.
Nhà viết kịch Charlie Nguyễn:

“Làm phim lịch sử phải bước qua được nỗi ám ảnh...”

.
Nhiều bất ngờ đến với khán giả khi xem phim Khát vọng Thăng Long. Nhưng với người xem đã đọc nhiều về lịch sử thì thật thú vị khi lần đầu tiên có một bộ phim hoành tráng về sử Việt mà không “lợn cợn” khi phải nghĩ rằng “rất Tàu”, hay “giống Trung Quốc”. Chưa kể phim đã phục dựng rất nhiều cảnh về cổ Việt hợp lý hợp tình từ y phục, mũ mão, nón, cách bày binh bố trận… Theo đánh giá đã có nhiều góc nhìn mới từ cách viết kịch bản. ĐNCT đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch, đạo diễn Charlie Nguyễn:

Mô tả ảnh.
Nhà viết kịch, đạo diễn Charlie Nguyễn. Ảnh: Tạ Công Thắng
- Thật ngạc nhiên khi biết kịch bản về một cổ Việt lại là một Việt kiều. Anh đã phải nghiên cứu rất nhiều trước khi viết kịch bản này?

* Nhà viết kịch Charlie Nguyễn:  Tôi thích đọc và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Khát vọng Thăng Long là kịch bản thứ hai của tôi sau Dòng máu anh hùng. Tuy nhiên, phim lịch sử cũng chia làm nhiều dòng, thuần túy và dã sử. Dã sử tức là dựa vào những điểm mấu chốt có thật được ghi lại truyền lưu trong sử sách để làm nổi bật một sự kiện nào đó lôi cuốn được người xem. Chỗ ấy cũng thể hiện khả năng sáng tạo của kịch bản và đạo diễn. 

- Làm sao Khát vọng Thăng Long có thể có được những tình tiết hấp dẫn như dựng lại đúng những sinh hoạt của người Việt xưa? Phục trang từ nón, y phục, các hủ tục gái chửa hoang cạo đầu bôi vôi bị đẩy bè ra giữa sông… Khi lồng những chi tiết đắt giá đó vào phim đã làm sống lại một vùng lịch sử…

* Tôi đã phải đọc rất nhiều. Có chi tiết lưu sách cổ, có chi tiết chỉ ở dạng tham khảo phát triển nghiên cứu. Còn phải kể đến công của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và chuyên viên Bảo Trần Chi hiện sống ở Mỹ. Bảo Trần Chi còn rất trẻ nhưng cũng mê sử Việt như tôi. Vì thế, cô đã vẽ gần như toàn bộ, dựng sống lại từ tất cả những tư liệu tìm được như các phiên bản vẽ, ảnh, họa tiết trang trí trên trống đồng, dân tộc, khảo cổ học… để chọn lại những chi tiết đắt nhất. 

Có câu chuyện vui kể thêm vì sự liên quan. Ban đầu, tôi được Hãng phim truyện Việt Nam mời về để làm một phim Lý Công Uẩn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với kịch bản khoảng 400 trang đã được duyệt. Tôi đọc và thấy khó làm được như vậy nên đề nghị mình sẽ viết lại cho phù hợp. Khi kịch bản mới hoàn thành thì Hội đồng giám định lại không chịu. Họ nói phim Nhà nước không thể làm theo kiểu một kịch bản như phim tư nhân thế này. Là một người làm phim chuyên nghiệp tôi vẫn không phân biệt được đâu là ranh giới của phim Nhà nước và phim tư nhân? Phải chăng, tất cả được đặt trên việc chinh phục khán giả? Thành công của phim? Do vậy kịch bản ấy đã xếp vào tủ. Cho đến khi Công ty Kỷ Nguyên Sáng và đạo diễn Lưu Trọng Ninh mời thì tôi mới “có đất” được sử dụng. Do phải trải qua nhiều thử thách, nên kịch bản cũng đã viết đi viết lại nhiều lần, đầu tư chất xám cũng nhiều hơn. Tôi rất vui khi những nỗ lực này đã được nhìn thấy.

- Lâu nay làm phim cổ trang, chúng ta vẫn bị động vì sợ giống Trung Quốc. Anh nghĩ sao về điều này?

* Điều đó là hiển nhiên vì Trung Quốc có một bề dày lịch sử cũng như nền điện ảnh lớn mạnh. Nhưng chúng ta vẫn có thể vượt qua ám ảnh đó nếu biết cách làm. Khát vọng Thăng Long là một ví dụ. Chúng tôi đặt ra tiêu chí làm sao phải tìm được những nét riêng của văn hóa Việt Nam thể hiện qua từng cảnh phim. Và đó là phong cảnh Hoa Lư, vương triều, y phục, cảnh sinh hoạt xưa… Ngay cả thuyền rồng của nhà vua, cảnh cuối cùng Lý Công Uẩn lên ngôi, dời kinh đô về Thăng Long, tôi cũng đã tìm tư liệu để cùng các nghệ nhân phác họa khác đi từ mũi, đuôi thuyền, các họa tiết. Đặc biệt hơn chiếc thuyền này không có đội chèo hai bên mà nó sẽ do các con thuyền hộ tống hai bên để đẩy đi. Ám ảnh không phải để nằm lại mà phải cố gắng vượt qua. Đó là một nội lực đi tới…

ĐÔNG DƯƠNG (thực hiện)
;
.
.
.
.
.