Đà Nẵng cuối tuần

Đến New York thăm nữ thần tự do

06:30, 02/09/2010 (GMT+7)

Philips Mai và tôi đi từ vùng Pennsauken thuộc tiểu bang New Jersey sang New York city (thành phố New York), thuộc tiểu bang New York để thăm Nữ thần Tự Do, một tượng đài nổi tiếng vào bậc nhất thế giới và là biểu tượng của nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự Do nằm trên đảo Tự Do (Liberty Island) ở cửa sông Hudson thuộc vịnh New York.

Đêm trước ngày đi, chúng tôi lướt web xem dự báo thời tiết của nơi cần đến để ra quyết định đi hay không đi và để chuẩn bị tinh thần. Mặc dù dự báo thời tiết cho hay, New York có sương mù và tuyết rơi, nhưng Philips Mai bảo chỉ sợ mưa lớn đường trơn và bão thôi. Tuyết mới rơi thường nhẹ và không có gì đáng ngại cả.

New York city là thành phố lớn nhất nước Mỹ và cũng là một trong những thành phố đông dân vào bậc nhất thế giới, khoảng 10 triệu dân, nói 170 ngôn ngữ khác nhau. New York được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ”, bởi các hoạt động diễn ra 24/24 giờ. Đường phố New York giăng mắc như khung cửi. Chiếc máy định vị gắn trên xe là người dẫn đường tốt nhất dẫn chúng tôi xâm nhập vào nội thành New York một cách chính xác mà không bị lạc.

Khi vào địa phận New York, cây hai bên đường dần chuyển từ màu xanh sang trắng. Tuyết bám trắng các mái nhà. Ở bãi đỗ xe trong khuôn viên các công sở và các bãi giữ xe, tuyết thay màu đồng phục cho các xe. Trên các phố chính của thành phố New York, tuyết được dọn sạch.  

Chúng tôi tìm một bãi đỗ xe để gửi xe gần Chinatown (khu phố Tàu) của người Hoa (giá một lần gửi xe là 38 dollars) rồi đón taxi đi ra cảng New York mua vé đi thăm tượng Nữ thần Tự Do. Lý do mà chúng tôi phải gửi xe để đi taxi là vì rất khó tìm được nơi gửi xe ở gần bến cảng, hơn nữa giá gửi ở đó đắt khủng khiếp và khả năng kẹt xe vào buổi chiều tại khu vực này là rất lớn.

Đây là khu vực gần phố Wall - Trung tâm tài chính, Thị trường chứng khoán Thế giới và tọa độ “zero” (Ground Zero) của tòa tháp đôi WTC (Trung tâm Thương mại thế giới) ở Manhattan cách tượng Nữ thần Tự Do độ vài km. Sự cố 11-9-2001 đã làm sập tòa tháp đôi WTC và để lại “tọa độ buồn” này.

Chiếc taxi màu vàng sậm, tuy trông nhỏ gọn nhưng đủ chỗ cho 4 người ngồi. Giữa hành khách và lái xe là một khung lưới dày chắc nhằm chống nạn cướp taxi. New York nghe nói là nơi có đủ thứ tội phạm trên đời! Chúng tôi nói lời tạm biệt người lái taxi vui tính, quê hương ở tận Trung Đông sau khi trả cho anh ta 7 dollars theo kim báo của đồng hồ và 3 dollars tiền “tip” (tiền bo). Ở Mỹ, khi bạn đi ăn uống tại nhà hàng, đi taxi hay cắt tóc..., nếu không để lại tiền “tip” thì đó sẽ là điều “không giống ai” cả.

