.

Chất gây nghiện: Con dao hai lưỡi

.

Các nhà chuyên môn y dược luôn khuyến cáo thuốc là con dao hai lưỡi, đặc biệt là các loại thuốc có chất gây nghiện, hướng thần.

Quản lý nghiêm ngặt

Mô tả ảnh.
Bác sĩ Huỳnh Thức, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tư vấn cho bệnh nhân cách dùng thuốc an toàn nhất.

Lạm dụng thuốc, Dược sĩ Như Liên (Khoa Dược - Bệnh viện Đà Nẵng) giải thích, là tình trạng sử dụng thuốc dai dẳng với liều lượng quá mức ngoài mục đích trị liệu và ngoài sự chấp nhận của y học. Lạm dụng chất gây nghiện là tình trạng sử dụng các thuốc gây nghiện không nhằm mục đích phòng bệnh, điều trị, hay chẩn đoán.

Chất gây nghiện, theo Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy, “là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng”. Cũng theo luật này, “chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành”.

Dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, xuất phát từ tính chất đặc thù đó của thuốc, Bộ Y tế đã có quy chế quản lý thuốc gây nghiện và hướng tâm thần, được sửa đổi nhiều lần, văn bản mới nhất là Thông tư số 10/2010/TT-BYT ngày 29-4-2010 hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện và Thông tư 11/2010/TT-BYT ngày 29-4-2010 hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc hướng thần. Muốn mua thuốc gây nghiện (như morphin, fentanyl, pethidin…), khoa Dược phải lập dự trù với số lượng căn cứ vào lượng tồn kho cũng như số lượng sử dụng của quý trước, trình lên giám đốc bệnh viện ký để gửi lên Sở Y tế phê duyệt.

Các thuốc gây nghiện, hướng thần dạng tiêm khi nhập kho khoa Dược đều được thủ kho (là dược sĩ đại học) ký vào từng ống thuốc. Khoa, phòng nào nhận về sử dụng xong phải trả lại vỏ thuốc để Khoa Dược kiểm tra đối chiếu số lượng thực phát và số vỏ thu lại. Khi chích thuốc cho bệnh nhân, có cả ba bề bốn bên: bác sĩ ra y lệnh, y tá hành chính vô sổ, y tá chăm sóc bệnh thực hiện, các bên giám sát lẫn nhau, không ai tự quyền làm sai trái. Hơn nữa, các thuốc mà người bệnh dùng đều được công khai bằng một phiếu dùng thuốc kẹp ở đầu mỗi giường bệnh. Người bệnh và người nhà bệnh nhân đều biết bệnh nhân sẽ được dùng thuốc gì trong ngày. 

Quy trình chặt chẽ như vậy là để phòng tránh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Hiện nay có thuốc morphin mới loại viên, các dược sĩ cho biết, mặc dầu rất tiện cho bệnh nhân nhưng bệnh viện chưa dám dùng vì quản lý rất khó khăn. Nếu dùng dạng viên này, việc xác định bệnh nhân có uống thuốc hay không là rất khó. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân dễ dàng “qua mặt” y, bác sĩ bằng cách giữ lại viên thuốc dưới lưỡi mà không uống, sau đó nhả ra và dùng với mục đích khác.

Ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nguyên tắc quản lý thuốc gây nghiện từ sổ sách đến cấp phát vẫn không khác, chỉ khác một điều là thuốc này được dùng với số lượng nhiều hơn, theo khẳng định của Bác sĩ Giám đốc Lâm Tứ Trung. Ví như Diazepam, chích cho bệnh nhân tâm thần bị kích động khi đưa từ nhà lên bệnh viện, chích cho bệnh nhân có ý tưởng tự sát... Diazepam tiêm có tác dụng như chất gây nghiện, nhiều người phối hợp Diazepam với heroin để cho tác dụng gây nghiện cao hơn nữa. Vì thế, Bộ Y tế đã có ý kiến phải quản lý nghiêm ngặt loại thuốc này tránh tình trạng lạm dụng, thất thoát.

