Khuê Đông là một trong “Hóa Khuê ngũ ấp đồng canh” ngày trước, gồm Khuê Đông, Khuê Trung, Khuê Bắc, Hòa Thuận và Sơn Thủy. Nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, làng Khuê Đông có những chuyện xưa đáng được người nay để tâm suy ngẫm.
Mộ ông Quản Diêu hiện vẫn còn ở Khuê Đông. |
Người “nhiều chuyện” nhất ở Khuê Đông hiện nay là ông Nguyễn Trọng Hiệp, 87 tuổi, được chư phái tộc trong làng bầu làm Chủ tịch Hội đồng Hương chức tại Lễ hội Đình làng Khuê Đông tổ chức đầu tháng 9 vừa qua. Chuyện ông kể nhiều nhất là về người cố nội của ông tên là Nguyễn Văn Diêu (1826 – 1886) từng tham gia hương binh (đi lính trong làng) của Nghĩa hội Quảng Nam.
Một bữa ông Diêu vác cuốc thăm đồng thì thấy xa xa có một chiếc ca-nô chạy từ hướng sông Hàn về phía sông Cổ Cò, bên trên có một thằng lính Pháp đang nhìn ngang liếc dọc. Không chừng thằng này đi dò đường để tụi Tây đưa lính theo đường sông vào đánh nghĩa quân ở Vĩnh Điện đây. Nghĩ thế, ông hụp người xuống sông, phủ lác lên đầu. Chờ cho ca-nô tới gần, ông lấy cuốc bửa một nhát lên đầu thằng Tây rồi nhảy lên vật lộn với nó. Năm đó ông 41 tuổi, khỏe như vâm. Thằng Tây chết, ông mang đầu nó nộp cho Nghĩa hội, được phong làm Hương binh Chánh Quản cơ và tặng một cái khăn điều. Từ đó, mọi người gọi ông là Quản Diêu.
Cây đòn này được cho là đã từng dùng để cáng Công chúa Ngọc Hân. |
Quản Diêu sức dân làng cùng nghĩa quân lên rừng tìm cây kiền kiền thả bè đưa về, đóng cừ thành hàng ngang trên sông Cái (còn gọi là sông Vĩnh Điện), chỉ chừa lại một cửa nhỏ đủ chui lọt một chiếc thuyền. Nghĩa quân quấn cỏ, rơm vào hàng cừ, chờ Pháp chạy ca-nô lên là đốt cháy, vì thế có tên là “Hàng cừ thảo long”. Làm thế để vừa ngăn không cho ca-nô Pháp lên, vừa kiểm soát được việc con buôn đưa lương thực từ Vĩnh Điện ra bán cho giặc. Lúc đó, Pháp cho dựng đồn thu mua lương thực ở chợ Cẩm Lệ và chợ Hà Thân; sáng Pháp dựng, tối ông Quản Diêu đưa quân đi đốt.
Khốn đốn vì tài “xuất quỷ nhập thần” của Quản Diêu, Pháp điên cuồng tìm cách triệt hạ ông.
Ông có 3 người con trai, người con đầu là Nguyễn Mẫn Cung, đỗ cử nhân, không ra làm quan. Pháp buộc phủ Điện Bàn cho người bắt ông Cung, trình lên tỉnh đường Quảng Nam. Quan đầu tỉnh phê: “Ngụy Diêu dư bối thượng tồn phi chỉ nhất Cung”. Nghĩa là, sau lưng ngụy Diêu còn (rất nhiều người chứ) không chỉ mình Cung. Thấy tỉnh phê thế, phủ chỉ còn nước thả ông Cung ra.
Một bữa, Pháp đưa quân bằng ghe bầu đổ bộ lên Khuê Đông, lùng bắt Quản Diêu. Chúng đốt nhà làm cháy mấy kho lúa vẫn không tìm thấy ông, bởi ông hay tin nên đã trớ đi từ sớm. Pháp rút quân, để lại một thằng Việt gian trèo lên cây cau. Nó thấy chiếc khăn điều lấp ló ở xa, liền ngầm báo cho Pháp quay lại. Giặc bắt Quản Diêu, dẫn ông ra Cồn Bồi (cồn Tiên Sơn, gần cầu Tuyên Sơn ngày nay) chặt đầu đem cắm ở chợ Hà Thân để trả thù việc ông đốt chợ. Tối, nghĩa quân lẻn đem đầu ông về Khuê Đông ráp với thân hình, làm lễ tế ở rừng Phi Bình.
Ông Hiệp kể, cháu bốn đời của ông Quản Diêu có người tên là Nguyễn Đại Tráng. Thời đi Vệ quốc đoàn, ông Tráng có nộp cho tỉnh tấm bằng Nghĩa hội Quảng Nam ghi nhận công lao hiển hách của ông cố mình (như “Tổ quốc ghi công” ngày nay), được phong làm tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn 93, đóng phía nam sông Cẩm Lệ. Rất tiếc, văn bản này đã mất, nhưng ông Hiệp bảo, chứng tích “Hàng cừ thảo long” vẫn còn đó. Nước cạn, người mò cua ngoài sông còn thấy hàng cây nay đã mục ải, làm chỗ trú của các loài cua, ghẹ.
Gần đình Khuê Đông từng có một cồn đất nhỏ tên là Cồn Chài. Ông Hiệp bảo, nó nguyên có tên là Cồn Tàu như lời ông nội ông kể.
Năm đó có một chiếc tàu chiến thua trận với quân Nguyễn Ánh, chạy từ Hội An theo sông Cổ Cò lên Ngũ Hành Sơn. Sau khi đưa ba mẹ con Công chúa Ngọc Hân lên ẩn trên núi Non Nước, tàu lui về sông Bãi Dài bên đình Khuê Đông ngày nay. Quan quân tất thảy bỏ tàu về nhà, tự lo liệu khai báo với triều đình mới. Không ai coi ngó, tàu đắm dần, bùn và phù sa tụ lại thành cồn. Dân không nói ra, chứ ai cũng biết đó là Cồn Tàu, chứ không phải Cồn Chài, bởi nếu nói Cồn Tàu, nhỡ quan quân nhà Nguyễn đến khai quật tàu rồi truy cứu những người từng phục vụ Tây Sơn thì sao?! Cha của ông Quản Diêu khi đó làm quan ngoài Huế, biết rõ chuyện mà không dám nói, vì sợ bị cách chức.
Đem chuyện Công chúa Ngọc Hân mất năm Kỷ Tỵ (1799), trước khi Nguyễn Ánh lấy được thành Phú Xuân (Tân Dậu - 1801) và lên ngôi vua lấy vương hiệu Gia Long, nói với ông Hiệp thì ông bảo: “Tui nghe sao kể vậy, chứ có biết mô tê chi tới sử sách. Chỗ tàu đắm còn đó, cây gỗ chôn dưới bùn không hư, tui cũng trông có người đào lên cho biết chuyện xưa ra răng”.
Ông Hiệp còn giữ một cây đòn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, được cho là dùng để cáng công chúa Ngọc Hân năm xưa. Lời ông Hiệp kể không khác với nội dung văn tế cúng đình. Chuyện xưa chép lại như thế, còn thực hư thế nào, xin nhường cho những nhà nghiên cứu...
VĂN THÀNH LÊ