Chúng tôi rảo bước trên bến cảng thuộc khu công viên Battery trong thời tiết dưới độ không. Áo ấm, mũ trùm đầu, găng tay là những thứ đã được chuẩn bị sẵn cho cuộc hành trình. Tuy thời tiết lạnh đến cắt da, nhưng trước phòng bán vé vẫn đông vui. Có cả những người già và trẻ em. Tất cả đang xếp hàng một cách trật tự và kiên nhẫn, chờ đợi đến lượt, không chen lấn, không xô đẩy. Hình ảnh này rất quen thuộc ở các tụ điểm công cộng. Tôi đã từng đọc những bài báo nói về “văn hóa xếp hàng” của các nhà báo Việt Nam sau khi thăm Mỹ.

Vé tham quan, không kể phí lên tàu là 12 dollars cho người lớn, 5 dollars cho trẻ em và 10 dollars cho người già. Chúng tôi nhanh chóng mua được vé vì lượng người không quá đông và nhân viên bán vé cũng rất nhanh nhẹn. Nghe nói mùa hè có khi phải xếp hàng cả giờ liền mới có thể mua được vé, lượng người tham quan lên đến 20.000 người mỗi ngày. Phí lên tàu cũng bằng tiền vé cho mỗi người. Trên lối vào qua trạm kiểm soát xuống tàu thấy có dòng chữ kẻ sơn trên bảng gỗ với câu nói nổi tiếng của Benjamin Franklin là “Where liberty is, there is my country” (Tự do ở đâu, ở đó là quê hương tôi). Để được xuống tàu, mọi người đều được kiểm tra như khi làm thủ tục vào sân bay. Việc kiểm tra này được lặp lại một lần nữa khi đi vào trong lòng tượng Nữ thần Tự Do.

Tàu chở người ra đảo là một loại tàu sắt cao 3 tầng. Mỗi chuyến có thể chở tối đa đến 500 người. Khi mọi người đã yên vị trên tàu thì ống kính của các máy chụp hình và quay phim được giương lên và chìa ra xung quanh với những âm thanh reo hò thú vị bởi những con chim biển đang bay lượn trên đầu một cách thân thiện. Những con chim này cũng không tỏ vẻ gì là ngại ngần khi sà xuống đậu trên các lan can tàu. Thiên nhiên và con người ở đây thấy sao mà gần gũi. Một người bán hàng rong bước lên tàu với vương miện giống hệt như Nữ thần Tự Do, trên tay cầm một chùm vương miện khác. Anh ta trổ tài thuyết phục người mua với một vẻ mặt trông khá hài hước. Giá mỗi vương miện là 5 dollars.

Khi tượng Nữ thần Tự Do hiện ra trong tầm nhìn, mọi người lại giương mắt và ống kính về phía đó. Tàu lượn một vòng quanh đảo Tự Do trước khi cập bến. Lúc bước chân xuống tàu, trời đang âm u đột nhiên hửng nắng. Tuy vậy, không khí vẫn đang rất lạnh nên hầu hết mọi người đều đi găng tay và trùm đầu. Nhờ nắng hửng, từ xa đã trông rõ sự thanh tao, quý phái, lồng lộng và uy nghiêm đầy kiêu hãnh của Nữ thần Tự Do.

Tượng Nữ thần Tự Do là quà tặng hữu nghị mà người Pháp riêng dành cho người Mỹ trong những năm cuối thế kỷ thứ 19, nhân sự kiện 100 năm nước Mỹ độc lập. Bức tượng được thực hiện tại Pháp, sau đó tháo rời và đóng gói chuyển sang lắp đặt tại vị trí hiện nay. Bức tượng được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10-1886. Người ta nói rằng tượng Nữ thần Tự Do là đại sứ thiện chí của tình huynh đệ giữa 2 nước đang theo đuổi tự do và bình đẳng thời bấy giờ. Trước cảnh nhộn nhịp quanh chân tượng, du khách không tránh khỏi suy nghĩ vui là  người Pháp đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập khổng lồ, bất tận cho người Mỹ. Ngày nay, thật khó mà hình dung một New York thiếu vắng tượng Nữ thần Tự Do.

