.

Vui buồn chuyện "trồng người"

.
Kinh tế thị trường đã ít nhiều thị phần hóa nghề dạy học khiến xã hội cũng có cái nhìn khác đi về người thầy.

Mô tả ảnh.
Không ít thầy, cô giáo vẫn miệt mài cùng học trò, dù đời sống còn khó khăn, vất vả.
1. Sáng nay thức dậy, soi gương thấy tóc mình điểm bạc. Giật mình nhìn lại sau lưng nghe thời gian lũ lượt đi qua lao xao trước hiên nhà. Điện thoại của mấy đứa bạn cũ thời dạy chung trường ở Đại Lộc, Quảng Nam, í ới: “Gần 20-11 rồi, thông báo họp bạn bè nghe. Thời gian, địa điểm như cũ hỉ...”.

Quá khứ như sợi dây vô hình cột chặt những mảnh đời dâu bể của chúng tôi lại với nhau. Tính ra từ cái ngày đầu tháng mười năm 1984 đến nay đã là hai mươi sáu năm tròn nhưng đời người thì vơi đầy theo năm tháng. Ngày xách va-li đến nhiệm sở mới, chúng tôi gồm 5 cô giáo trẻ đã rơm rớm nước mắt khi đứng trước con dốc dài lổn ngổn sỏi đá dẫn vào trường. Ngôi trường “hai không”, không cổng, không cửa, lúc nào cũng lộng gió và mặc cho đàn bò hồn nhiên gặm cỏ quanh sân. Tôi đã đọc Kiều của Nguyễn Du giữa đám học trò tóc hoe màu nắng, trong không gian hầm hập gió Lào của vùng trung du Đại Lộc và tiếng bê con lạc mẹ vang vọng khắp sân trường. L.T.K.C., cô giáo người xứ Huế chính hiệu đã từng có câu nói được cho là hay nhất hồi đó: “Bò ở đây cũng thích nghe Kiều hè?!”.

Độ lùi của thời gian luôn là khoảng cách cần và đủ để đánh giá những chuẩn mực giá trị ở bất cứ phương diện nào của cuộc sống. Soi mình vào quá khứ, tôi hiểu mình hơn, hiểu đời nhiều hơn. Ngày ấy, trước khó khăn của cuộc sống, bạn bè tôi nhiều đứa lần lượt bỏ trường, bỏ lớp ra đi. Người về theo chồng buôn bán, kẻ chuyển công tác sang những ngành có thu nhập khá hơn. Người cũ ra đi, người mới lại đến. Mái trường nhà quê ngày ấy như một bến đò chứng kiến những cuộc chia ly. Đến độ mỗi lần thầy cô bắt xe đò về thành phố, học trò chạy theo dặn dò: “Thầy cô về nhớ lên lại nghe! Đừng bỏ bọn em...”. 

Rồi những ngày đầu tháng mười âm lịch, Đại Lộc thường mưa lũ. Đang học chưa hết tiết một đã nghe trống tan trường. Lũ xuống, nước tràn lênh láng khắp cánh đồng. Trường nằm trên đồi cao như một ốc đảo chơi vơi giữa nước ngàn. Thương mấy thầy cô xa nhà, phụ huynh chèo ghe biếu cho bao khoai lang, mấy con cá rô đồng vừa bắt được rồi quày quả về trong mưa gió...

2.  Cả thành phố đang bị cuốn vào cơn bão giá. Đi đâu cũng nghe xôn xao vàng lên, đất lên... Và tất nhiên là giá cả cũng lao nhanh về phía trước với tốc độ chóng mặt. Mỗi lần ra chợ mua sắm, thấy tôi cò kè bớt một thêm hai, mấy bà mấy cô bán hàng mắng xơi xơi: “Gớm! Trả vừa phải thôi. Cô cho bọn em kiếm đồng lời nuôi con. Báo chí nói giáo viên bây giờ giàu lắm, dạy thêm mỗi tháng mấy chục triệu...”.

Tôi đem suy nghĩ này sẻ chia với đồng nghiệp cùng hoàn cảnh. Bạn bảo, nhằm nhò gì, hôm qua con mình xin tiền học thêm đúng lúc nhà không còn đồng nào. Thằng bé khóc rấm rứt: “Sao mẹ không dạy toán để có nhiều tiền như mấy thầy cô khác...”.

Kinh tế thị trường đã ít nhiều thị phần hóa nghề dạy học khiến xã hội cũng có cái nhìn khác đi về người thầy. Thầy cô dạy môn tự nhiên có cơ hội dạy thêm tăng thu nhập nhiều hơn, trong khi đó, ở bộ môn xã hội gần như bằng không. Và cũng chính cái “cơ hội vàng” chia phần không đều ấy lại là bài toán thử thách năng lực và đạo đức của mỗi giáo viên. Tính thực dụng xâm lấn vào trường học gây ra lắm cảnh bi hài. Chuyện hy hữu, có thầy, cô giáo khi phát bài kiểm tra cho học sinh, bên cạnh số điểm đỏ chót còn kèm dòng chữ: “Chưa nộp tiền học thêm tháng...!”. Lại có không ít học sinh mỗi khi nhận bài điểm kém lại nghĩ thầm rằng: “Chắc là thầy/cô nhắc khéo mình là phải đi học thêm đây (!)”.

Mỗi lần gặp người quen là gần như bao giờ cũng nghe hỏi: “Có dạy thêm không? Không dạy thêm lấy gì nuôi bọn nhỏ ăn học?”. Không mấy ai quan tâm đến việc dạy chính khóa ở trường như thế nào... Năng lực của thầy cô được đo bằng mấy chữ số thu nhập hằng tháng. Dường như xã hội đang tồn tại nghịch lý: Không dạy thêm thì không là giáo viên!

Cả nước đã từng xôn xao với các clip học trò đánh nhau, cô giáo chửi học trò, bạo hành trẻ con ở các trường mẫu giáo... Một lần nữa, cả xã hội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức cả thầy lẫn trò. Đôi lúc tôi và đồng nghiệp luôn tự hỏi: Ngày trước khổ cực là thế nhưng chẳng thấy có mấy ai “sinh đạo tặc”. Bây giờ đầy đủ, sung túc mà sao lại hư hỏng đến vậy?

3. Hôm rồi, đọc lại bài viết của một học sinh viết về cô giáo cũ của mình trong đợt phát động viết về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lòng chợt bâng khuâng.

“Thú thực, con không thích học văn nhưng mỗi lần nghe cô giảng bài là con lại muốn khóc. Không hẳn vì bài dạy của cô xúc động lòng người mà chính vì những cố gắng phi thường của cô trong mỗi giờ lên lớp... Trong lúc cả lớp lơ láo ngược xuôi, cô vẫn kiên trì giảng bài trong cái không khí ngày hè ngột ngạt. Mỗi lần như thế, đôi mắt cô luôn nhìn về phía con như kiếm tìm một đồng minh tin cậy. Biết vậy nên lần nào con cũng cố gắng chăm chú ngồi nghe cô giảng cho đến chuông reng hết giờ. Cứ thế năm học lớp chín qua mau như giấc mơ dài. Bây giờ con đã lớn, mới hiểu rằng, bài học ý nghĩa nhất cô dạy con suốt một năm học đã qua là cần có một lòng kiên nhẫn để đi đến đích cuối cùng...”.

Tôi nghĩ mình và các đồng nghiệp hôm nay cũng đang rất kiên nhẫn để đi đến cái đích cuối cùng trong sự nghiệp trồng người...

Như Hạnh
;
.
.
.
.
.