.

Sân chơi lớn U-League

.
Vòng loại tại Đà Nẵng của giải Sinh viên Văn-thể -mỹ 2010 (U-League) vừa kết thúc. Sau mùa giải, có kẻ khóc, người cười; có vinh quang và thất bại. Nhưng trên tất cả là những giây phút thăng hoa của sinh viên (SV) 8 trường ĐH-CĐ ở Đà Nẵng trong sân chơi mới lạ và hấp dẫn này.

Mô tả ảnh.
Màn trình diễn Cheerleader sôi động và mới lạ của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
 
Khóc, cười cùng Cheerleader

Cheerleader (thể dục cổ động) là một bộ môn phát triển rất mạnh trong giới HS-SV ở các nước phương Tây, nhưng chỉ tại U-League, lần đầu tiên SV Đà Nẵng mới được tiếp cận. Bạn Trần Thành, Đội trưởng đội Cheerleader Trường CĐ Đức Trí cho biết: “Ban đầu chúng tôi bị nhầm giữa Cheerleader với Aerobic. Lên mạng tìm hiểu mới thấy bộ môn này khó hơn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn rất nhiều”. Với sự sáng tạo trong nội dung, sự chuẩn xác, đồng đều trong động tác, đội Cheerleader CĐ Đức Trí đã giành giải nhất trong phần thi Cheerleader tại giải này.
 
Khi đã đứng trên bục chiến thắng, Thành vẫn còn “rùng mình” khi nhớ lại khoảng thời gian cả đội cùng khóc, cười với bài tập Cheerleader: “Đó là bộ môn thể dục của tinh thần đồng đội. Điểm nhấn của một bài trình diễn Cheerleader nằm ở những động tác xoạc chân, nhào lộn và đặc biệt là tạo hình tháp bằng cách khiêng, cõng một vài người trên vai, chân hoặc lưng. Các bạn nam phải có thể lực tốt, còn nữ phải… lì và không sợ đau. Tập ở nền xi-măng nên sợ nhất là mỗi lần tung bạn nữ lên cao, nếu chậm tay bắt không kịp thì không biết thế nào. Hôm nào tập xong cũng đau ê ẩm cả người, về đến phòng trọ là ngủ luôn một mạch đến sáng”.

Với các bạn nữ, bài tập “đáng sợ” nhất là ép dẻo. “Chúng tôi được chuyên gia Thái Lan hướng dẫn trong một tuần. Mỗi lần đến bài tập, không có bạn nữ nào không rơi nước mắt. Có lúc đau quá tôi chỉ muốn bỏ tập nhưng rồi lại quyết tâm theo đến cùng”, Nguyễn Thị Thùy, CĐ Đức Trí chia sẻ. Trong đội Cheerleader ĐH Kiến trúc, cô bạn Thúy Ngân có lẽ là người dũng cảm nhất,  khi trong bài biểu diễn Ngân phải thực hiện 2 động tác khó: Tung người lên cao và trèo lên vai bạn để xây tháp. “Ban đầu “ngợp” lắm, tập hoài vẫn không hết run. Nhưng rồi thấy hai bạn nam vì khiêng, cõng mình mà toạc vai, chảy máu nên tôi cố gắng. Bây giờ đã quen rồi nhưng nghĩ lại cũng thấy “hãi” lắm!”. Sau mỗi buổi tập, họ lại chí chóe đùa giỡn như trước đó chưa từng phải rơi nước mắt vì tập luyện vất vả.

Dù lần đầu tiên đến với SV Đà Nẵng, lại khá khó tập nhưng Cheerleader đã được các bạn trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Nhiều đội đã đầu tư khá kỳ công cho bộ môn cổ động này. Anh Cao Xuân Tịnh, Bí thư Đoàn trường ĐH Kiến trúc cho hay, ngoài các chuyên gia đến từ Thái Lan do chương trình hỗ trợ, nhà trường còn đầu tư kinh phí để thuê một giáo viên thể dục đến hướng dẫn và tập ép dẻo riêng cho SV, đặt may trang phục từ TP. Hồ Chí Minh. “Ban đầu, để giúp các em làm quen với những động tác khó như bê tháp, chúng tôi đã cho các em ra biển tập trước, sau đó mới làm quen với sân xi-măng”. Trong suốt những ngày thi, lịch tập luyện của đội này luôn “căng”: Buổi sáng từ 5 – 7 giờ, chiều từ 2 – 5 giờ và tối từ 7 – 9 giờ.

