.

Những ý tưởng từ hạt gạo

.
Cách đây vài năm, trong một lần xem chương trình hội họa trên truyền hình, người thương binh nặng Lê Ngọc Hùng ở tổ 47 phường Hòa Minh (Liên Chiểu) thấy có những người làm những bức tranh bằng gạo rang rất đẹp. Mê mải xem từng động tác nhỏ, rồi anh chợt nghĩ làm tranh gạo như vậy không tốn nhiều kinh phí, diện tích, “người ta” làm được thì mình cũng có thể làm được.

Mô tả ảnh.
Anh Hùng đang làm tranh gạo.
 
Từ đó, anh bắt đầu xúc tiến thực hiện. Tranh mẫu anh chọn từ các tờ lịch, sách, báo và cả trên mạng Internet, từ đó chọn ra những tấm đẹp, vừa ý, phóng lớn trên giấy bóng để làm nền tranh. Nhiều màu sắc được tạo nên từ hạt gạo mà trước đó anh chưa hề để ý. Gạo để nguyên là màu trắng, rang sơ thì tạo thành màu vàng nhạt, rang thêm một tí hóa thành màu vàng đậm, rang kỹ hơn thì lần lượt chuyển thành các màu nâu nhạt, nâu đậm, xám đen và đen tuyền. Khi làm tranh, anh bôi keo dán giấy lên nền tranh, kiên nhẫn dùng que tăm chấm vào keo rồi chấm vào từng hạt gạo, xếp các hạt gạo theo bức tranh mẫu.

Gạo chỉ có 4 màu chính là trắng-vàng-nâu-đen, nên những bức tranh màu có các màu khác thì anh cân nhắc, lựa chọn màu thay thế cho phù hợp. Ví như chiếc lưỡi của con hổ thì anh xử lý bằng cách lấy bút màu nước bôi lên từng hạt gạo. Râu của các con vật thì được làm bằng các loại xương cá... Có những họa tiết mà dùng hạt gạo nguyên không thể hiện được chính xác, anh phải chẻ hạt gạo ra thành nhiều phần bằng cách đem gạo ngâm vào keo dán giấy, khoảng nửa giờ, rồi dùng dao cắt nhỏ ra. Còn những họa tiết quá bé và liền nét thì anh giã gạo thành bột để thể hiện…

Miệt mài, tỉ mỉ, lắm khi làm quên cả trưa, tối, anh Lê Ngọc Hùng không bao giờ chấp nhận “những đứa con” thiếu hoàn hảo. Có khi cả ngày mới xếp được một chi tiết nhỏ, nhưng rồi nghĩ ra cách xếp khác đẹp hơn, vậy là anh không ngần ngại tháo ra xếp lại. Có những bức tranh anh phải làm đi làm lại hàng chục lần, đặc biệt tác phẩm “Hổ phóng giữa đại ngàn” anh làm gần hai tháng trời mới xong.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Tác phẩm “Hổ phóng giữa đại ngàn” của anh Hùng. Bức tranh “Tất cả…” của anh Lê Ngọc Hùng hàm chứa nhiều ý nghĩa.
 
Trong “phòng tranh” tại nhà riêng của anh có nhiều tranh về các con vật và phong cảnh xóm làng. Những bức tranh gạo của Lê Ngọc Hùng khá tinh xảo, ẩn chứa tính nhân văn và niềm tin yêu cuộc sống. Trao đổi về tác phẩm người nông dân gánh lúa với đề tựa “Tất cả…”, anh Hùng bộc bạch: Tất cả giá trị trên cõi đời đều xuất phát từ lao động sản xuất, tất cả nhân loại đều sống bằng lương thực và gánh lúa nặng đầy là tất cả niềm vui của người nông dân trong mùa gặt.

Say mê làm tranh gạo như là một thú tiêu khiển tuổi già, nhưng không ngờ có những người thấy đẹp đã xin được mua tranh. Thông thường, những người cầm tinh con vật gì thì thường mua con vật đó và với tinh thần vừa bán vừa tặng, mỗi bức tranh này anh “chỉ xin” 100.000 đồng. Cũng có bức tranh được khách trả 1 triệu đồng mà anh chưa đồng ý bán. Nhưng có những tác phẩm anh chỉ để treo, chứ không bán, vì nó đã gắn liền với bao kỷ niệm sâu sắc của anh trên hành trình làm tranh đầy công phu, khó nhọc và anh đã gửi gắm trong đó bao niềm tin, ý chí và lẽ sống tàn nhưng không phế.

Ở Đà Nẵng có lẽ chỉ riêng anh là thương binh nặng, cụt cả hai chân mà vinh dự được nhân dân bầu làm tổ trưởng dân phố suốt 10 năm liền và giờ đây mọi người lại biết đến anh như một nghệ sĩ làm tranh gạo. Người thương binh này có nguyện vọng được giúp các trung tâm dạy nghề hướng dẫn kỹ thuật làm tranh gạo. Theo anh, đây cũng là một nghề thủ công mỹ nghệ, nếu làm được nhiều và tạo được đầu ra thì sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, nhất là đối với những người khuyết tật.

LÊ VĂN THƠM
;
.
.
.
.
.