Cảnh giác, không bao giờ thừa

Mô tả ảnh.
Nếu dùng sai mục đích, các thuốc gây nghiện sẽ gây tác hại không lường.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Châu nhắc lại rằng, “thuốc là con dao hai lưỡi” và nhấn mạnh phải sử dụng như thế nào đó để thuốc mang lại hiệu quả chữa bệnh, tránh tình trạng biến chứng do dùng cẩu thả, dùng sai chỉ định, nhất là lạm dụng. Nếu ta hiểu rõ về thuốc một cách tường tận thì sẽ phát huy được hết công dụng của nó, ví dụ như hàm lượng, liều lượng, chỉ định, chống chỉ định..., đặc biệt là tương tác thuốc khi kê hơn 2 loại thuốc.

Nhiều khi quá sợ “con dao hai lưỡi” mà bệnh nhân dùng thuốc sai nguyên tắc, đơn cử như bệnh nhân bị mất ngủ đơn thuần - một thể bệnh tâm thần. Uống thuốc vô thấy ngủ bình thường là ngưng không uống nữa vì sợ dùng thuốc nhiều có hại. 1-2 ngày sau lại mất ngủ. Lại uống thuốc. Chính tình trạng này làm cho người bệnh phụ thuộc vào thuốc và nghiện thuốc lúc nào không hay. Bác sĩ Trung khuyến cáo: “Nếu có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn ngay từ đầu về liệu trình điều trị thế nào, liều dùng ra sao thì bệnh nhân sẽ tin dùng đúng, tránh tình trạng nghiện thuốc đáng tiếc”.

Tính cách hai mặt của chất gây nghiện còn thể hiện ở cách sử dụng nó.

Bệnh nhân ung thư và bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối rất cần các loại opioid như morphin, fentanyl, codein. Để bảo đảm đủ thuốc giảm đau cho người bệnh, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ thuốc gây nghiện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện một số nội dung cần thiết. Theo đó, đối với các cơ sở y tế hiện chưa có các loại opioid, nếu người bệnh ung thư, AIDS giai đoạn cuối nằm tại nhà không thể đưa lên khám ở tuyến trên thì người được cấp có thẩm quyền phân công khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tới khám, xác nhận người bệnh còn sống, xác định mức độ đau của người bệnh và kính chuyển tuyến trên kê đơn opioid cho người bệnh. Người nhà bệnh nhân mang giấy xác nhận này kèm sổ điều trị bệnh mạn tính cùng giấy cam kết sử dụng hợp lý opioid lên tuyến trên xin kê đơn opioid giảm đau cho người bệnh.

Ở đây, vấn đề đạo đức được đặt ra. Người nhà không nỡ nhìn bệnh nhân ung thư, AIDS giai đoạn cuối quằn quại trong cơn đau, thuốc về bao nhiêu là dùng hết cho người bệnh theo đơn thuốc. Thế nhưng, lấy gì để bảo đảm rằng không có trường hợp người nhà cho bệnh nhân dùng ít thuốc lại, hoặc thậm chí, không cho bệnh nhân dùng một chút nào, để tuồn thuốc ra thị trường?

Một nghiên cứu của bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng Lâm Tứ Trung về chất gây nghiện cho thấy, hiện nay người sử dụng ma túy ít dùng morphin, chỉ dùng tạm thời nếu chưa “nhập” được loại thuốc mạnh hơn. Việc dùng thuốc gây nghiện opioid tiêm tĩnh mạch đã được con nghiện chê là “lạc hậu”, có “bèo” chi cũng phải là heroin. Các loại thuốc như morphin, seduxen nay chỉ là chất phụ gia để dùng chung với các chất gây nghiện cao cấp khác để phê cao hơn.

Heroin rồi cũng trở thành “lỗi thời”, con nghiện giờ chuyển qua dùng amphetamin hoặc met-amphetamin. Bác sĩ Trung giải thích, amphetamin là thuốc lắc; met-amphetamin là thuốc lắc cao cấp, gọi là hàng đá, gây hưng phấn, khoái cảm, ảo giác rất mạnh, gây biến chứng tâm thần nặng nề. Tuy nhiên, giá của các loại thuốc lắc này khá cao. Con nghiện phần lớn không thuộc giới có tiền, vì thế, cảnh giác việc sử dụng các chất gây nghiện trong khám, chữa bệnh không bao giờ là thừa.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.