Dù chỉ mới làm quen với bộ môn được xem là khó nhất trong 3 môn thi đấu (hai môn kia là Futsal và Miss U-League), nhưng với sự cố gắng của mình, 8 đội dự thi đã mang lại cho người xem những động tác nhào lộn đẹp mắt, tiết tấu sôi động của âm nhạc cùng những bộ đồng phục xinh xắn và khỏe mạnh.

Sân chơi hiện đại, bổ ích

Suốt gần một tháng qua, chiều chủ nhật nào không khí trong Nhà thi đấu Quân khu 5 (Đà Nẵng) cũng luôn hừng hực nóng. Cổ động viên ngồi chật kín các mặt khán  đài và tranh nhau cổ vũ cho đội nhà.  Không chỉ đối với các đội thi, mà những SV ngồi ở hàng ghế khán giả vẫn xem U-League là sân chơi lớn, với nội dung thi đấu phong phú, bao quát được hầu như mọi mặt đời sống trí tuệ, thể  chất và tinh thần của SV. Đào Ngọc Anh, SV ĐH Bách khoa hào hứng nói: “Tôi rất thích những cuộc thi như thế này. Công tác chuẩn bị rất tốt. Việc sắp xếp các phần thi hợp lý, nhanh chóng, lại quy tụ cùng một địa điểm nên thu hút và giữ chân được người hâm mộ ở lại cổ vũ đông đảo đến phút chót mỗi buổi thi”.

Chính vì khả năng thu hút của giải mà các trường đều giơ cả hai tay ủng hộ SV trường mình tham gia thi đấu. Anh Cao Xuân Tịnh, Bí thư Đoàn trường ĐH Kiến trúc chia sẻ: “Những người làm công tác Đoàn như chúng tôi vẫn luôn trăn trở về vấn đề SV chúng ta còn thiếu những sân chơi bổ ích. Theo tôi, không nhất thiết phải tổ chức nhiều cuộc thi trong một năm học, chỉ cần tổ chức ít nhưng chất lượng và có khả năng thu hút đông đảo SV tham gia thì sẽ hiệu quả hơn.
 
Chúng tôi rất mong muốn có những chương trình hiện đại thế này để có thể kết nối SV của cả 3 miền đất nước. Với SV miền Trung, các em có nhiều hơn những cơ hội để thể hiện mình ở những sân chơi lớn vượt tầm khu vực”. Còn Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Văn Luyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đức Trí lại cho rằng: “SV ta lâu nay khá thụ động trong học tập và các hoạt động văn thể mỹ. Bước ra khỏi nhà trường và gia đình, các em lại thiếu tự tin và rụt rè. Giải SV Văn thể mỹ là một chương trình thú vị và bổ ích đối với SV. Lãnh đạo nhà trường chúng tôi luôn ý thức việc tạo mọi điều kiện để SV có thể phát huy được năng lực của mình, dù trên bất cứ phương diện nào”.

Giải “Sinh viên Văn thể mỹ 2010” do Bộ  GD-ĐT, Tổng cục Thể dục thể  thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí  Minh, Kênh truyền hình Let’s Viet-VTC9 và Công ty Truyền thông Latsta phối hợp tổ chức. Vòng loại diễn ra ở ba khu vực, mỗi khu vực chọn 8 đội tham dự: Tại Đà Nẵng từ ngày 17-10 đến 7-11, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 14-11 đến 5-12,  và Hà Nội từ ngày 12-12 đến 2-1-2011). 24 đội của 24 trường ĐH-CĐ phải tham gia đủ ba nội dung thi bắt buộc gồm: Futsal nam, Người đẹp sinh viên (Miss U-League) và Đồng diễn-cổ động (Cheerleader). Vòng chung kết toàn quốc U-League 2010 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 8 đến 9-1-2011.

Vòng loại tại Đà Nẵng khép lại với Vô địch Futsal thuộc về ĐH Duy Tân; CĐ Đức Trí đoạt giải nhất Cheerleader; Phạm Thị Huyền Trang (ĐH Sư phạm) đăng quang Miss U-League, trong khi Mai My My (ĐH Ngoại ngữ) là Miss Tài năng và hình thể.

 
KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.