niên kể lại rằng, nghề làm chõng tre, thang tre ở Hòa Phước, huyện Hòa Vang bắt nguồn từ làng Câu Nhí, xã Điện An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Lúc bấy giờ, các sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Trải qua bao năm, những sản phẩm làm từ tre, trúc ấy được nhân dân các vùng lân cận ưa chuộng, trở thành hàng hóa lúc nào không hay...
Nghề phụ thành nghề chính
Tồn tại từ đời này sang đời khác, xã Hòa Phước hiện nay chỉ còn ít hộ dân làm chõng tre, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hội An, Đà Nẵng. Ở tuổi 67, ông Bùi Huyến, thôn Tân Hạnh là một trong số ít người còn duy trì ngón nghề thủ công truyền thống này. Hơn 50 năm qua, bàn tay của ông đã làm ra hàng vạn cái chõng tre để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Từ tre, người dân đã tìm được cách để tìm kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. |
Cách đây chừng 20 năm, chõng tre ở Hòa Phước từng được biết đến như một thương hiệu. Cả thôn Tân Hạnh có khoảng 80% gia đình theo nghề làm chõng. Ngày ấy, người ta ưa chuộng chõng tre vì giá thành rẻ, nguyên liệu từ tre mang đến cảm giác mát mẻ cho người nằm. Vì thế, hàng làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng khi đời sống khấm khá, người ta bắt đầu sử dụng sản phẩm cao cấp, thì thị trường càng bị thu hẹp. Lứa thanh niên mới lớn có nhiều cơ hội chọn một nghề khác, không mấy mặn mà với cái nghề suốt ngày cầm đến tre, rựa, hết đục rồi gõ. Ông Huyến cho biết: Số gia đình làm nghề ở thôn Tân Hạnh giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Một trong những gia đình được ông Huyến ví von “chỉ đếm trên đầu ngón tay” phải kể đến hộ ông Bùi Văn Thanh (46 tuổi), người cùng thôn Tân Hạnh. Sau nhiều năm bôn ba làm hết nghề này đến nghề khác, cuối cùng ông Thanh cũng quay về làng, bám vào nghề làm chõng tre do cha ông để lại, xem đó là công việc chính của mình. Thời gian đầu, mỗi ngày vợ chồng ông Thanh làm việc cật lực cũng chỉ hoàn thành từ 1 đến 2 chiếc chõng. Sau đó, nâng dần lên 4 chiếc/ngày. Ông bảo: “Do học hành không đến nơi đến chốn nên với tôi, làm chõng tre là công việc ổn định nhất hiện nay. Ngoài việc đóng chõng tre, vợ chồng tôi còn làm thang tre, mành tre mỗi khi có khách đặt mua”.
Bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Thanh chia sẻ, ngày trước, vợ chồng ông chỉ làm chõng mỗi dịp nông nhàn kể kiếm tiền chạy chợ. Nhưng nay, hai vợ chồng đã dồn hết sức lực vào nghề để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy khá vất vả, nhưng vợ chồng, con cái sớm tối có nhau.
Nói về nghề làm chõng tre, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 100 hộ còn duy trì nghề làm chõng tre, nằm rải rác ở các thôn. Từ một nghề phụ, làm chõng tre hiện nay đã trở thành nghề chính, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, giải quyết việc làm cho lao động lớn tuổi khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, cần được duy trì trong thời gian tới.
Để duy trì là chuyện không dễ
Ở tuổi 67, ông Bùi Huyến vẫn đi làm công để kiếm thêm thu nhập và để không quên cái nghề đã theo ông suốt cuộc đời. |
Thu nhập từ nghề đóng chõng tre đã giúp ông Huyến nuôi các con trưởng thành. Nhưng hằng ngày nhìn thấy sự vất vả của ba, các con ông chẳng ai theo nghề này. Ở tuổi không còn khỏe để một mình làm hết các công đoạn cưa, đục, tiện, chẻ, bện vạt, lắp ráp từng bộ phận giường với nhau, ông Huyến chọn cách đi làm công cho những gia đình còn duy trì nghề làm chõng. Ông chia sẻ: “Đi làm thế này vừa kiếm được đồng ra đồng vào, vừa để không quên cái nghề đã theo mình cả cuộc đời”.
