.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện về các “thuộc” xưa ở Quảng Nam

.
Một số văn bản Hán Nôm ghi, từ nửa sau thế kỷ XVIII hiện còn lưu tại vùng nam Quảng Nam thường dùng từ “thuộc” để chỉ một đơn vị hành chính. Tìm hiểu qua sách Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn có thể biết rõ hơn về điều này.

Mô tả ảnh.
Hai chữ “Liêm hộ” được thấy trên trán bia mộ vị tiền hiền tộc Ung ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.B
Năm 1776, trong thời gian Đàng Ngoài chiếm giữ vùng Thuận Hóa - Quảng Nam, chúa Trịnh Sâm sai đặt ty trấn ở Thuận Hóa; Lê Quý Đôn được cử vào đấy giữ chức Hiệp trấn Tham tán quân cơ. Trong 6 tháng, ông đã chép từ các sổ sách hành chính thu được của bộ máy chính quyền chúa Nguyễn và tìm hiểu qua lời kể của một số cựu viên chức địa phương để hình thành một số chương đoạn quan trọng trong sách Phủ biên tạp lục (PBTL) mô tả về tổ chức nhà nước và sinh hoạt kinh tế Đàng Trong thời bấy giờ.

Qua những ghi chép tỉ mỉ của ông, người Quảng Nam đời sau có thể biết được rất nhiều điều về địa phương mình lúc đương thời - trong đó, đặc biệt nhất là cách tổ chức một dạng đơn vị hành chính rất linh hoạt, có danh xưng là “thuộc” (属).

Theo ghi chép trong PBTL, danh xưng “thuộc” chỉ xuất hiện trong hệ thống đơn vị hành chính xứ Quảng Nam. Lê Quý Đôn giải thích về “thuộc” như sau: “Họ Nguyễn mở mang cõi Nam, đặt ra phủ, huyện. Các nơi gần núi rừng, dọc sông biển thường đặt làm “thuộc”(NV nhấn mạnh) cho các phường, thôn, nậu lẻ tẻ lệ vào; đặt nhân viên coi ốp, cũng giống như các tổng; có chỗ thu thóc tô ruộng, có chỗ thu tiền nạp thay, khi làm sổ tuyển đinh, số dân có thể biết được, phú thuế cũng nhiều, cũng là kỹ vậy! Nhưng không gồm các chức ấy (người phụ trách các thuộc - NV) vào quan địa phương, lại cho thuộc về Nội phủ (phủ chúa Nguyễn - NV), đặt nhiều cai tri, đốc thúc nhiều cách.” (Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh; Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Khoa học, Hà Nội 1964, tr. 156).

Căn cứ vào ghi chép trên thì “thuộc” là một dạng đơn vị hành chính đặc biệt, tương đương với đơn vị “tổng”(總), chỉ mới được định danh từ khi các chúa Nguyễn khởi nghiệp (thế kỷ XVI) về sau.

Xem toàn bộ bảng kê “danh hiệu phủ, huyện, tổng, thuộc, xã, thôn, phường, giáp, ấp, châu của họ Nguyễn” mà PBTL chép lại từ sổ sách của Đàng Trong ta thấy tên các thuộc được lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương từ phủ Điện Bàn (Quảng Nam hiện nay - NV) đến phủ Bình Khang (vùng Đông Nam bộ hiện nay - NV) như “Hoa châu thuộc”, “Sơn điền thuộc”, “Hà bạc thuộc”… Điều đó cho thấy hẳn có sự giống nhau trong hoạt động của các “thuộc” ở nơi này và nơi khác?

Tra cứu hệ thống danh xưng đơn vị hành chính thời ấy, có thể tạm giải thích như sau: thuộc Sơn điền - quy tụ các hộ dân làm ruộng ở vùng núi; thuộc Hoa châu - dệt vải, lụa; thuộc Hà bạc - đánh cá; thuộc Võng nhị - săn bắn?; thuộc Chu tượng - đóng thuyền; thuộc Tịch tượng - dệt chiếu; thuộc Mộc tượng - làm mộc; thuộc Ngân tượng - luyện kim; thuộc Cù du - dệt thảm cói; thuộc Cảm lãm - lấy nhựa trám, dầu rái; thuộc Hương du - làm dầu vừng; thuộc Thương nhân hội tân - đi buôn; thuộc Kim hộ - hộ làm vàng…

Tìm hiểu từ danh sách các xã, thôn trong một “thuộc” được ghi trong PBTL (hiện còn dấu vết địa danh ở vùng Quảng Nam), có thể thấy rõ hình thức quy tụ dân cư dựa theo nghề nghiệp của “thuộc”.

-Thuộc “Hà bạc” quy tụ dân cư vùng hạ bạc từ cửa Đại đến cửa An Hòa. Trong 30 xã, 13 thôn, của thuộc này, được PBTL ghi lại, có nhiều tên làng ven sông, biển mà đa số cư dân bao đời hành nghề đánh cá trên sông, biển đến trước 1945 vẫn còn giữ nguyên tên như Văn Úc, Vân Đông, Để Võng (vùng Hội An - Duy Xuyên); Tĩnh Thủy, Hòa Thanh, Phú Quý (vùng Tam Kỳ); Diêm Điền, Ngao Tân, An Hòa (vùng Núi Thành)…

-Thuộc “Thương nhân hội tân” [gồm 11 phường, 1 xã, 11 thôn, 19 man] tập trung dân buôn bán mà đến trước 1945 vẫn còn nhận ra tên một số nơi như Hương An, Trung An, Trung Phước (Quế Sơn), Bàn Thạch (Tam Kỳ), Long Sơn, Trường An (Phú Ninh), Diêm Điền (Núi Thành)...

-Thuộc “Hoa châu” [gồm 58 thôn, 1 phường, 2 giáp, 3 châu] tập trung số đông dân hành nghề ươm tơ dệt lụa với một số tên thôn xã ven sông Thu Bồn mà đến nay hãy còn được nhiều người biết đến như Thi Lai, Giảng Hòa, Giao Thủy, Mã Châu, Thanh Châu, Trà Nhiêu…

Cũng có danh xưng một số “thuộc” đến nay chưa tường được nghĩa như: Xuân xướng, Sĩ thần, Phụ nguyên, Phúc tượng, Kiều cư lậu dân…

Có một dạng “thuộc” đặc biệt được sử sách nhắc đến nhiều là “Kim hộ thuộc” (金户属) [sau này do kỵ húy tên ông tổ các chúa Nguyễn là Nguyễn Kim đã gọi trại và viết trại là “Liêm hộ thuộc” (廉戶属) - NV]; đó là các đơn vị hành chính tập trung các hộ đãi vàng ở đầu nguồn Ô Da, Thu Bồn, Lỗ Đông, Chiên Đàn... xưa.
Như vậy, có thể thấy “thuộc” là đơn vị hành chính xác lập trên cơ sở hoạt động kinh tế. Sự liên kết của cộng đồng dân cư trong thuộc dựa vào nghề nghiệp. Cố nhiên, trong phạm vi quản lý của “thuộc” vẫn có đơn vị xã, thôn làm nông và nạp thuế bằng lúa gạo.

Phú Bình
;
.
.
.
.
.