Ai đi làm cũng sẽ có lúc được (hoặc phải) dự những buổi tiệc do công ty tổ chức hay do các đối tác mời. Những lưu ý sau sẽ giúp bạn trở nên tuyệt vời trong mắt sếp và đồng nghiệp:
Dẫn theo người không mời: Khi giấy mời của công ty không đề cập đến việc bạn có thể “đính kèm” bạn bè hay người thân thì bạn không nên mang theo. Một phần vì nhà hàng và công ty chỉ chuẩn bị đủ phần ăn cho những người được mời, một phần vì người mời chỉ muốn riêng một loại đối tượng nào đó mà họ muốn.
Nếu giấy mời đến từ đối tác và bạn không muốn đi một mình hoặc bạn thấy công ty và người bạn của mình cũng quan tâm đến sự kiện thì bạn cần gọi điện hỏi trước bên chủ của bữa tiệc.
Uống quá nhiều: Một trong những điều mà bạn rất nên tránh là uống quá nhiều trong bữa tiệc. Uống đến mức nói năng lung tung, hành động không kiểm soát được, nôn thốc nôn tháo thì chẳng còn thể diện gì. Mặc dù công ty tổ chức tiệc là để nhân viên vui chơi và thư giãn, nhưng bạn cũng nên giữ chừng mực và cư xử nhã nhặn.
Buôn chuyện hay kể chuyện cười thô thiển: Tiệc công ty là dịp để mọi người trò chuyện cởi mở và chân tình với nhau, nhưng cũng có thể vì vài ly rượu mà bạn nói ra những điều không nên. Bạn nên nhớ luôn có những quy tắc và giới hạn nhất định cho các câu chuyện phiếm như vậy. Bạn không nên nói những chuyện quá riêng tư.
Nói nhiều về công việc trước người lạ: Thật bất lịch sự nếu bạn đi cùng bạn hoặc người thân mà bạn lại cứ trò chuyện về công việc với đồng nghiệp mà không để ý đến cảm giác của người đi cùng. Bạn chỉ nên nói vài câu về công việc như một lời chào xã giao hay bắt đầu câu chuyện. Hãy chọn những chủ đề mà hầu hết những người dự tiệc đều quan tâm và có thể tham gia.
Những điều nên làm
Định vị đúng loại tiệc: Bạn nên xem kỹ giấy mời. Lưu ý đến địa điểm, thời gian, tính chất bữa tiệc, trang phục để định vị bạn sẽ thể hiện ở vai trò gì trong bữa tiệc. Thông thường các bữa tiệc chính thức tại các khách sạn sang trọng luôn được ghi rõ việc khẳng định sự tham gia, trang phục yêu cầu là gì: Casual (trang phục thường); smart casual (thường nhưng cầu kỳ, đẹp), evening/smart entire: lịch sự.
Mời ai đó đi cùng nếu được cho phép: Nếu trong thư mời nói rằng bạn có thể đưa ai đó đi cùng thì bạn nên làm như vậy. Đó là một cách hay để giúp đồng nghiệp hiểu bạn hơn về một khía cạnh nào đó của cuộc sống ngoài công việc của bạn.
Khéo léo đánh bóng tên tuổi trước các nhân vật chủ chốt: Hãy dùng tiệc công ty như cách giúp bạn quảng bá bản thân với cấp quản lý. Họ là những người khá bận rộn vào ngày thường nhưng tại buổi tiệc họ sẽ cho phép mình vui chơi và trò chuyện với người khác, kể cả cấp dưới, cho dù không phải là cấp dưới trực tiếp của họ. Vì vậy, hãy tự giới thiệu và làm quen với các nhân vật này, nói đôi điều về bạn như sở thích, chuyên ngành và thế mạnh của mình.
Lựa chọn trang phục phù hợp và trang nhã: Tốt nhất bạn hãy chọn trang phục phù hợp hoàn cảnh, trang nhã và lịch sự. Nên tránh ăn mặc quá gợi cảm như thể đến quán bar hoặc vũ trường. Hãy nhớ tiêu chí chọn trang phục cho các bữa tiệc công ty là lịch sự, cuốn hút và phù hợp.
Tạo không khí vui vẻ: Trong tình hình kinh tế khó khăn, mọi người đều có cảm giác lo lắng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của họ. Tiệc là dịp để bạn vui chơi và chia sẻ niềm vui với mọi người, vì vậy bạn hãy bỏ lại phía sau những lo lắng và buồn chán, tận hưởng bữa tiệc hết mình với tinh thần tích cực và lạc quan nhất.
PHI TUÂN (Theo Navigos)