Tượng Nữ thần được làm bằng đồng, nặng 229 tấn, chiều cao 46 mét, được đặt trên một chân đế cao 47 mét, với cấu trúc phần trên hình chữ nhật, phần móng hình đa giác có 11 góc. Toàn thân Nữ thần khoác áo váy màu xanh (màu của chất liệu đồng bị thời gian và nước biển oxy hóa. Quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian là 30 năm theo như lời giải thích trên tấm biển gắn bên lối đi: Why is the Statue Green? - Tại sao Tượng có màu xanh?). Trên đầu Nữ thần là vương miện với bảy đường tia sáng tỏa quanh. Tay phải giơ cao ngọn đuốc dài đến 12,8 mét, với ánh lửa mạ vàng sáng bóng, tay trái nắm bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ với dòng chữ ghi bên ngoài theo ký tự La Mã: July IV MDCCLXXVI. Đây chính là ngày đọc tuyên ngôn độc lập 4-7-1776. Chân tượng mang dép săng-đan đạp lên sợi dây xích đứt đoạn, biểu trưng cho sự phá vỡ xiềng gông của áp bức và nô lệ.

Trên bệ tượng có một tấm biển đồng khắc bài thơ nhan đề “Bức tượng vĩ đại mới” (The new colossus) của nữ thi sĩ Emma Lazarus, viết năm 1883. Bài thơ này có phải là lời tiên tri cho sự ra đời của Nữ thần Tự Do? Đoạn cuối bài thơ viết:

... "Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore.
Send these, the homeless, tempest-tost to me,
I lift my lamp beside the golden door!"

Tạm dịch:

Hãy trao ta kẻ khốn cùng, mỏi mệt
Những đám đông đang khao khát tự do
Kẻ thừa thải trên biển bờ đông đúc
Hãy gửi cho ta những kẻ không nhà
Những con người đắm chìm trong bão tố
Bên cánh cửa vàng ta nhấc ngọn đèn soi.
 

Trên bãi trống quanh chân tượng, tuyết phủ trắng xóa. Chỉ có các lối đi là được dọn sạch. Một đám thanh niên đang nghịch tuyết. Họ vốc tuyết ném vào nhau trong tiếng cười giòn tan sưởi ấm không gian giá lạnh. Vài người đang lom khom lăn những cục tuyết tròn. Cục tuyết mỗi lúc một to lên theo sự di chuyển lòng vòng của họ. Ai đó đã viết lên nền tuyết 2 chữ New York thật lớn. Nhiều người hồn nhiên nằm lăn trên tuyết chụp hình với dòng chữ này. Có 2 cô gái thật xinh đang tìm vị trí đứng “ăn ảnh” để chụp cho nhau. Nhưng họ không có cách nào để chụp cả hai đứng cùng với nhau cả. Tôi nhận ra điều này và đã giúp đỡ họ. Hai cô đều là sinh viên đến từ Hàn Quốc. Hôm đó, chúng tôi không gặp một người đồng hương người Việt nào.

Dưới mặt nước sông đặc quánh, gần như bị đông đá, bầy vịt hoang vẫn sống thanh bình. Bầy chim biển dập dìu sải cánh nghiêng chao quanh tượng Nữ thần như những lời chào đẹp nhất. Phía gần mép nước trước chân tượng có 3 cái ống nhòm. Để sử dụng được, phải nhét vào khe một đồng tiền ken có mệnh giá nửa dollar và xem trong vài phút. Có thể hướng ống nhòm lên ngắm nhìn mặt Nữ thần cho rõ hơn hay hướng ra phía vịnh đuổi theo những cánh chim bay, bềnh bồng trôi theo những con tàu đang rẽ sóng hoặc nhìn sang khu Manhattan với những cao ốc nhấp nhô, soi mình trên bóng nước xanh biêng biếc đẹp tựa như tranh.

