.

Bó tay nạn tải nhạc lậu

.
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà hiện nay ở Anh, vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc cũng đang là đề tài gây tranh cãi và đau đầu các nhà làm luật. Theo kết quả điều tra của Hiệp hội sản xuất băng đĩa Anh, trong năm 2010 có khoảng 7,7 triệu người tải nhạc bất hợp pháp. Báo cáo mới này cũng cho biết, có trên 1,2 tỷ bài nhạc bị chép lậu hoặc chia sẻ. Tình trạng này đang làm tổn hại đến ngành công nghiệp âm nhạc của nước này gần 219 triệu bảng Anh. Các trang nhạc mp3 trái phép và các trang lưu trữ mạng đang tăng ở mức báo động và hiện vẫn chưa có biện pháp hiệu quả nào chống lại nạn tải nhạc trái phép.

nhaclau1.jpg
Black Eyed Peas là nhóm nhạc đầu tiên có bài hát bán trên mạng vượt mức 1 triệu phiên bản số.
Ông Geoff Taylor, đến từ Hội BPI (British Recorded Music Industry) nói rằng: “Đây là loài ăn bám phá hoại một thế hệ trẻ có tài và cơ hội nghề nghiệp của họ trong ngành âm nhạc, đồng thời ngăn cản sự đầu tư vào ngành giải trí số”. Trong khi ông Geoff Taylor chống lại nạn tải nhạc lậu, thì những người vận động cho quyền kỹ thuật số của người tiêu dùng cho rằng, đòi hỏi của Hội này là nhằm đưa ra luật chống sao chép lậu. Đây là một hành động “thiếu đạo đức”. Theo ông Jim Killock, tổ chức Open Right Group (một tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số và các vấn đề tự do dân sự), ngành này đang đòi có các biện pháp “tước đoạt nhân quyền của người vô tội nhằm mục đích tăng lợi nhuận”. Nghiên cứu của BPI dựa trên thói quen của người sử dụng Internet cho rằng, có hơn ba phần tư nhạc tải trên mạng ở Anh là bất hợp pháp, không trả tiền cho nhạc sĩ, người viết nhạc hay các công ty sản xuất. Điều đó đang diễn ra, bất kể thị trường nhạc số ở Anh được 67 hãng dịch vụ tải nhạc hợp pháp phục vụ.

Mô tả ảnh.
BPI kêu gọi dân chúng trả tiền mua nhạc để giúp các tài năng trẻ như Adele (ảnh) có cơ hội phát triển.
Mark Mulligan là nhà phân tích về phân phối nhạc trên mạng, giải thích: “Ngành công nghệ âm nhạc đã vật lộn khó khăn với nạn sao chép từ một thập niên qua, nhưng không thể kiềm chế được xu hướng vì kỹ thuật thay đổi nhanh hơn các biện pháp chống lại. Hiện đang có một thế hệ tin rằng, nhạc có thể tải miễn phí trên mạng Internet. Đó là lý do tại sao chia sẻ nhạc sẽ không bao giờ biến mất”.

Universal Music Group International, công ty phát hành âm nhạc lớn nhất thế giới, cũng công nhận, việc ngăn chặn vi phạm bản quyền âm nhạc là điều không thể. Phát biểu tại Hội nghị âm nhạc Great Escape tổ chức ở Brighton, ông Francis Keeling, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số thuộc Universal Music Group International, nói: “Chúng ta có chặn được vi phạm bản quyền âm nhạc không? Không! Nếu chúng ta đặt đó là mục tiêu thì chúng ta sẽ không thể thành công”. Ông lý giải rằng: “Ở một số thị trường như Tây Ban Nha hay Italia, người ta sẽ hỏi bạn rằng, bạn mua nhạc à? Sao lại phải mua trong khi bạn có thể tải xuống miễn phí? Rõ ràng rằng tại những thị trường như vậy, nếu chúng ta không thay đổi được cách hoạt động của thị trường thì chúng ta sẽ không thể có ngành công nghiệp âm nhạc tại đó”.

Trong thời gian qua, Universal Music Group International đã nhiệt tình tham gia các hoạt động chống chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp. Công ty này cũng hết lòng ủng hộ Luật Kinh tế kỹ thuật số của Anh, mà theo đó, những người liên tục vi phạm bản quyền kỹ thuật số sẽ bị phạt, hoặc thậm chí có thể bị cấm tạm thời sử dụng Internet. Bộ luật gây tranh cãi này được thông qua hồi đầu năm nay và ông Keeling nhấn mạnh đó là “giải pháp đúng đắn”. Mặc dầu ông Keeling tin rằng Chính phủ liên minh mới của Anh sẽ tiếp tục ủng hộ bộ luật này, nhưng hiện nay vẫn chưa có quyết định cụ thể về chi tiết hình phạt đối với những người vi phạm bản quyền âm nhạc. Theo ông Keeling, giải pháp cho vi phạm bản quyền cần công bằng, phù hợp và được thực thi nghiêm túc.

Gia Huy
;
.
.
.
.
.