Căm phẫn việc Pháp đánh vào Đà Nẵng năm 1858, có một quan đốc học ở Nam Định đã dâng sớ lên vua Tự Đức và đứng ra chiêu mộ một đội quân tình nguyện kéo vào Đà Nẵng quyết sống mái cùng quân thù.
Đền thờ Phạm Văn Nghị tại làng Tam Đăng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.(Ảnh:Wikipedia) |
Đó là Đốc học Phạm Văn Nghị, có tên chữ là Nghĩa Trai, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1805 tại xã Tam Đăng, huyện Đại An, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định). Ông đỗ Cử nhân năm 1837, năm sau đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ (cùng khoa với Lục tỉnh khai khoa Lê Thiện Trị của Quảng Nam). Sau khi đỗ đạt cao, ông được bổ làm Tu soạn viện Hàn lâm rồi Tri phủ Lý Nhân (Nam Định).
Năm 1845, ông cáo bệnh từ quan về nhà mở trường dạy học, học trò ông nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Khuyến, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao... Thời gian này, ông sống ở gần cửa biển Đại An, thấy đất gần cửa biển bỏ hoang, bèn chiêu tập người cùng làng đến khai khẩn, lập ấp, đặt tên mới là trại Sĩ Lâm (sau thành Tổng Sĩ Lâm, nay là ba xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Năm 1858, ông được bổ lại, làm Đốc học Nam Định.
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, mở màn cho cuộc xâm lăng của Pháp vào Việt Nam. Toàn bộ các đồn phòng thủ của ta ở hữu ngạn sông Hàn bị hạ, địch pháo kích vào thành Điện Hải và tiếp tục tấn công về phía tả ngạn. Tổng đốc Lê Đình Lý bị thương, rồi tử vong. Quân ta lui dần, lập phòng tuyến cố thủ ở phía Tây Nam Hòa Vang.
Triều đình Huế tức tốc cử Nguyễn Tri Phương, vị tướng tài ba nhất của nước ta thời bấy giờ đang giữ chức Kinh lược sứ Nam Kỳ ra chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Với tài thao lược của mình Nguyễn Tri Phương đã chặn đứng được bước tiến của địch.
Chiến trường ác liệt, triều đình bối rối nhưng cũng đầy quyết tâm. Cả nước hướng về mặt trận Đà Nẵng với sự lo lắng và tinh thần trách nhiệm cao.
Căm phẫn trước hành động xâm lược của Pháp, ở tận đồng bằng sông Hồng, Đốc học Nam Định là Phạm Văn Nghị đã dâng “Trà Sơn kháng sớ” (Sớ kháng nghị việc Pháp đánh vào Sơn Trà, Đà Nẵng) lên vua Tự Đức và đứng ra chiêu mộ một đội quân tình nguyện gồm 365 người với ý định kéo vào Đà Nẵng quyết sống mái cùng quân thù.
Khi thành lập xong đội nghĩa dũng, Phạm Văn Nghị bàn giao việc dạy học lại cho một người bạn đồng khoa là Tiến sĩ Doãn Khuê rồi kéo quân Nam tiến.
Nhưng khi ông vừa đến Huế, thì quân Pháp ở Đà Nẵng do không chịu đựng nổi cuộc phản công của quân đội Nguyễn Tri Phương và quân dân Quảng Nam cùng thời tiết khắc nghiệt ở đây nên đã rút vào tấn công Gia Định. Phạm Văn Nghị được vua Tự Đức sắc phong 4 chữ “Tuế hàn tùng bách” (ý chỉ Phạm Văn Nghị như cây tùng cây bách, trong giá lạnh vẫn cứng cỏi) rồi buộc ông phải đưa đoàn quân trở về Bắc, dù ông năn nỉ xin được tiếp tục vào Nam chống giặc.
