Ngày đó, ở Hố Quốc, làng Khê Lâm, tổng Phước Tường thượng (nay là thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có một ngôi mộ bị xích cái xích sắt. Dân làng lên núi cắt tranh đi ngang qua không biết mộ của ai. Người ta xì xầm với nhau đó là mộ của Quan Khâm, một vị quan người tộc Nguyễn Hữu tiền hiền làng. Nhưng có người bảo không phải, vì gia đình tộc họ không công nhận.
Mộ Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch và phu nhân hiện ở thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: VPQ) |
Cụ Nguyễn Vinh, năm nay 104 tuổi, người cao niên nhất làng Khê Lâm hiện nay, kể rằng, cụ đem thắc mắc này hỏi ông Xã Sáu, tên thật là Nguyễn Hữu Dụng, cháu nội Quan Khâm, thì ông này cũng xác nhận là không phải. Một bữa, cũng vẫn lời cụ Vinh, ông Xã Sáu thấy có quan quân kéo đến nhà, bảo dẫn đi chỉ mộ Quan Khâm. Ông Xã Sáu nói ông nội đi làm quan rồi chết, không biết mộ phần chừ ở đâu. Quân lính đưa ông ra Hố Quốc, bảo ông nhận mộ ông nội, ông cũng lắc đầu từ chối. Cuối cùng, chúng đem ra một sợi xích sắt quàng lên mộ, giao hương lý trong làng và gia đình phải giữ xích không được để mất.
Theo cụ Vinh, lý trưởng sợ mất xích, hằng năm phái người đến cùng ông Xã Sáu đi tu tảo phần mộ, lại còn dặn phải sắm sửa lễ phẩm để khỏi bị vong linh người nằm dưới mộ quở trách. Cụ Vinh mấy lần theo vào Hố Quốc xem họ dọn mộ, lần nào cũng chỉ thấy một mình ông Xã Sáu, con cháu khác không một ai lai vãng.
Quan Khâm là ai? Vì sao mộ lại bị xiềng?
Đó quan Khâm sai Đại thần Thanh - Nghệ - Tĩnh Nguyễn Hữu Lịch (1840 – 1887) người làng Khê Lâm. Theo “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng xã Hòa Sơn” của Đảng bộ xã Hòa Sơn, khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương, ông đã cùng Phan Đình Phùng, Cao Thắng tổ chức căn cứ Ngàn Trươi, phất cờ khởi nghĩa ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Thất bại, ông bị triều đình Huế kết tội âm mưu làm loạn và tuyên án “tam ban triều điển”, ông chọn thanh gươm để giữ vẹn khí tiết.
Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng xã Hòa Sơn” của Đảng bộ xã Hòa Sơn có nói đến một nhà khoa bảng yêu nước tên là Nguyễn Hữu Lịch, cho rằng ông còn có tên Nguyễn Lịch hay Nguyễn Thông và dẫn các sách dưới đây: “Sách Quốc triều hương khoa lục của triều Nguyễn do Cao Xuân Dục soạn ghi về ông như sau: “Nguyễn Lịch người xã Khê Lâm, huyện Hòa Lạc, làm quan tới chức Lang trung”. “Sách Hòa Vang huyện chí cũng ghi: “Nguyễn Thông người xã Khê Lâm, tổng Phước Tường thượng, đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn, năm Tự Đức thứ hai mươi mốt, làm quan đến chức Lang trung Bộ binh, được cử làm Khâm phái Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa”. |
Cụ Lâm Quang Thạnh, 84 tuổi, chắt ngoại Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch kể rằng, mộ ông cố ngoại của cụ được táng tại Thanh Hóa, tuy không có mộ chí vì đã bị vua xóa tên, nhưng được đánh dấu cẩn thận. Năm 1905, con cháu Quan Khâm bí mật đưa di cốt về an táng tại quê nhà. Đào mộ vào đêm khuya, bốc lấy hài cốt rồi đắp lại nguyên trạng. Đi bộ về quê, không dám đi tàu xe vì sợ bị lộ. Khi an táng Quan Khâm tại một nơi hoang vắng ở Hố Quốc, con cháu hết sức giữ bí mật, chỉ được thăm viếng từng người một, thắp hương thì phải chờ tàn hương, gói cả tro lẫn que mang về. Thế mà, không biết vì sao lại lộ thông tin ra ngoài, khiến vua Thành Thái sai quan quân kéo đến xiềng mộ?
Suốt 40 năm, người đã khuất núi vẫn chịu cảnh xích xiềng, nỗi oan trái chưa một lần gột rửa. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đoàn đại biểu Việt Minh huyện Hòa Vang do ông Châu Quang Thuyên dẫn đầu đã về Khê Lâm, phá xiềng, giải oan cho Quan Khâm. Cụ Lâm Quang Thạnh nhớ lại: Hôm đó, khu vực Hố Quốc được phát quang để đón khách. Cán bộ Việt Minh làng Khê Lâm, các đoàn thể Phụ lão cứu quốc, Nông dân cứu quốc, thanh niên, phụ nữ, có cả người xứ đạo và nhà chùa gần đó lũ lượt kéo về, ai cũng cầm một cây cờ đỏ sao vàng nhỏ trên tay.
Sau phần nghi lễ, Trưởng đoàn Châu Quang Thuyên phát biểu: Cụ Nguyễn Hữu Lịch là một đại thần một lòng chống Pháp, mà chống Pháp không phải là tội, chống Pháp là có công, là yêu nước. Ông lên án triều đình phong kiến đối xử với cụ vô nhân đạo và tuyên bố Việt Minh phá xiềng nô lệ giải phóng toàn dân, Việt Minh cũng phá xiềng giải phóng cụ, trả lại mộ cho cụ để con cháu nhận mộ, trả lại tên cho cụ để con cháu lập bia, trả lại công bằng cho cụ để mọi người biết chống Pháp là yêu nước.
Ông Xã Sáu thay mặt con cháu tỏ lòng biết ơn Cách mạng và tạ lỗi với dân làng vì đã nói dối không nhận đó là mộ Quan Khâm nhà mình. Con cháu không nhận mộ ông bà là bất hiếu, nhưng nếu nhận mộ e lại càng bất hiếu hơn, vì quan quân triều đình sẽ phá mộ như đã từng phá mộ cụ Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.
Cụ Nguyễn Vinh, sau khi chứng kiến buổi lễ thiêng liêng đó, hằng năm trong lễ cúng đình, đều kể lại câu chuyện cảm động về một ngôi mộ từng bị xích xiềng và tỏ lòng tri ân vị quan yêu nước đã làm rạng danh quê hương mình.
VIÊN PHÚC QUÂN