Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, là yêu cầu hàng đầu đối với sự nghiệp CNH, HĐH trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, phát triển nền kinh tế tri thức. Với công nghệ thông tin (CNTT), được xem là một trong những mũi nhọn hàng đầu của động lực phát triển đất nước, vấn đề nhân sự bao giờ cũng là đề tài “nóng”.
Khởi nghiệp bằng...chiến lược nhân sự
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT thăm một đơn vị sản xuất của Công ty Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) tại Đà Nẵng. |
Lúc đầu, Softech chủ yếu làm nhiệm vụ chính trị với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực CNTT cho thành phố, tạo nên một hệ thống ứng dụng CNTT cho các cơ quan hành chính ở Đà Nẵng, nhất là ở các sở, ban, ngành, quận, huyện. Năm 2008, vai trò thúc đẩy phát triển CNTT được chuyển giao về Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), Softech kết thúc nhiệm vụ chính trị, cổ phần hóa và chuyển qua kinh doanh thuần túy. Từ đây, vấn đề nhân lực vẫn là một trong bốn yếu tố hàng đầu được công ty định hướng hài hòa gồm: nhân lực, sản phẩm, khách hàng và phát triển công ty.
Trong phát triển nguồn nhân lực, công ty tạo điều kiện cho nhân viên ra nước ngoài học tập, ở Nhật hiện có 2 người đang theo học, sắp tới có thêm 2 đến 4 người nữa; cuối năm nay sẽ có một số đi Mỹ. Trong thu hút nhân lực, Softech dành ưu tiên cho những người đi học và làm việc ở nước ngoài, những người có kinh nghiệm. Thực tế đã có một số người bằng lòng với các chế độ ưu đãi của Softech và về “đầu quân” cho công ty, năm ngoái có một thạc sĩ CNTT từng làm việc ở Nhật 8 năm, trước đó có 3 người từng học và làm việc ở Úc, Ấn Độ. Chị Lê Thị Ngọc Anh, quê ở Huế, Trưởng nhóm phiên dịch tiếng Nhật của Softech, bộc bạch: “Sau khi làm việc một thời gian và có kinh nghiệm với một công ty Việt Nam tại Nhật, tôi muốn về để gần gia đình. Tôi chọn Đà Nẵng vì môi trường sống ở đây rất tốt, CNTT tuy chưa bằng Hà Nội và Sài Gòn, nhưng đang trên đà phát triển”.
10 năm qua, những người từng học và công tác ở Softech đã tỏa ra làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn, tạo nên cái khung nhân lực về CNTT cho thành phố. Có thể nói, những thành tựu về CNTT của Đà Nẵng hôm nay có phần đóng góp đáng kể từ đội ngũ nhân lực của công ty.
Người học “quay lưng” với CNTT?
Chiều ngày 15-9 vừa qua, tại buổi tọa đàm về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT – truyền thông giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và các doanh nghiệp kinh doanh ngành này tại Đà Nẵng, ông Bùi Thiện Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho biết: Năm ngoái, 2.108 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm ở Đà Nẵng đã mang về doanh thu xuất khẩu phần mềm hơn 165 tỷ đồng (trong tổng số hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu CNTT).
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CNTT thành phố Đà Nẵng, đánh giá: “Đây là một thành tựu rất có ý nghĩa đối với Đà Nẵng, nó không chỉ khẳng định rằng công nghiệp phần mềm của thành phố từng bước phát triển mà còn khẳng định tiềm năng to lớn của thành phố trong xu hướng hội nhập vào thị trường phần mềm thế giới; mở ra triển vọng lớn cho Đà Nẵng xây dựng một ngành công nghiệp mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.
Từ thành tựu ban đầu đó, ông Cảnh đưa ra một dự kiến lạc quan: 5 năm tới sẽ phấn đấu đưa nhân sự phần mềm Đà Nẵng lên 3.000 người và doanh thu phần mềm lên 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân đã đưa ra một thông tin không mấy lạc quan: “Năm nay trường nhận chỉ tiêu tuyển 400 sinh viên ngành CNTT từ Bộ GD-ĐT, nhưng chỉ mới tuyển được một nửa, các trường trên cả nước cũng vậy. Như thế, chỉ tiêu 3.000 người riêng cho phần mềm CNTT vào năm 2015, theo tôi, là rất khó thực hiện”.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT-TT, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cũng lo lắng: “Thực tế là người học hiện không còn quan tâm nhiều đến CNTT như trước. Vào làm ngân hàng được nhận ngay lương mỗi tháng 7 triệu đồng, còn CNTT thì chỉ 4 triệu đồng.
Tôi tin rằng 5 năm nữa, sinh viên ngành ngân hàng sẽ lấy làm tiếc rằng sao mình không chọn CNTT. Điều này có trở thành hiện thực hay không là tùy thuộc vào các chính sách của Nhà nước đối với CNTT”.
Nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu thì CNTT được xem là động lực của quốc sách. Hiện tượng người học “quay lưng” với CNTT sẽ chấm dứt khi “bài toán” nhân sự CNTT có được lời giải từ những động lực tích cực hơn nữa của Nhà nước đối với ngành khoa học kỹ thuật mũi nhọn này.
CNTT là ngành mang tính chất sáng tạo, nhân lực ngành này có dấu hiệu rất đặc biệt. Tôi ra nước ngoài nhiều năm, để ý thấy những người làm cho các công ty CNTT lớn hầu hết là người Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Định. Đà Nẵng đang có khí thế của một thành phố đi đầu CNTT, với hạ tầng tương đối tốt, tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ làm được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển CNTT, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Văn Thành Lê