Tuy đã nhận được điện của cô chú lâu rồi, nhưng mãi một tuần sau tôi mới đến thăm. Ông cho tôi hay chuyến đi này có lẽ là lần cuối cùng ra Hà Nội.
Vẫn biết sức ông yếu. Nay đã chậm chậm vào tuổi 85, lại qua hai năm xạ trị, hóa trị vì ung thư và bây giờ bệnh tiểu đường đang thâm nhập sâu vào sức khỏe của ông. Nhưng tôi vẫn ngạc nhiên, không rõ vì sao ông lại có quyết định về Nam sớm hơn dự định. Ông vốn là người Bắc, nhưng tham gia kháng chiến ở miền Nam. Thế rồi tập kết, mấy chục năm sống ở Hà Nội. Nhưng khi miền Nam giải phóng ông bà quyết định về Nam, sống với người con gái. Có lần ông cho tôi biết:
- Đấy là đứa con được sinh ra trong kháng chiến. Ngày tập kết, không cách gì mang theo ra Bắc được vì mới hơn một tuổi. Đành gửi lại cho người thân trong đó. Hơn hai mươi năm xa cách, đứa con gái vắng tình thương đùm bọc của ba mẹ. Ngày gặp lại, vui đó nhưng cũng nhiều xa lạ. Cô chú cảm thấy cần bù đắp thiệt thòi cho đứa con gái xa cha mẹ từ bé. Vậy là cô chú đành rời Hà Nội, vào Nam. Nhưng xa Hà Nội, thực sự là một hụt hẫng khó bù đắp. Vậy là một vài năm cô chú cố gắng ra Hà Nội một đôi lần, ngay cả khi sức yếu.
Biết tôi ngạc nhiên khi thấy cô chú về Nam sớm, chú bần thần hồi lâu, rồi chậm rãi nói:
- Ở đây lâu, không tiện. Chú phải nói thật với cháu, về già rồi, ngỡ là yên nhưng chú lại mang một ân hận và có lẽ đó là ân hận lớn đối với gia đình.
Tôi im lặng ngồi nghe. Giọng buồn buồn chú cởi mở:
- Mãi đến vài năm gần đây chú mới thực sự nhận ra. Con chú, thằng Dân là một kẻ ích kỷ. Khi chú vào Nam, để lại cho nó ngôi nhà trong khuôn viên 120 mét vuông đất. Mấy em nó, tuy cuộc sống còn bươn chải lắm, nhưng nghĩ tới ông anh nên không đứa nào tị nạnh. Chú làm giấy tờ qua lại và khi có sổ đỏ, nó lập tức đập hết toàn bộ nhà cũ, xây lên ngôi nhà 4 tầng. Nhưng lạ một điều, không có một phòng nào dành cho khách. Cô chú ra ở trong ngôi nhà lừng lững vậy mà tối đến trải nệm ở phòng khách. Cháu thấy có kỳ lạ không. Nghĩa là trong đầu nó, không có chỗ cho bố mẹ. Cô chú chỉ ra mươi hôm trở lại, thì ngủ ngáy tạm bợ thế. Nhưng ở lâu, hay ốm đau cần chỗ nghỉ ngơi, liệu ở đâu. Là nhà của mình đây, nơi gia đình đã gắn bó gần bốn mươi năm, bỗng nhiên thành một dạng khách trọ bất đắc dĩ.
Tuy là chuyện trong nhà, buồn đấy. Nhưng chú như còn muốn thổ lộ thêm sau ít phút im lặng:
- Suốt bốn năm qua, chú chống chọi với những cơn bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần lo bệnh ung thư, bác sĩ lại bảo, phải hạ đường trong máu. Vậy là kéo dài, tốn kém, sức khỏe suy kiệt. Lương cô chú làm sao đủ để chạy chữa. Tất cả đặt lên vai mấy cô con gái. Tất bật, vay mượn… nhìn mà lòng dạ bố mẹ xót xa. Nhưng anh con trai Hà Nội thì coi như không hề biết gì. Sau khi dứt được ung thư, cô con gái muốn sửa sang căn phòng để bố mẹ nghỉ ngơi yên tĩnh, điện ra cho anh, cùng góp ít tiền, san sẻ. Ông anh cầm máy ầm ừ, “để rồi tôi tính”, nhưng “để rồi tính” của ông anh cả với các em vẫn… im lặng như chẳng có gì. Lẽ nào sau nhiều năm đồng tiền thao túng, cám dỗ, giờ là lúc nhân cách, tình nghĩa con người đang bị xói mòn, tàn phá”.
- Có lẽ Dân cũng kẹt tiền…
Tôi khẽ khàng an ủi chú.
- Nếu chú biết thằng Dân lạnh lùng, vô cảm như thế, ngay từ đầu chú phải giải quyết ngôi nhà, mảnh vườn theo cách khác. Không thể để toàn bộ nhà cửa, đất đai cho một mình nó hưởng… nhưng bây giờ đã muộn. Nói thêm chỉ càng xa cách bố con.
Nguyên Phước