Quyết định của vua Tự Đức gây thất vọng lớn cho Phạm Văn Nghị và đoàn quân nghĩa dũng vì họ muốn tiến ra chiến trường, “dẫu cho trăm thân có phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây có bọc trong da ngựa”. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc của Tổ quốc, họ không cần 4 mỹ từ hư văn, mà chỉ mong được đánh giặc cứu nước.
Qua bài thơ “Trà Sơn quân thứ”, Phạm Văn Nghị đã giãi bày tấm lòng yêu nước và trách vua Tự Đức đã không cho ông được thực hiện ý nguyện của mình “Bảo tới bảo lui đành cam chịu/ Rằng sai rằng đúng mặc luận bàn”. Hành động của ông đã gây xúc động mạnh trong dư luận sĩ phu lúc bấy giờ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận nước đang nghiêng ngả.
Qua bài thơ “Trà Sơn quân thứ”, Phạm Văn Nghị đã giãi bày tấm lòng yêu nước và trách vua Tự Đức đã không cho ông được thực hiện ý nguyện của mình “Bảo tới bảo lui đành cam chịu/ Rằng sai rằng đúng mặc luận bàn”. Hành động của ông đã gây xúc động mạnh trong dư luận sĩ phu lúc bấy giờ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận nước đang nghiêng ngả.
Dẫu phải quay về, nhưng ông vẫn nung nấu tấm lòng yêu nước sắt son. Năm 1873, khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, tấn công thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, ông lại tiếp tục mộ quân chống giặc.
Ngày 10-12-1873, ông cùng nghĩa quân chặn đánh Pháp ở Đốc Bộ, thế yếu, ông lui binh về đóng ở núi Yên Hàm (Ý Yên). Nhưng lúc này triều đình đã thỏa hiệp với giặc ký Hòa ước Giáp Thân nhượng quyền, nhượng đất cho Pháp. Ông lại phải giải tán đội quân nghĩa dũng của mình.
Ngày 10-12-1873, ông cùng nghĩa quân chặn đánh Pháp ở Đốc Bộ, thế yếu, ông lui binh về đóng ở núi Yên Hàm (Ý Yên). Nhưng lúc này triều đình đã thỏa hiệp với giặc ký Hòa ước Giáp Thân nhượng quyền, nhượng đất cho Pháp. Ông lại phải giải tán đội quân nghĩa dũng của mình.
Sau khi làm hết sức mình cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nhưng không được toại nguyện lại bị triều đình ngăn cản và tuổi già sức yếu ông đành lui về ở ẩn tại động Liên Hoa (Ninh Bình) rồi mất ở đó vào năm 1880. Khi ông 70 tuổi, học trò cũ của ông là Tiến sĩ Tống Duy Tân đã viết tặng thầy: “Phong lãng kỷ hồi, đại nghĩa ná tri đầu phát bạch/ Giang sơn vô dạng, cố viên nhưng hữu cúc hoa hoàng”. Dịch: Sóng gió nhiều phen, nghĩa lớn sá chi đầu tóc bạc/ Giang sơn yên ổn, vườn xưa còn đấy luống hoa vàng.
Tinh thần yêu nước và sĩ khí của Đốc học Phạm Văn Nghị là một chấm son trong truyền thống của các nhà giáo Việt Nam. Nhiều nhà giáo Quảng Nam như Giảng tập Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Đốc học Phạm Như Xương, Giáo thọ Trần Quý Cáp... đã viết tiếp truyền thống vẻ vang này.
Người dân Đà Nẵng vẫn luôn ghi nhớ tấm lòng của vị Đốc học người Nam Định đã dành cho quê hương Đà Nẵng của mình. Ngày nay, con đường mang tên ông nằm ngay giữa trung tâm thành phố, bên hông của Bệnh viện Hoàn Mỹ, nối liền từ đường Nguyễn Văn Linh đến chợ Tân Lập đã thể hiện một cách cụ thể và sinh động lòng tri ân đó.
Lê Thí