Vào chùa xem tượng mới tô.
Xem chuông mới đúc, xem chùa mới xây.
(Ca dao)
Xem chuông mới đúc, xem chùa mới xây.
(Ca dao)
Chuông chùa (hồng chung) là một pháp khí của Phật giáo, mang trên mình dấu ấn của thời gian trong vòng xoáy phát triển của dân tộc, hay của một cộng đồng, một vùng miền của đất nước. Hơn nữa, thường mỗi quả chuông chùa còn có những bài văn khắc mà nội dung đôi khi không nhất thiết chỉ để thuyết giảng Phật Pháp mà còn là một tác phẩm văn học, là nguồn sử liệu quý giá.
Ở Đà Nẵng, chúng tôi đã xác định được còn lại hai hồng chung thuộc thời chúa Nguyễn, nửa sau thế kỷ XVIII: chuông chùa Long Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và chuông chùa An Long (phường Bình Hiên, quận Hải Châu).
Chùa An Long vốn trước có tên là Long Thủ, thuộc làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn. Về việc dựng ngôi chùa này, văn bia tại chùa (lập năm 1657) cho biết: “Hết thảy dân làng đều đồng ý dựng lên một ngôi chùa mới”. Không chỉ dựng chùa, việc tô tượng, đúc chuông cũng được người dân tiến hành đồng thời, văn bia nói rõ: “Ông Hội chủ cùng với tín chủ gái trai đức hạnh, nhiệt tình tôn giáo, dâng cúng những gì họ có thể để trang hoàng chánh điện và tạo tác các tượng Phật, đồng thời đúc một quả chuông, xây tháp để chuông...”.
Rất tiếc quả chuông như văn bia này mô tả hiện chưa tìm thấy. Quả chuông ở chùa hiện nay được đúc vào ngày 16 tháng 2 năm Giáp Thân. Có rất nhiều năm Giáp Thân cùng cách nhau 60 năm, tuy vậy, dựa vào các đặc điểm về kiểu dáng, kích thước, các đề tài và bố cục trang trí trên chuông... chúng tôi cho rằng năm đúc chuông được xác định là 1764.
Chùa Long Sơn thuộc làng Đà Sơn, một ngôi làng được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất trên đất Đà Nẵng, khoảng vào giữa thế kỷ XIV, đời nhà Trần. Tuy vậy, về lịch sử ngôi chùa này thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, do quá thiếu các cứ liệu xác tín. Khác với chuông An Long phải nhờ vào phong cách để xác định niên đại, lạc khoản khắc trên chuông Long Sơn đã thông tin một niên đại tuyệt đối: năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755).
Như vậy, chuông Long Sơn có sớm hơn chuông An Long, song đều cùng dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Điều lý thú là quả chuông này nguyên ủy không ở chùa Long Sơn mà có xuất xứ từ chùa Tây Linh thuộc làng cũng có tên Đà Sơn, huyện Lễ Dương, nay là huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Cả hai quả chuông đến nay vẫn còn nguyên vẹn, tuy nhiên đã xỉn màu - dấu hiệu cho thấy đồng dùng để đúc chuông đã bị pha tạp nhiều. Có lẽ nó đã phản ánh đúng tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Đàng Trong lúc bấy giờ đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng. Lúc này chúa Nguyễn phải dùng kẽm đúc tiền thì dân gian lấy đâu ra cho đủ đồng để đúc chuông tốt!
Chuông chùa Long Sơn có chiều cao thân 1,1m, đường kính miệng 0,67m, chu vi thân tại vai 1,46m và tại vòng cườm miệng 1,81m, quai cao 0,26m. Dáng chuông xuôi thẳng, thành choãi, vai chuông gấp đột ngột, miệng chuông gãy góc và loe rộng. Vì vậy, khi nhìn vào, chúng ta có cảm giác khô cứng và có phần mất cân đối về tỷ lệ giữa chiều cao với độ rộng trung bình của thân chuông, và nhất là giữa độ cao của quai và thân.
Chuông chùa An Long có chiều cao thân 0,75m, đường kính miệng 0,60m, chu vi thân tại vai 1,41m và tại vòng cườm miệng 1,60m. Vai chuông không bẻ gấp mà khum dần, miệng chuông loe rộng. Về hình dáng chuông An Long tạo được sự cân đối, hài hòa, nhất là phần quai chuông cao 0,28m đã tạo ra một cảm giác cân xứng, quy chỉnh cho toàn bộ quả chuông. Với tỷ lệ giữa các kích thước và kiểu dáng đó, chuông An Long đã có những nét gần với chuông thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Quai chuông đều có chung một kiểu là hai con rồng có thân tròn, nhỏ, kỳ dựng ngược, miệng ngậm ngọc, đầu quay ra hai hướng và đấu lưng lại với nhau. Tuy nhiên, rồng ở quai chuông An Long có phần sắc sảo, mềm mại hơn trong từng chi tiết như bờm, râu, chân... thể hiện sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của người thợ đúc.
Đặc biệt, chuông chùa Long Sơn có trang trí thêm bốn cặp rồng nhỏ theo mô-típ lưỡng long triều nhật, chạy đều quanh ở khoảng giữa băng gờ ngang và vòng dây hoa lá. Sự xuất hiện của đồ án trang trí này đã góp thêm phần sinh động, có tính nghệ thuật hơn cho quả chuông vốn đã khô cứng, đơn điệu. Cũng cần nói thêm rằng mô-típ trang trí này chỉ xuất hiện trở lại một lần duy nhất ở chuông chùa Thanh Khê (tạo năm Thiệu Trị thứ bảy - 1847) trong tất cả các chuông chùa Đà Nẵng, tính từ năm 1945 về trước.
Nếu như chuông chùa An Long chỉ có một câu ngắn ngủi cho biết hoàn cảnh đúc chuông là: “Chú đại hồng chung nhứt khẩu An Long tự thập phương tín cúng công đức” (mười phương một lòng phụng cúng đúc chuông), thì văn chuông chùa Long Sơn là một văn bản chỉnh thể, lời lẽ có phần chải chuốt và quan trọng là cho chúng ta nhiều điều thú vị. Nhà Hán học Trần Đại Vinh, giảng viên Hán – Nôm Đại học Huế đã phiên âm và dịch nghĩa bài minh văn này như sau:
“Kính căn cứ theo làng Đà Sơn, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, toàn làng cùng tới chùa Tây Linh lạy Phật, hội thủ và bổn đạo toàn làng, tất cả thiện nam tín nữ, thập phương tín cúng, và tín đồ trong hội cùng tất cả con côi, vợ góa lớn nhỏ kính cẩn một lòng tin tưởng phụng thờ Phật, bèn vào năm Ất Hợi [1755] kính đúc hồng chung. Một trăm lẻ tám tiếng chuông mở được mười tám tầng địa ngục, cứu thoát cô hồn mười loài quỷ, để lại ơn phước mãi mãi lâu dài, kế tục đời đời dài lâu. Trên là chúc đương kim Thánh thượng tuổi thọ càng tươi, bổn đạo toàn làng tăng thêm tuổi, dân mạnh của nhiều, mưa thuận gió hòa, người người đều phước đức tốt đẹp, vật vật đều bình yên.
Kính nguyện: Tổ tiên con cháu chín đời, cha mẹ bà con đều thoát (địa ngục) siêu thăng, cùng sinh vào nước an lạc.
Kính bạch”
LÊ XUÂN THÔNG