Đối với những người bỏ công làm lời như vợ chồng ông Thanh, ông Huyến, trừ tiền nguyên liệu như tre, mây, cước, người lao động kiếm được 40.000 đồng trên mỗi thành phẩm. Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Ba (59 tuổi), thôn Nhơn Thọ 2 thì việc duy trì nghề làm chõng tre đôi lúc gặp phải cảnh cười ra nước mắt. Hơn 10 năm trước, đứa con trai duy nhất của bà đột ngột qua đời. Tiếp đó, người con dâu cũng bỏ đi tìm hạnh phúc mới. Khó khăn chồng chất, bà Ba tập trung vào nghề làm chõng tre, kiếm tiền nuôi ba đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tuy nhiên, việc duy trì nghề làm chõng tre, thang tre, mành tre của bà Ba gặp không ít khó khăn bởi nguồn lao động chính không còn. Bà chọn cách đi thu mua sản phẩm từ các hộ khác, về bỏ mối cho Đà Nẵng.
Những khi hàng đắt, bà Ba vẫn thuê thêm người về phụ giúp. Trước kia, bà chỉ đi thu mua, rồi về bỏ lại cho đại lý thì bây giờ số lượng giường mua vào quá ít nên khi người ta cần hàng gấp, bà phải gọi thêm nhân công để kịp đáp ứng số lượng. Tính sơ tiền công, bà phải trả cho nhân công khoảng 65.000 đồng/giường; tiền nguyên liệu như tre, mây là 56.000 đồng/giường. Cộng lại các khoản, bà đã trả cho nhân công 121.000 đồng/giường (loại giường 1,8m). “Có khi còn lỗ. Nhưng nó đã quá quen thuộc với chúng tôi hơn 20 năm qua, giờ không làm chõng thì biết làm chi”. Bà Ba giãi bày.
Để sản phẩm mình vất vả làm ra, được trả giá cao hơn, người làm chõng tre ở Hòa Phước thỉnh thoảng vẫn chọn cách chở sản phẩm đi bán dạo. Tuy vất vả kéo xe bò hàng chục cây số, nhưng bù lại, giá mỗi chiếc chõng bán ra được khoảng 200.000 đồng, cao hơn 50.000 đồng so với giá bỏ cho đại lý. Với những người lao động, số tiền ấy cũng đủ chi phí cho cả ngày.
Chị Phan Thị Hải, thôn Nhơn Thọ 2 lại có một cách nghĩ khác: “Nông dân chúng tôi ăn bữa ni lo bữa mai. Đi làm công nhân mãi cũng chán, về quê làm cái nghề cha ông để lại là chọn một cuộc sống tuy không giàu có, nhưng lại yên bình. Nghề này tuy rất vất vả nhưng nếu đủ sức khỏe thì ai cũng có thể làm được”. Tranh thủ lúc công việc đồng áng rãnh rỗi, chị Hải lại đến phụ việc cho những gia đình trong xóm để nhận về mức thu nhập từ 50.000-60.000 đồng mỗi ngày.
Nguyên liệu không sẵn có, phải đi thu mua từ các vùng lân cận với giá khá cao (tre làm thang 22.000 đồng/cây; tre làm chõng 12.000-15.000 đồng/cây), tuy thế, nghề làm chõng tre ở Hòa Phước vẫn tồn tại qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Vẫn còn những lao động lớn tuổi không ngại vất vả để giữ lấy cái nghề cha ông để lại. Vẫn còn những thanh niên, sau vài năm bôn ba làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, lại quay về bên mái nhà xưa, cần mẫn với công việc làm chõng tre để bảo đảm cuộc sống cho gia đình nhỏ, nơi có vợ và các con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn.
TIỂU YẾN