Thật may mắn nếu mỗi người tìm được cho mình một tình bạn tại cơ quan. Còn không, làm thế nào để chúng ta giữ được khoảng cách an toàn, cũng như tránh những va chạm không đáng có?
1- Thiết lập các giới hạn
Nghĩa là thiết lập các giới hạn về bản thân bạn khi nói về đặc điểm và chi tiết của cuộc sống bên ngoài công việc. Để giữ hòa khí thân thiện thì tốt nhất những quan điểm về tôn giáo, chính trị và đạo đức của bạn nên nói ở nhà. Nói cách khác, bạn hãy giữ cuộc sống riêng cho mình.
Bạn có thể dành một hoặc hai bữa nhậu sau giờ làm việc cùng đồng nghiệp, nhưng không nên quá thân mật. Kể cả những mối quan hệ lãng mạn ngoài luồng với đồng nghiệp hoặc cấp trên cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai nghề nghiệp của bạn. Nhớ rằng bạn là một người làm chuyên môn và công việc của bạn là ưu tiên hàng đầu.
2- Xử lý các mâu thuẫn nhanh chóng
Trong công việc, sẽ khó tránh khỏi việc bạn va chạm với đồng nghiệp. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu cả hai bên đều cố chấp. Một cách hiệu quả nhất để xử lý các khó khăn cá nhân này là “đương đầu” với nó bằng thái độ tích cực mà không cần phải có sự can thiệp của cấp trên.
Trước và sau công việc, bạn nên đi gặp người mà bạn đang có những khúc mắc để nói chuyện với thái độ bình tĩnh, lịch sự, biết lắng nghe, không nên để tâm lý của cả hai bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi cá nhân.
Bạn và đồng nghiệp không cần phải thích nhau, nhưng các bạn phải tiếp tục làm việc với nhau một cách bình đẳng và cố gắng hết sức cho công việc.
3- Điều hòa cách cư xử của bạn trong và ngoài cơ quan
Không ai bảo bạn phải là người luôn rộng lượng, nhường nhịn và hy sinh bản thân mình để giúp đồng nghiệp thăng tiến. Nhưng bạn hãy đối xử với họ một cách thân thiện, lịch sự và giữ thái độ tôn trọng.
Hãy kiểm soát tình cảm và những cơn phẫn nộ của bạn bằng cách nên suy nghĩ trước khi nói và hành động. Chỉ cần một lời nói thiếu suy nghĩ, bạn sẽ mất điểm trong mắt đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn, điều đó có thể ảnh hưởng đến con đường tiến thân của bạn. Bạn có thể phòng ngừa mọi thảm họa trong công việc bằng một quy tắc rất đơn giản sau: “Hãy đối xử với mọi người như cách bạn muốn họ đối xử với mình”.
4- Không làm hết mọi việc cho đồng nghiệp
Không có gì sai khi bạn cởi mở, thân thiện và hay giúp đỡ người khác trong công việc. Tuy nhiên đừng gây “ấn tượng” với họ rằng bạn là một đối tượng dễ dàng bị “nhờ vả” để làm các công việc của người khác, trong khi bản thân họ không tự sắp xếp thời gian để làm.
Nếu lúc nào bạn cũng sẵn sàng làm các công việc của người khác, bạn sẽ thấy rằng chất lượng công việc của chính mình đang giảm sút. Bạn chỉ nên nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp ở những trường hợp thật cần thiết.
5- Xác định thời gian tán gẫu
Không thể phủ nhận rằng việc tán gẫu với đồng nghiệp là cách làm giảm stress và lo lắng, thúc đẩy các mối quan hệ. Nhưng tốt nhất là nên giới hạn những chuyện phiếm như thế ở một thời gian thích hợp. Đừng chuyển thời gian làm việc của mình và đồng nghiệp thành thời gian chơi. Không nên để một cuộc trò chuyện trong thời gian làm việc kéo dài tới hơn 20 phút, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc và cả hình ảnh chuyên nghiệp của bạn nơi công sở.
6- Phê bình có thiện chí
Trong các cuộc họp cơ quan, phê bình là hình thức xây dựng tốt nhất, song sự thiếu thiện chí khi đưa ra vấn đề sẽ làm mọi người khó chịu về bạn. Nếu nhìn thấy những khuyết điểm của đồng nghiệp, bạn hãy nhẹ nhàng và khéo léo góp ý với riêng họ trước khi đưa vấn đề ra cuộc họp toàn cơ quan.
H.L (tổng hợp)