Đà Nẵng cuối tuần

Cách mạng tháng Tám và công cuộc đổi mới

08:26, 14/08/2010 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám và công cuộc đổi mới hôm nay cách nhau 65 năm nhưng lại có một sợi dây bền chặt gắn kết hai thế kỷ, hai quy luật, hai kiểu tư duy, hai phong cách lãnh đạo, hai loại cán bộ, hai cấu trúc hệ thống quản lý-lãnh đạo khác nhau trên một gốc rễ, nền tảng chung là khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo duy nhất của một đảng cách mạng chân chính. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra trong bối cảnh giữa thế kỷ XX, khi mà các dân tộc bị áp bức có khát vọng độc lập, tự do, vùng lên xóa đi cản lực, một vết nhơ trên con đường tiến bộ và văn minh của nhân loại là chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa, thực hiện sự nghiệp giải phóng. Ngày nay, nhân dân ta đang bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, sống trong thế giới toàn cầu hóa với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và nền kinh tế tri thức, với xu thế chủ yếu của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển. Dân tộc Việt Nam phải sải bước cùng thời đại vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Tám là sự vùng lên của khát vọng độc lập dân tộc, nằm trong dòng chảy của quy luật giải phóng dân tộc, nhằm đập tan, xóa bỏ cái cũ là áp bức bóc lột để giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Nói như Bác Hồ, công việc đó, tức là “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, t.10, tr.4). Công cuộc đổi mới là kiến thiết, nằm trong dòng chảy của quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công việc này, tức là “thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều” (Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr.4). Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ (Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.505).

Rõ ràng là đập tan, xóa bỏ và xây dựng là hai kiểu tư duy khác nhau. Cách mạng Tháng Tám là kiểu tư duy “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Còn công cuộc đổi mới là kiểu tư duy “còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Đảng ta ra đời đầu năm 1930, mặc dù trong Cương lĩnh đầu tiên đã nói tới “đi tới xã hội cộng sản”, nhưng trên thực tế từ khi ra đời, trải qua cách mạng và kháng chiến, sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị, cấu trúc quyền lực, đội ngũ cán bộ chủ yếu và cơ bản là nhằm hoàn thành sứ mạng giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối. Còn sự nghiệp đổi mới, vấn đề không còn là đi tới hoặc định hướng xã hội chủ nghĩa nữa mà là phải thật sự bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội mà hiện nay còn trong thời kỳ quá độ. Khát vọng của lòng dân ngày nay là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chính là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công khi Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.56).

Công cuộc đổi mới là sự gắn kết giữa khát vọng lòng dân với quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng. Chúng ta đã có độc lập. Vấn đề còn lại là tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi có một không hai trong lịch sử, hết sức vĩ đại và huy hoàng, nhưng đó cũng chỉ thắng lợi bước đầu trên con đường vạn dặm đi tới tự do, hạnh phúc. Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám là “biến người nô lệ thành người tự do”, đem lại dân chủ cho người dân. Chính vì vậy, trong công cuộc đổi mới, trách nhiệm của Đảng là hết sức nặng nề, làm cho dân được hưởng, biết hưởng và thực hành quyền dân chủ của mình. Bởi vì chỉ có phát huy và thực hành dân chủ thật sự - dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội - thì công cuộc đổi mới mới thành công. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới.

Những vấn đề nêu trên đặt ra những yêu cầu mới cho đội ngũ cán bộ trong công cuộc đổi mới. Hiện nay, không đòi hỏi sự hy sinh xương máu như trong Cách mạng Tháng Tám, nhưng đòi hỏi nhiều mặt còn khó hơn nhiều. Đó là dám hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của nhân dân. Đó là tinh thần trách nhiệm trước dân, không vô cảm trước những khó khăn trong đời sống của nhân dân. Cán bộ ngày nay phải đặt lên hàng đầu ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đi đầu trong cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Cán bộ trong công cuộc đổi mới phải có bản lĩnh cách mạng vững vàng. Đây không phải là bản lĩnh trước sự tra tấn của kẻ thù mà là bản lĩnh trong cuộc chiến chống mọi tiêu cực và cám dỗ của vật chất; bản lĩnh bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán và lên án cái xấu, cái ác, cái sai. Người cán bộ phải có lòng dũng cảm và bản lĩnh không tham quyền cố vị, không chạy theo quyền lực. Người có năng lực trí tuệ cũng không nên ham hố quyền lực. Người kém lại càng không nên chạy theo quyền lực, mua chức bán quyền. Bởi vì dốt nát cộng với quyền lực sẽ dẫn tới sự phá hoại ghê gớm.

Khát vọng của lòng dân ngày nay là mong muốn có một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực trí tuệ, có bản lĩnh vững vàng, có phong cách lãnh đạo và công tác trọng dân, thương dân, gần dân, học dân, hiểu dân, hỏi dân, bàn bạc với dân, chống quan liêu, mệnh lệnh. Nếu cán bộ giữ chức vụ thì nên nhớ rằng quyền lực đó thuộc sở hữu của dân và nhân dân ủy thác quyền lực đó cho họ. Như vậy cán bộ phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ nhân dân không còn tín nhiệm và mình cảm thấy không còn uy tín với dân thì phải vui vẻ từ chức. Đó cũng là một đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ trong công cuộc đổi mới.

Chỉ có nhận thức và hành động có chất lượng khoa học và cách mạng như vậy thì mới phát huy được thành quả của Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới hôm nay

PGS.TS Bùi Đình Phong

.