.

“Mặc áo đẹp” cho phố

.
Chuyện tìm kiếm một số loại cây trồng phù hợp với không gian đô thị luôn khiến các nhà chức năng đau đầu bởi những yêu cầu khắt khe của nó. Những đặc điểm của cây xanh như hình dạng, màu sắc, chiều cao là yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan đô thị.

Mô tả ảnh.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo đẹp hơn nhờ được trồng đồng bộ cây sao đen, kết hợp với thảm hoa.
Bắt đầu từ năm 2004, Đà Nẵng đẩy mạnh công tác phủ xanh nhiều tuyến đường mới, trồng chủ yếu là lim xẹt, muồng kim phượng (hay còn gọi là muồng tím). Loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt, cho tán lá và hoa đẹp, phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Tuy nhiên, do phải mua giống từ các tỉnh, thành khác với chi phí khá cao nên thời gian này, cả lim xẹt và muồng tím đã không thể là sự lựa chọn hàng đầu. Nhưng vì mục đích phải nhanh chóng phủ xanh các tuyến đường, các loại cây được lựa chọn trồng mới như viết, sữa, chẹo, muồng hoàng yến, lát hoa… khiến nhiều tuyến đường không đồng nhất về chủng loài.

Mãi đến năm 2008, các vườn ươm Đà Nẵng mới nhân giống thành công cây muồng tím, hướng đến việc chủ động về nguồn giống loài cây này. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, hiện nay sản lượng cây xanh ươm trồng tại các vườn ươm chiếm gần 30% nguồn cây xanh cho giai đoạn phát triển cây xanh đô thị đến năm 2020. Mục tiêu là đến thời gian trên thành phố sẽ đạt được mật độ che phủ cây xanh đạt chuẩn của Thành phố Môi trường là 6,8m2 cây xanh/người. Tuy nhiên, do mới trồng nên hiện nay số cây này mới chỉ đạt độ cao khoảng 3m, thân nhỏ, tán ít, chưa thể mang ra trồng đồng bộ.

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Cây xanh đã có ý kiến đề xuất, đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Phòng Quản lý hạ tầng đô thị, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng TP. Đà Nẵng soạn thảo đề án “Quy hoạch và phát triển cây xanh đường phố giai đoạn 2011-2015”. Trong đó cần xác lập tập đoàn cây xanh bóng mát chủ lực của Đà Nẵng theo thứ tự ưu tiên phát triển các loại muồng tím, lim xẹt, dầu rái, giáng hương, lộc vừng, phượng vĩ, long não, hoàng linh, vông mào gà. Phát triển có điều kiện các loại cây cau, dừa (chỉ làm cảnh ở các tiền sảnh lớn, đường phố ven biển hoặc trồng tập trung ven biển); bàng ta chỉ trồng ở những đường phố gần biển; xà cừ trồng ở vùng bán sơn địa; sao đen, sấu chỉ trồng giặm ở những tuyến đường đã có các loại cây này; sò đo cam nên trồng ở đường phố khuất gió.

Hạn chế phát triển các loài chẹo, muồng hoàng yến, lát hoa. Không tiếp tục phát triển cây viết, sữa. Cạnh đó, thành phố cũng sẽ cấm trồng các loại cây như trứng cá, đa, đề, sung, sộp, các loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây di thực tự phát chưa được công nhận.

Cây xanh đô thị khác với cây xanh nói chung ở một số điểm cơ bản. Cây sống lâu năm nhưng không gãy đổ vì mưa bão, bộ rễ phải bền vững nhưng không được phá vỡ vỉa hè, công trình ngầm. Cây xanh tươi, ít rụng lá, nhiều hoa, màu sắc rực rỡ, có hương thơm nhưng không nồng độc, có trái nhưng không lớn, không cứng, rơi xuống đường không gây tai nạn. Cây có tán lá nhiều, có thể che nắng, chắn bụi, tạo thành cảnh quan đẹp. Mỗi loại cây trồng phải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từng khu vực, từng đường phố…

Hà Nội vừa công bố “tự ý chặt hạ, di dời cây xanh bị phạt 15 triệu đồng”, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Đà Nẵng nói, đây là một giải pháp tích cực cần được tham khảo. Các nhà khoa học cần có câu trả lời cụ thể về chủng loại cây xanh thích hợp cho từng đô thị, tránh tình trạng xác định chủng loại cây xanh đô thị còn mang tính tự phát và chủ quan, cảm tính như nhiều nơi hiện nay. Nếu đã tìm ra được loại cây trồng phù hợp, thì cần tích cực nhân rộng, phổ biến thông tin, kiến thức cho người dân biết để cùng tham gia.

Không gian xanh luôn là tiêu chí hàng đầu của văn hóa đô thị, giúp con người sống và làm việc, giải trí một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu được trồng không đồng bộ, thiếu tính khoa học, cây xanh Đà Nẵng chỉ là những mảng xanh lồi, lõm, không mang lại cảnh quan đẹp cho một đô thị trẻ.

Huỳnh Lê
;
.
.
.
.
.