Bên trong chân đế Tượng Nữ thần là một viện bảo tàng lớn. Ở khu vực vào, việc kiểm tra an ninh còn chặt chẽ hơn cả lúc lên tàu. Mọi người đều phải cởi giày và tháo nịt cho qua máy soi. Khu bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật, chủ yếu liên quan đến sự ra đời của bức tượng và các tác giả đã góp công làm nên công trình vĩ đại này. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là cái mặt người và bàn chân trái bằng đồng khổng lồ được tạo tác tinh xảo, gợi nhiều cảm xúc. Tại sao là bàn chân trái mà không là bàn chân phải? Tôi không thể kiếm được câu trả lời.

Cầu thang xoắn ốc đưa du khách dần lên cao. Từng chặng có nhân viên phục vụ vừa làm công tác hướng dẫn vừa kiểm soát. Họ luôn gần gũi và thân thiện với nụ cười như sẵn trên môi. Sau khi lòng vòng qua mấy chặng cầu thang, thấy bảng đề tổng cộng 156 bậc, chúng tôi đi ra một cửa thông. Tại vị trí này mới ngang mặt trên của chân đế, nhưng nhìn xuống bên dưới đã thấy cao vời. Bên ngoài gió lạnh như trăm ngàn mũi kim đang khứa vào da thịt.

Để trèo lên vương miện của Nữ thần, du khách phải đăng ký vé trước qua mạng (giá vé cũng bằng tiền mua vé đến đây). Mỗi giờ cũng chỉ có tối đa 30 người được phép lên vị trí cao nhất ấy mà thôi, vì lý do an toàn, mỗi lượt lên 10 người. Vương miện có thể hình dung là một phòng vòng cung có đến 25 khung cửa sổ nhỏ bằng kính trong suốt. 168 bậc cầu thang là lối dẫn lên vị trí cao vời này. Từ vương miện có thể quan sát toàn cảnh vịnh New York.

Tại khu bán hàng lưu niệm, tôi tìm mua phiên bản Nữ thần với giá 20 dollars. Mặt trước chân đế là mặt của một đồng hồ điện tử. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi lật mặt dưới chân đế thấy có dòng chữ “Made in China”.

Sau khi viếng thăm Nữ thần, tàu đưa mọi người sang đảo Ellis. Chiếc tàu sắt Miss New Jersey cũng đưa du khách từ tiểu bang New Jersey sang. Đảo Ellis là khu bảo tàng di dân của những thế kỷ trước. Địa điểm này chính là cửa ngõ nhập cư của 16 triệu người đến từ châu Âu và vùng Cận Đông. Đảo Ellis cũng thuộc cụm tham quan Nữ thần Tự Do. Rất nhiều hình ảnh và vật dụng cá nhân mà người nhập cư các nước mang theo đến Mỹ được lưu giữ trong bảo tàng có một không hai này. Trong phòng bảo tàng đăng ký thủ tục nhập cư có một tủ kính nhỏ, trong đó có một chiếc bình lớn, trong suốt đựng hạt đậu mềm với 3 màu đỏ, đen và trắng. Có bao nhiêu hạt đậu thì có bấy nhiêu người được làm thủ tục nhập cư. Thông thường thì mỗi ngày người ta chỉ có thể làm thủ tục nhập cư cho khoảng 5.000 người mà thôi. Nhưng riêng ngày 17-4-1907, người ta đã phải làm thủ tục nhập cư cho 11.747 người. Thật là một con số kỷ lục mà người ta không thể nào tưởng tượng ra được.

Rời Ellis Island bằng tàu khi đến. Về lại khu Chinatown, gần parking gửi xe bằng taxi. Khi đi ngang qua phố Wall thì trời bắt đầu tối. Sau lưng chúng tôi, và trong tâm tưởng của cả đời mình, tượng Nữ thần Tự Do luôn kiều diễm, uy nghi và lộng lẫy.

New Jersey, 1-2010 – Đà Nẵng 8-2010

Ký của MAI HỮU PHƯỚC

 

.