Đà Nẵng cuối tuần
Nghệ thuật “Tạo hình trên người”
Những ngày cuối tháng 8, một loại hình nghệ thuật dân gian hiện đại, đầy lý thú, sôi động với tên gọi “Bodypainting”, tạm dịch là “Tạo hình trên người” được tổ chức tưng bừng tại Daegu, Hàn Quốc. Mỗi năm một lần, lễ hội mang tầm cỡ quốc tế này lôi cuốn hằng trăm nghệ sĩ các nơi trên thế giới tham dự với các tiết mục như vẽ hình với các màu vẽ tươi, nóng bỏng hay đơm kết hoa lá trên mặt, trên đầu hay trên khắp cơ thể...
Đa số là nữ, những người mẫu, sau khi chọn và được các nghệ nhân chuyên môn của ban tổ chức vẽ hình trên người, tập trung thành từng nhóm, từng hàng lưu diễn trên đường phố. Thời gian của lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày với không gian tràn ngập màu sắc của đèn hoa, pháo và thậm chí, các tiết mục trình diễn ngay giữa các hình thức ăn uống với các loại thức ăn mang màu sắc sặc sỡ.
Loại hình nghệ thuật dân gian “Tạo hình trên người” khác hẳn lối nghệ thuật xâm hình vẽ lên người. Các hình dáng và màu vẽ lên trên mặt hay các nơi trên cơ thể như cánh tay, bờ vai, trên ngực hay lưng, thường sẽ phai dần và biến mất sau một vài tuần lễ.
Nghệ thuật vẽ tranh trên người rất thông dụng từ thế kỷ 12 đến giữa thế kỷ 14 trong các buổi hành lễ theo nghi thức tôn giáo. Trào lưu nghệ thuật Gothic ở châu Âu là một điển hình. Nó rất thông dụng ở nhiều quê hương, xứ sở như nước Pháp hay Đức, bắt nguồn từ những tranh, tượng vẽ trên tường, trang trí trong nhà thờ hay các nơi công cộng. Nhiều dân tộc thiểu số cũng thực hiện và thưởng thức môn nghệ thuật này từ lâu đời, hầu hết các tranh vẽ trên mặt, trên người được thực hiện bằng vật liệu lấy từ thiên nhiên như đất sét nhuộm phẩm màu tiết chế từ thảo mộc.
Màn trình diễn thường xuất hiện vào các dịp lễ hội, liên hoan của bản xứ như ở nước Úc, thổ dân vùng đảo ở Thái Bình Dương hay các vùng miền thuộc châu Phi. Riêng hình thức “vẽ tranh” hay trang trí trên người bằng hoa lá thì xuất hiện gần đây ở Ấn Độ. Nhất là vào những dịp cưới hỏi, cô dâu được trang điểm hết sức cầu kỳ, sặc sỡ. Đến cuối những năm 1990, nghệ thuật “Tạo hình trên người” mới được nhiều phụ nữ trẻ phương Tây hưởng ứng.
Cho đến nay, vẫn còn sự tranh cãi về tính hợp pháp chung quanh môn nghệ thuật “Tạo hình trên người”. Hiện nay, nghệ thuật “Tạo hình trên người” đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Người nghệ sĩ trình diễn với bộ đồ “nhái” mỏng dính, tranh được vẽ trên mặt hay trên lớp y phục đó. Nội dung tranh, phần lớn đều chọn những điển tích dân gian hay thần thoại.
HOÀNG ĐẶNG